Cá chép trông trăng

Trung thu, cùng với ngày lễ Ông Công ông Táo, là những dịp mà hình ảnh cá chép xuất hiện nhiều hơn cả. Châu Á có khoảng trên dưới 10 loại cá chép (trong đó có nhiều loại quen thuộc với người dân Việt Nam dưới nhiều tên gọi khác như cá mè, cá trắm, cá giếc, cá vàng), là một nguồn thực phẩm thông dụng trong bữa ăn hàng ngày của người dân, nhưng cũng là một biểu tượng cho thịnh vượng, may mắn, nỗ lực vươn lên (chẳng thế mà có điển tích Cá chép hóa Rồng, gắn liền với câu tục ngữ quen thuộc: 'Mồng bảy cá đi ăn thề. Mồng tám cá về vượt Thác Vũ Môn'). Nhiều ý nghĩa tốt đẹp khác cũng được gắn cho hình tượng cá chép: sum vầy, đoàn tụ, đông con nhiều cháu…

Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Tất nhiên, không thể không đề cập đến yếu tố tạo hình. Cá chép là loài cá thanh thoát, uyển chuyển ưa nhìn, thân thuộc mà không tầm thường nên được thể hiện rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật. Chỉ riêng dòng tranh dân gian Đông Hồ đã có khoảng 30 mẫu tranh cá chép phổ biến, trong đó mô típ “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép trông trăng) rất quen thuộc với nhiều người. Hình tượng cá chép kết hợp với mặt trăng và bóng trăng soi đáy nước (thường được in trên các nhãn bánh Trung thu), với một số người có ý nghĩa minh triết sâu sắc. Nhưng đối với đa số, thì chỉ riêng hình ảnh trăng rằm đại diện cho vũ trụ bao la, viên mãn tỏa ánh sáng dịu dàng xuống cá chép mẹ che chở cho đàn con quây quần, quấn quýt đã thật gần gũi, nhân bản và có giá trị trường tồn... Có lẽ cũng vì thế mà những chiếc bánh nướng, bánh dẻo mang hình cá chép rất được ưa chuộng trong mâm cỗ trông trăng cổ truyền.

Tuy cổ văn có khi còn gọi cá chép là “Đông phương thánh ngư” (cá thần phương Đông), nhưng trong môi trường tự nhiên, đây là một loài cá khỏe, ăn tạp, thích nghi rất tốt với môi trường mới và sinh sản mạnh mẽ (rất phù hợp với biểu tượng đông con nhiều cháu). Mỗi con cá chép châu Á có thể đẻ đến 2 triệu trứng trong một lần sinh sản, nên loài cá này phát triển rất nhanh.

Ở Canada và chính quyền nhiều bang nước Mỹ, cá chép đang là một loài động vật ngoại lai… nguy hiểm. Người Mỹ đưa cá chép châu Á vào những ao, đầm ở miền Nam nước này trong những năm 70 của thế kỷ trước để làm sạch ao nuôi cá, giúp chúng khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, khi cá chép thoát ra sông Mississippi, sinh sản nhanh chóng, rồi kéo “đại quân” tiến vào Ngũ Đại Hồ, chúng đã ngốn sạch 1/5 lượng sinh vật phù du trong Ngũ Đại Hồ, đe dọa ngành công nghiệp đánh cá và du lịch trị giá 4 tỷ USD/năm ở 5 hồ này.

CẨM HÀ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ca-chep-trong-trang-133613.html