'Cà kê' điện gió Kê Gà

Dự án Điện gió Kê Gà – một trong những dự án điện gió được đánh giá là 'khủng' tại Việt Nam khó tránh khỏi quy trình 'nằm chờ quy hoạch'.

Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án 3.4000MW tương ứng khoảng 9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia.

Không lo ngại về kỹ thuật

Đánh giá về dự án này, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tin rằng, không phải lo ngại gì về kỹ thuật xây dựng vì theo thông tin công bố, các nhà đầu tư đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trước những lo ngại khi xây dựng dự án điện gió ngoài khơi có thể tác động đến môi trường biển, PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Nhiệt Việt Nam trấn an, khi làm các cột trụ, người ta chỉ đào móng xuống dưới đáy, không phải san lấp gì. Điều này khác với việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than, phải nạo vét bùn xây dựng cảng nước sâu để tàu có trọng tải lớn vào được. Điểm tích cực nhất là điện gió không gây ô nhiễm môi trường. Nó có thể gây ra hạ âm ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng khi dự án làm ở ngoài khơi xa thì không có vấn đề gì.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng đánh đánh giá dự án Kê Gà là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam, vô cùng tiềm năng, hiện đại và khả thi. Thành công của dự án sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai. "Một dự án lớn và ý nghĩa như điện gió ngoài khơi Kê Gà sẽ tạo một bước đột phá cho nền kinh tế Việt Nam và nên được triển khai sớm”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Cũng đã có những câu hỏi đặt ra liệu điện gió có thật sự an toàn khi tuốc bin điện gió có khả năng gây nhiễu tới quá trình thu phát sóng vô tuyến, viễn thông và các hệ thống radar? Trả lời câu hỏi này, TS Lê Hữu Phúc, khoa điện tử - viễn thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM giải thích, khi tuốc bin hoạt động để phát điện sẽ phát ra một lượng điện trường, từ trường do vậy có thể ảnh hưởng đến một số loại sóng kể trên. Tuy nhiên, vùng ảnh hưởng sẽ không lớn, chỉ một vùng rất nhỏ bị hưởng. Nếu cánh quạt làm bằng vật liệu phi kim loại thì cũng phát sinh từ trường nhưng ít gây nhiễu sóng.

Cần văn bản hướng dẫn cụ thể

Ngày 11/3 vừa qua, bản khảo sát chi tiết và kế hoạch làm việc để khảo sát khu vực Kê Gà, tỉnh Bình Thuận rộng 2.000 km2 đã được Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy Pte. Ltd (EE) trình Bộ Công Thương để phê duyệt.

Mặc dù đặt ra kế hoạch chuỗi tua-bin đầu tiên hoạt động vào cuối năm 2022 và hoàn thành đề xuất 600 MW của giai đoạn xây dựng ban đầu trong năm 2023, nhưng với quy trình xử lý các dự án điện hiện nay, thì chưa biết bao giờ, Dự án Điện gió Kê Gà mới được bổ sung quy hoạch rồi đi đến nhận được quyết định đầu tư.
Việc dự án điện phải nằm chờ quy hoạch xuất phát từ nguyên nhân là chưa xác định rõ phạm vi nguồn và lưới điện được tích hợp trong quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh Bình Thuận đang gây khó khăn cho việc thẩm định, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, nhất là với các dự án nguồn điện có công suất đến 50 MW và lưới điện áp cấp 110 kV trở xuống.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể quy định phạm vi lưới điện trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia và phạm vi lưới điện trong quy hoạch tỉnh.

“Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, gây ra lúng túng khi có dự án mới, vì không biết có thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương với việc tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 43/2013/TT-BTC về quy trình, thủ tục lập thẩm định phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

BBT

Bạn đang đọc bài viết “Cà kê” điện gió Kê Gà tại chuyên mục Đầu tư của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ca-ke-dien-gio-ke-ga-146913.html