Buýt nhanh Hà Nội: Giờ thấp điểm trung bình chỉ 20 khách/chuyến

Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội cho rằng buýt nhanh BRT đang quá tải giờ cao điểm, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả hoạt động vào giờ thấp điểm khi lượng khách chỉ đạt 20 người/chuyến.

Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khảo sát buýt nhanh

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Điều hành và quản lý giao thông đô thị Hà Nội - Tramoc (Sở GTVT Hà Nội), sản lượng khách của xe buýt thường liên tục giảm do tính đúng giờ không cao, thời gian di chuyển kéo dài… Trong khi tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa đáp ứng được các chỉ số trên bởi có hạ tầng, dịch vụ tốt, tỷ lệ đúng giờ cao, đạt xấp xỉ 99%, tạo độ tin cậy cho khách hàng đi xe buýt, đặc biệt là cán bộ công nhân viên chức, người cao tuổi, trẻ em.

Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2017, có hơn 3,23 triệu khách chọn BRT làm phương tiện đi lại. Lượng hành khách trung bình đạt 14.000 khách/ngày, cao điểm 18.000 khách/ngày. Lượng hành khách thường xuyên đạt từ 110 - 120 khách/lượt xe.

Kết quả khảo sát của đơn vị này cho biết, 23% hành khách sử dụng BRT hiện nay chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng tuyến buýt BRT.

Theo Tramoc, vào các khung giờ cao điểm, tuyến buýt nhanh đã có dấu hiệu quá tải với bình quân 70 hành khách/xe, nhiều lượt xe vận chuyển 105 - 115 hành khách. Sản lượng hành khách của BRT thuộc nhóm cao so với các tuyến buýt thường. Vào giờ thấp điểm, lượng khách trung bình đạt 20 người/chuyến.

Tại buổi giám sát tình hình hoạt động buýt nhanh của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 10.9, đại biểu Phạm Đình Đoàn phản ánh về việc nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả sử dụng BRT là chưa thực sự tối đa hóa.

"Hà Nội có thể tính toán cho xe buýt thường đi chung làn buýt BRT được không để tận dụng hiệu quả sử dụng của làn xe buýt?, ông Đoàn đặt vấn đề, và kiến nghị Sở GTVT Hà Nội tăng tần suất buýt nhanh vào các khung giờ cao điểm, giảm tần suất ở giờ thường, giờ thấp điểm, bởi khách đi lại trên tuyến có sự biến động lớn theo không gian, thời gian.

Ông Nguyễn Hoàng, đại biểu HĐND thành phố, cho rằng BRT của Hà Nội khác với một số nước Đông Nam Á vì đường nhỏ hẹp. Vì vậy, nên nghiên cứu thiết kế xe BRT nhỏ hơn tùy theo hành khách và hạ tầng giao thông.

Các đại biểu cho rằng, cần đánh giá về thời gian sử dụng đường riêng buýt nhanh để bớt lãng phí và giải quyết ùn tắc cho làn đường bên cạnh, nghiên cứu xe buýt thường đi chung làn buýt nhanh BRT để tận dụng hiệu quả làn đường riêng cho BRT.

Mai Hà

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/buyt-nhanh-ha-noi-gio-thap-diem-trung-binh-chi-20-khachchuyen-874437.html