Ca dao Việt với giáo sư người Mỹ

Là một nhà thơ, một người mê ca dao Việt Nam, giáo sư người Mỹ John Balaban (ĐH North Carolina) còn sáng lập ra Hội bảo tồn di sản chữ Nôm (VNPF), một tổ chức phi chính phủ của Mỹ giúp bảo tồn thứ chữ viết đang có nguy cơ mai một ở Việt Nam. Ông sang Việt Nam lần này là để trao giải thưởng Balaban của hội cho học giả chữ Nôm xuất sắc 2013.

Cuộc gặp với ông diễn ra vào một sáng thu tháng 10 Hà Nội. Đang giữa cuộc gặp, ông chỉ ra ngoài cửa kính, ngay đường Bà Triệu gần kề với hồ Hoàn Kiếm, một cơn mưa lá đang rơi. “Trong ca dao Việt Nam, cảnh này sẽ là gió đưa, gió đẩy…” - vị giáo sư Mỹ thốt lên bằng tiếng Việt, âm sắc Nam Bộ.

Thưa giáo sư, cơ duyên nào dẫn ông đến với ca dao Việt Nam?

- Năm 1967, là một người phản chiến, tôi sang Việt Nam lần đầu tiên, khi mới ngoài 20 tuổi, tham gia một tổ chức tình nguyện và dạy ngôn ngữ học ở Đại học Cần Thơ. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, tôi bị mảnh đạn trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân và phải về Mỹ điều trị. Một tháng sau tôi quay lại nhưng không đi dạy được nữa vì trường bị phá hủy. Tôi chuyển sang làm việc với một tổ chức cứu trợ trẻ em, điều trị cho các trẻ em bị thương do chiến tranh. Khi đưa các em trả về gia đình, tôi thường về các vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Huế... Trong lúc chờ thuyền sang sông, tôi nghe những người nông dân hát gì đó mà sau tôi mới biết là vọng cổ, ca dao. Tôi rất tò mò, và tôi bắt đầu quan tâm đến ca dao. Đến khoảng năm 1971 - 1972 tôi mang máy ghi âm đi khắp nơi, đề nghị mọi người hát khúc ca dao họ thích.

Điều đó có lẽ khá lạ lùng. Chiến tranh đang diễn ra... Liệu mọi người có giúp ông không?

- Vậy nhưng những người nông dân tôi gặp đã rất sẵn sàng để tôi ghi âm. Tôi cũng ngạc nhiên. Đang chiến tranh, những người nông dân Việt Nam thấy một người Mỹ không mặc quân phục mà lại đi ghi âm ca dao. Có lẽ họ thấy ca dao rất quan trọng về văn hóa, và họ muốn người Mỹ biết về ca dao Việt Nam. Rõ ràng là người Mỹ không hiểu con người, đất nước mà họ thả bom xuống, hoặc rất ít. Tôi cho rằng nếu người Mỹ nghe được ca dao thì sẽ thay đổi cách nhìn về Việt Nam, biết được người Việt là ai. Tôi cho rằng cuộc chiến tranh là một sai lầm lớn. Năm 1973 - 1974, tôi đến Paris, cùng với ông Trần Văn Khê làm một bộ phim về ca dao, cũng với mục đích làm cho thế giới hiểu người Việt.

Các bản ghi âm đó được ông xử lý như thế nào, chúng vẫn còn chất lượng tốt chứ?

- Thời đó chưa có Internet. Bộ phim của chúng tôi là cách để người Mỹ hiểu về VN. Tôi đi nói chuyện và chiếu phim ở nhiều nơi, đến giờ bộ phim đó vẫn được chiếu tại các trường ĐH. Chất lượng phim và các bản ghi âm vẫn còn rất tốt. Có lần tôi làm một chương trình với BBC, dùng các bản ghi âm tôi thực hiện trên một hòn cù lao có nhà thờ ở gần Mỹ Tho. Tôi muốn mọi người nghe rõ bài ca dao, nên không thích âm thanh chuông nhà thờ ở nền, cứ vài phút lại boong boong.

Một tối khi tôi đang ghi âm - tôi hay ghi âm buổi tối vì ban ngày mọi người đi làm - thì chiến sự xảy ra gần sông và người ta nghe rất rõ tiếng súng nổ. Tôi gọi cho BBC và xin lỗi họ vì âm thanh bị nhiễu. Họ bảo, có tiếng nền đó mới tuyệt vời. Thế mà tôi đã dừng máy khi âm ngay khi người hát dừng lại, khiến tiếng chuông ngân nga bị cắt đứt. BBC mất nhiều công để phục hồi tiếng chuông đó. Đấy, tôi chỉ muốn nói là chất lượng âm thanh vẫn rất tốt.

Nhưng tôi cũng lo ngại vì nhiều năm rồi tôi không động đến đống băng gốc, sợ là thời gian sẽ làm chúng dính với nhau. Có lẽ tôi phải mang đến trường đại học nhờ các kỹ thuật viên xử lý. Các bản ghi âm đó đi cùng tôi khắp nước Mỹ. 500 bài ca dao được ghi trong đó, khoảng 12 giờ ghi âm, mà phim chúng tôi làm mới có 10 phút thôi.

10 phút ghi âm John Balaban đã đưa lên trang web của ông (johnbalaban.com) là những bản ghi âm nguyên sơ y như từ hơn 40 năm trước. Những câu hát mà Balaban gọi chung là ca dao - bằng đúng từ tiếng Việt đó - gồm cả các bài ca dao, dân ca, vọng cổ, những điệu hò về quê hương, điệu ru con, về những cánh cò, về tình yêu, sự chia ly, thân phận người phụ nữ… Những giọng hát thô mộc của phụ nữ, nam giới, người già, trẻ con, cả tiếng chuông nhà thờ binh boong mà ông kể, cả tiếng trẻ em ríu rít kêu “mắc cỡ lắm” không chịu hát ngay… vẫn còn nguyên trong băng, thực sự là một tài sản quý giá không chỉ về mặt tư liệu, mà còn bởi tính thời gian, bối cảnh, làm nên sự hiếm có của chúng, những bản ghi âm mà ngay người Việt cũng khó mà có được. Giáo sư Balaban kể tiếp:

- Khi tôi đi sưu tầm ca dao, mọi người hay nói với tôi về Hồ Xuân Hương. Sau này tôi mới nghiên cứu về bà, mà muốn hiểu bà thì phải học một ít chữ Nôm. Càng học tôi càng thú vị. Thế mà ở phương Tây, ở Mỹ chẳng ai biết bà, hoặc biết chữ nôm, hoặc truyền thống Việt Nam. Nên năm 1999, tôi cùng 3 người bạn Việt Nam lập ra Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm ở Mỹ, để góp phần gìn giữ di sản 1.000 năm văn hóa lịch sử Việt Nam được ghi lại bằng chữ viết này.

Năm 2000, tôi xuất bản cuốn “Spring Essence: The poetry of Hồ Xuân Hương” (Hương Mùa Xuân: Thơ Hồ Xuân Hương) ở Mỹ, bằng 3 thứ tiếng: chữ Nôm, chữ quốc ngữ tiếng Việt, và tiếng Anh do tôi dịch. Cuối năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam, trong bài phát biểu chính thức, ông đã nhắc đến cuốn thơ Hồ Xuân Hương của tôi như một nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ, vì thế rất nhiều người Mỹ quan tâm đến cuốn sách.

Người Mỹ đón nhận đến thơ Hồ Xuân Hương như thế nào, thưa ông?

- Cho đến giờ cuốn sách vẫn được tái bản. Hồ Xuân Hương thực sự được đón nhận và đến nay hơn 20.000 bản thơ Hồ Xuân Hương đã được in ra, mà thường thơ chỉ bán được 1.000 bản ở Mỹ.

Ông nói rằng nếu người Mỹ biết về ca dao, văn hóa người Việt thì họ đã hiểu hơn về người Việt. Là người nghiên cứu ca dao và văn hóa Việt Nam, theo ông đâu là sức mạnh của nền văn hóa đó?

- Lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến đấu giành độc lập. Một số khía cạnh của văn hóa Việt Nam tiếp thu từ văn hóa Trung Quốc, nhưng vẫn có sự độc lập và tôi ngưỡng mộ sự độc lập đó. Nói về văn hóa, ví dụ, một số thể thơ Việt Nam là theo hình thức thơ Đường, nhưng vẫn có sự độc đáo, chẳng hạn như hiện tượng Hồ Xuân Hương.

Trong bài giới thiệu về Hồ Xuân Hương với người Mỹ, John Balaban viết: “Trong 10 năm tôi gọt giũa những bản dịch này, thường phải bỏ dở giữa chừng, nhưng bao giờ cũng quay lại. Sự kiên nhẫn của tôi được nâng đỡ bởi lòng ngưỡng mộ và kính phục, điều tôi hy vọng độc giả sẽ nghiệm thấy: Về sự đơn độc, cuộc sống thông minh của Hồ Xuân Hương, về thơ ca tinh tế của bà, về tính bướng bỉnh của bà, những lời châm biếm của bà, sự bạo dạn của bà, cái hài hước bất kính của bà, và tấm lòng từ bi Bồ Tát của bà. Bà là nhà thơ tầm thế giới, người có thể làm chúng ta ngày nay xúc động như bà đã làm xúc động người Việt trong 200 năm”. (1)

Vị giáo sư Mỹ còn hiểu về văn hóa Việt hơn cả chính nhiều người Việt chúng ta. Từ việc ông tỉ mỉ đi ghi âm những câu hát truyền thống 40 năm trước, việc thành lập Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm với hàng loạt dự án gìn giữ chữ Nôm mà hội đã và đang hợp tác với Việt Nam, đến việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ở Mỹ. Và ca dao Việt đã ngấm vào ông - một người Mỹ, ngay trong cuộc sống hằng ngày.

Đến Hà Nội vào lúc cả đất nước Việt Nam đang cuồn cuộn trong tình cảm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, John Balaban cũng đến viếng Đại tướng tại Hoàng Diệu với bài thơ ông viết bằng tiếng Anh, nhưng đầy những hình ảnh thơ ca, truyền thuyết Việt và ông còn đưa vào đó cả ca dao Việt: “Huyền thoại bao đời nay là vậy/ Tướng tài khi sứ mệnh đã xong/ Gươm kia bỏ lại phía sau/ Bước lên thuyền nhỏ khuất dần trong sương/ Sông Lô một dải trong ngần/ Thảnh thơi ta rũ bụi trần cũng nên”…(2)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/san-khau-dien-anh/ca-dao-viet-voi-giao-su-nguoi-my/144681.bld