Cá lại chết trắng trên sông Giêng ở Bình Thuận: Ô nhiễm nghiêm trọng

Kết quả phân tích mẫu nước sông Giêng (nơi có cá chết trắng) cho thấy, các thông số vượt nhiều lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (thông số BOD5, COD, TSS, Amoni, Photphat, Coliform). Đặc biệt, nguồn nước mặt tại hồ tự nhiên, khu vực vũng trũng trong đất phạm vi dự án của Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Liên quan đến bài “Đề nghị điều tra nguyên nhân cá lại chết trắng trên sông Giêng” mà Báo Tiền Phong phản ánh ngày 5/5, Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Hàm Tân tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, xả nước thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Công an tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản số 1021 đề nghị UBND huyện Hàm Tân tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường sông Giêng tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Lực lượng chức năng của Công an tỉnh Bình Thuận (PC05) đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Đồng Nai chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nhằm xử lý hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Giêng tại địa bàn giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận theo kế hoạch số 511.

“Kết quả từ ngày 12/4 đến nay, lực lượng chức năng chưa phát hiện có hành vi xả nước thải ra nguồn nước sông Giêng”, Đại tá Đinh Kim Lập nói.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, trong ngày 12/4, đoàn công tác do Sở Tài nguyên Môi trường Bình Thuận chủ trì phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Xuân Lộc đã lấy 3 mẫu nước (1 mẫu tại cầu Sông Giêng, 1 mẫu tại suối Ông Châu và 1 mẫu tại hồ chứa nước tự nhiên trong đất dự án của Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm) để phân tích các thông số ô nhiễm môi trường.

Cá chết theo nước dồn về khu vực gần cầu Sông Giêng thuộc thôn 2, xã Tân Đức trong năm 2021. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Kết quả phân tích mẫu cho thấy, 3 mẫu nước mặt tại 3 vị trí trên đều có các thông số vượt nhiều lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (thông số BOD5, COD, TSS, Amoni, Photphat, Coliform); các thông số ô nhiễm của các mẫu phân tích có tính tương đồng nhau. Đặc biệt, nguồn nước mặt tại hồ tự nhiên, khu vực vũng trũng trong đất phạm vi dự án của Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại hồ chứa tự nhiên là do khu vực này trước đây là vũng trũng, là nơi tiếp nhận, lưu chứa các nguồn nước từ các khu vực xung quanh đổ về và một phần nước mưa chảy tràn trên bề mặt từ phân xưởng sản xuất phân vi sinh của Công ty Tùng Lâm cuốn trôi bùn, phân xuống hồ chứa (do các hạng mục công trình nhà xưởng sản xuất phân vi sinh chưa hoàn thiện, hiện chỉ có mái che, chưa xây dựng tường bao xung quanh).

Riêng nguồn nước mặt tại chân cầu sông Giêng, suối Ông Châu chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm do tại thời điểm khảo sát không phát hiện các nguồn thải thải ra khu vực sông Giêng.

Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, khu vực chân cầu sông Giêng nguồn nước có màu đen, cá chết rải rác và nguồn nước có mùi hôi, dòng chảy nhẹ. Dọc lên thượng nguồn tại khu vực suối Ông Châu (cách cầu sông Giêng khoảng 700m và cách Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm khoảng 500m) cho thấy nguồn nước có màu vàng tự nhiên, không có mùi hôi, có tình trạng cá chết, dòng chảy nhẹ.

Trước tình hình này, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Hàm Tân yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-lai-chet-trang-tren-song-gieng-o-binh-thuan-o-nhiem-nghiem-trong-post1441702.tpo