Bưu thiếp ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh - kỷ vật lưu giữ của cán bộ đi B

Các bưu thiếp này do nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp và sưu tầm được Nhà xuất bản Mỹ thuật và Âm nhạc Hà Nội phát hành.

Cán bộ đi B Phan Thành Giám (bí danh là Đỗ Quang Hải) sinh ngày 12/8/1931 tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre trong gia đình bần nông có 6 nhân khẩu. 18 tuổi, ông tham gia quân đội, nhập ngũ ngày 20/2/1949 tại Quân chủng Lục quân, Binh chủng Bộ binh. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, thi hành Hiệp định Genève về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đảng, ông tập kết ra Bắc. Ngày 30/8/1959, ông chuyển ngành và đến nhận công tác tại Nhà máy đóng tàu Hải Phòng.

Với nguyện vọng tha thiết tham gia chiến đấu góp phần cho cách mạng, cho đất nước, ngày 18/02/1963, từ công ty Công trình Thủy Hải Phòng, Phan Thành Giám đã lên đường trở về Nam tiếp tục nhiệm vụ cách mạng thiêng liêng, phục vụ chiến đấu, giải phóng và xây dựng miền Nam, ông đi B. Kỷ vật của ông gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ là toàn bộ hồ sơ, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, giấy tờ và những kỷ vật gồm chứng minh thư nhân dân, huân chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen, ảnh, tem phiếu… Đặc biệt, cùng với những kỷ vật ấy, hồ sơ của cán bộ đi B Phan Thành Giám còn có các tập bưu thiếp ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chủ đề như Hình ảnh sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ và các cháu, Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những bức ảnh này đều được chú thích chi tiết, có tên tác giả chụp và sưu tầm ảnh Đinh Đăng Định và được Nhà xuất bản Mỹ thuật và Âm nhạc Hà Nội phát hành. Những ảnh này rất có giá trị, ý nghĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện con người và tác phong của Bác hết sức đời thường, chân thật, gần gũi, giản dị.

Việc giữ gìn những hình ảnh này còn là sự thể hiện lòng kính trọng, yêu mến, niềm tin và tình cảm của người cán bộ cách mạng Phan Thành Giám đối với lãnh tụ kính yêu cũng như đối với cách mạng và với Đảng. Nhìn lại những bức ảnh đời thường ghi lại khoảnh khắc cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ hôm nay những ấn tượng thật xúc động và sâu sắc.

Vượt đèo qua suối, Tuyên Quang, tháng 8/1951.

Vượt đèo qua suối, Tuyên Quang, tháng 8/1951.

Một bữa cơm, dọc đường công tác, Tuyên Quang, tháng 5/1954.Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Hồ sơ số 1397.

Bác cho cháu ăn cơm, Tuyên Quang, tháng 2/1951.Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Hồ sơ số 1397.

Tham gia phong trào vệ sinh yêu nước, Hà Nội, tháng 6/1956.

Bảo Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/buu-thiep-anh-ve-chu-tich-ho-chi-minh-ky-vat-luu-giu-cua-can-bo-di-b-post947590.html