Ca khúc 'Độ ta không độ nàng' đi ngược giáo lý nhà Phật?

'Độ ta không độ nàng' đang là ca khúc được tìm kiếm và có số lượng cover nhiều nhất trên mạng xã hội chỉ trong một thời gian ngắn. Với 'làn sóng cover' rầm rộ, ca khúc cũng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Anh Duy đang sở hữu bản cover “Độ ta không độ nàng” triệu view trên youTube. Ảnh: TL

Anh Duy đang sở hữu bản cover “Độ ta không độ nàng” triệu view trên youTube. Ảnh: TL

Nội dung, ca từ lạ lẫm

“Độ ta không độ nàng” vốn là một bài hát nhạc Hoa, phiên bản gốc được Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện. Tuy nhiên, được biết người đầu tiên thể hiện ca khúc này cũng chính là tác giả có nghệ danh Cô Độc Thi Nhân. Bài hát được anh sáng tác dựa trên cảm hứng nhớ về thời thơ ấu làm đệ tử ở chùa Thiếu Lâm.

Ngay sau khi ca khúc này được đưa vào làm nhạc phim của một bộ phim hoạt hình đã nhanh chóng “gây sốt” trên mạng xã hội Trung Quốc. Nội dung bài hát nói về chuyện tình bi ai giữa một vị hòa thượng và một quận chúa xinh đẹp. Một ngày nọ, quận chúa bày tỏ tình nhưng nhà sư từ chối, quay đi nhưng đã động lòng. Từ đó trở đi, quận chúa không còn ghé chùa nữa. Cho đến một ngày, nhà sư nghe tin dữ rằng quận chúa tự tử vì không muốn gả làm thiếp cho một hoàng tử nhưng bị tên này cưỡng đoạt. Ngồi bên xác người con gái, nhà sư tự dằn vặt mình và hỏi Phật Tổ: “Người độ trăm vạn chúng sinh, nhưng vì sao độ ta, không độ nàng?” rồi đọa thành quỷ. Nhà sư giết chết hoàng tử đã bức người yêu rồi xuống âm phủ, đứng bên bờ hoa bỉ ngạn gặp lại vong linh của Quận chúa lần cuối.

Như vậy, cái tên “Độ ta, không độ nàng” xuất phát từ câu nói oán trách của nhà sư với Phật Tổ và được hiểu là: “Vì sao phù hộ ta mà không phù hộ cho nàng?”.

Trên thực tế, chủ đề tình yêu đôi lứa luôn là đề tài hấp dẫn trong nghệ thuật, đặc biệt gần đây âm nhạc Việt lại chuộng những ca khúc đơn phương, thất tình. Ở ca khúc “Độ ta không độ nàng” không đơn giản là câu chuyện tình mà còn oan trái, bi ai càng khiến khán giả chú ý. Mặc dù trước đó đã từng có cũng không hiếm thấy trong nền văn hóa Á đông. Như truyện “Đức Phật và nàng”, “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh” của Trung Quốc hay bi kịch của nhà sư Anchi và Kiyo trong truyện cổ “Nàng Kiyohime hóa rắn” của Nhật Bản.

Bên cạnh câu chuyện tình cùng tiêu đề gây tò mò, lời bài hát sau khi được Tuyên Chính dịch tiếng Việt cũng rất lạ lẫm với nhiều khán giả trẻ: “Vạn dặm tương tư vì ai/ Tiếng mõ vang lên phũ phàng/ Chùa này không thấy bóng nàng/ Bồ đề chẳng muốn nở hoa”, “Dòng kinh còn lưu vạn chữ/ Bỉ ngạn phủ lên mấy thu”, “Một thuở hoa niên hợp tan”, “Phá nát cương thường biến họa”… Đây cũng chính là một trong những điểm thu hút người nghe của ca khúc.

Vướng tranh cãi nhưng vẫn có những bản cover triệu view

Chính xác, bản cover “Độ ta không độ nàng” do Tuyên Chính viết lời Việt đã được đăng tải trên Youtube vào cuối tháng 4/2019 và người trình bày là Anh Duy - một giọng ca trẻ xa lạ, chưa từng đi hát chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, phải âm ỉ cho đến đầu tháng 6, bản nhạc của Anh Duy mới thực sự tạo nên một trào lưu “sốt” trên mạng xã hội. Lý do được chính nam ca sĩ trẻ này chia sẻ rằng do trước đó bài hát theo đúng tinh thần bản gốc nên đã vấp phải nhiều tranh cãi về phần lời. Sau đó Anh Duy quyết định kết hợp cùng người anh làm một serial nhạc “Độ ta không độ nàng”, với nội dung viết tiếp phần sau của cốt truyện khán giả hiểu rõ hơn. Đồng thời, nam ca sĩ còn làm chương trình radio truyền tải sâu hơn về triết lý nhà Phật. Chính vì thế sau 1 tháng, bản nhạc “Độ ta không độ nàng” trở thành một “hiện tượng cover” khiến chính tác giả cũng ngỡ ngàng.

Hiện, phiên bản radio do Anh Duy thực hiện đã đạt gần 2 triệu lượt xem, được chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang âm nhạc và mạng xã hội. Bản thu ban đầu cũng đạt gần 14 triệu lượt xem, 130.000 lượt thích và có gần 10.000 lượt bình luận trên YouTube. Phiên bản remix do Anh Duy kết hợp cùng DJ Đinh Long cũng gần chạm mốc 10 triệu lượt xem, đang nắm giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng Top Trending chỉ sau vài ngày ra mắt.

Ngay sau đó, trên mạng xã hội, các bản cover “Độ ta không độ nàng” xuất hiện như “nấm sau mưa”. Trong số đó, cover của một youtuber có tên Thái Quỳnh cũng dành được sự chú ý của dư luận. Thậm chí chỉ trong thời gian ngắn, bản cover này đã làm nên chuyện khi vượt qua những tên tuổi đình đám của Vpop như Min, Only C, Jack đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng nhạc số online Zing mp3.

Mới đây, ca sĩ Khánh Phương cũng vừa tung ra MV cover song ngữ Việt - Hoa ca khúc này. Sản phẩm được coi như đánh dấu sự trở lại đường đua VPop của giọng ca “Chiếc khăn gió ấm” sau thời gian dài im ắng. MV mới ra mắt 4 ngày nhưng đã đạt gần 6 triệu lượt xem, lọt top 3 sản phẩm thịnh hành trên Youtube.

Chia sẻ về lý do lựa chọn ca khúc này để trở lại đường đua Vpop, ca sĩ Khánh Phương cho biết, anh được các fan gửi bản gốc tiếng Hoa của ca khúc “Độ ta không độ nàng” và khuyên nên cover bài hát này vì có chất giọng khàn đặc trưng, cách hát phù hợp. Ngoài ra một phần vì ca khúc nhạc Hoa này cũng bất ngờ gây chú ý và được nhiều khán giả yêu thích, bản thân Khánh Phương khá đồng cảm với tâm trạng của vị hòa thượng trong ca khúc này nên đã quyết định.

“Nhiều khi con người cảm thấy bất lực trước thiên nhiên hay số phận thì họ thường tự hỏi: “Sao ông trời bất công với con quá vậy?” hoặc “Sao Trời Phật phù hộ cho con mà không phù hộ cho người ấy?” Bản thân tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp nam nữ có duyên gặp gỡ, yêu nhau nhưng không có phận đến với nhau giống nội dung ca khúc này. Nghe ca khúc xong tôi cũng thấy nó quá hợp với mình nên đến phòng thu làm nhạc ngay. Tôi dành một ngày để hoàn thành bản cover và đăng ngay lên Youtube. Lúc đầu tôi chỉ hát tiếng Việt nhưng sau đó tôi quyết định hát bằng cả tiếng Hoa và ra mắt bằng một MV chỉn chu”, ca sĩ Khánh Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, gần đây trên cộng đồng mạng Việt xảy ra một số tranh cãi xoay quanh ca khúc này. “Dù nội dung được dựa theo bộ phim nhưng nếu bàn kỹ hơn thì cả nội dung phim và lời bài hát có phần phản ánh chiều hướng sai lệch về giáo lý nhà Phật. Những câu từ “vạn dặm tương tư”, “không thể quay đầu”, “mộng này tan theo bóng Phật, trả lại người áo cà sa” đã phá vỡ hình tượng một người tu sĩ đi theo Phật pháp”, một số ý kiến đưa ra. Thậm chí, có ý kiến yêu cầu phải “cấm phổ biến” ca khúc này.

Trước sức nóng ấy, là một Phật tử, ca sĩ Phương Thanh đã cover lại ca khúc này với nghĩa hoàn toàn ngược lại. Bài hát do Phương Thanh thể hiện có tên “Tự nàng hãy cứu độ nàng” được sư Thầy Thích Đồng Hoàng dịch lời, Hoàng Kim biên soạn.

“Độ ta không độ nàng” kết thúc với câu hỏi đầy dứt, ám ảnh những người tu đạo: “Hỏi Phật trong kiếp này/Ngày ngày gõ mõ tụng kinh/Vì sao độ ta không độ nàng?”... đã được sư thầy giải đáp theo tinh thần của Đức Phật: “Phật độ khắp chốn trần gian/Cứu giúp ta khỏi cõi tạm/Trở về tịnh tâm niết bàn/Hồng trần bụi rửa đoạn qua/Mắc từ bi nhìn nhau/Sầu đau rồi cũng sẽ qua”...

Nhưng dù các ý kiến có trái chiều thì hiện nay “Độ ta không độ nàng” vẫn đang là từ khóa được tìm kiếm, chễm trệ trên các bảng xếp hạng âm nhạc và đem lại cơ hội mới sự nghiệp cho nhiều ca sĩ chuyên nghiệp và không chuyên.

Ngọc Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/ca-khuc-do-ta-khong-do-nang-di-nguoc-giao-ly-nha-phat-20190612200303296.htm