Cà Mau: Cấp bách các giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển

Cà Mau có 250 km bờ biển, nhưng có đến 171 km bị sạt lở và nguy cơ sạt lở. Mỗi năm, địa phương này mất đi diện tích đất rừng tương đương một xã.

Vùng biển Cà Mau là nơi "đầu sóng ngọn gió", không chỉ hứng chịu trực tiếp mỗi năm 3 - 5 cơn bão, mà còn bị ảnh hưởng bởi cả chục cơn bão trong khu vực.

Mỗi mùa mưa bão, người dân ven biển Cà Mau đều rất lo lắng .

Mỗi mùa mưa bão, người dân ven biển Cà Mau đều rất lo lắng .

Mỗi năm mất 300 - 450 ha đất rừng

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù hiện tại chưa có cơn bão nào, nhưng địa phương đã huy động mọi nguồn lực để sẵn sàng ứng phó thiên tai. "Tỉnh đang tranh thủ gia cố lại mái đê biển Tây. Riêng những điểm/đoạn đê nguy hiểm, lực lượng hộ đê đã cho tập kết đá hộc gần đó. Khi có tình huống là dùng xe ủi xuống ngay để xử lý" - ông Tô Quốc Nam thông tin.

Cà Mau có 250 km bờ biển, nhưng có đến 171 km bị sạt lở và nguy cơ sạt lở. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, chỉ tính từ năm 1996 đến 2017, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã làm địa phương mỗi năm mất 300 - 450 ha đất rừng phòng hộ ven biển, tương đương diện tích bình quân của một xã.

Những cây mắm cuối cùng của một dải rừng phòng hộ ven biển

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng thiên tai ngày càng nguy hiểm khiến tình trạng sạt lở mỗi năm một thêm nghiêm trọng trên toàn tuyến ven biển Cà Mau.

Ghe biển của ngư dân huyện Trần Văn Thời chìm trong đợt triều cường tháng 7/2022

Ông Huỳnh Văn Xê - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng cho biết, đơn vị quản lý hơn 37 km rừng phòng hộ chạy dọc bờ biển xã Tân Ân, Tam Giang Tây và thị trấn Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển. Chỉ từ năm 2014 đến nay, có ít nhất hơn 500 ha rừng phòng hộ bị mất do sạt lở, có nơi sạt lở sâu vào hơn 30 m, như cửa Bồ Đề, Hóc Năng…

Tại thời điểm tháng 7/2022, phóng viên tận mắt chứng kiến nhiều đợt sóng dữ tràn qua đê biển Tây đoạn Đá Bạc đến bờ Bắc Kênh Mới. Có lúc, sóng biển đánh tràn qua đầu người, cuốn theo nhiều đất đá và những gốc/thân cây rừng to khỏe. Nhiều nơi khác như thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời)... bị ngập nặng trong nước biển.

Đê biển Tây chực chờ, bờ Đông cấp bách

Biển cảnh báo khu vực sạt lở ven biển

Được hình thành năm 1997, tuyến đê biển Tây của Cà Mau đi qua 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân với chiều dài 108 km. Đây là tuyến đê có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, bảo vệ cho hơn 26.160 hộ dân sinh sống ven biển, cùng 128.972 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản.

Ngoài ra, tuyến đê biển còn cấp nước mặn và tiêu thoát nước phục vụ nuôi thủy sản; ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặc dù được kiên cố hóa nhưng tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Ông Bùi Văn Đông - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều (Sở NN&PTNT) cho biết: “Qua khảo sát và quan trắc chiều dài bờ biển Tây, hiện có khoảng 89 km bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Trong đó, đoạn đê từ vàm Đá Bạc đến bờ Bắc Kênh Mới là một trong những trọng điểm về sạt lở khi không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển đánh trực tiếp vào mái đê, một số nơi cây rừng lâu năm đã bị đánh bật gốc. Khu vực này luôn trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Mỗi năm, không biết bao nhiêu đất, đá, cừ tràm… được đổ xuống đây để xử lý, nhưng không bao lâu đã bị sóng biển cuốn trôi đi mất''.

Lực lượng ứng trực gia cố đê biển Tây tháng 7/2022.

Ở bờ biển Đông, tháng 7/2022, do chưa có hệ thống đê và kè nên bờ biển ngày càng sạt lở nghiêm trọng, nhất là ở các vị trí cửa biển. Tại khu vực cửa Vàm Xoáy thuộc xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), chính quyền phải di dời khẩn nhiều hộ do sạt lở.

Người dân ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn) cho biết, cột hải đăng trước kia nằm trong vạt rừng trên đất liền, nhưng nay đã ở trơ trọi tít xa ngoài biển cách vị trí cũ hơn 1 km, vì những cánh rừng phòng hộ dưới chân nó đã bị biển gậm nhấm nuốt chửng từ lâu.

Cửa biển Vàm Kênh Năm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển ngày đêm chịu xoáy lở

Ông Lâm Trường Hải - Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) thông tin, 11 km đường bờ biển của xã hiện nay đều trong tình trạng sạt lở, nghiêm trọng nhất là cửa Bồ Đề và Hóc Năng. Nhiều người dân sống nơi đây buộc phải di dời sâu vào trong đất liền để đảm bảo an toàn.

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau, ở bờ biển Đông, trong tổng số hơn 142 km chiều dài hiện nay cũng có hơn 82 km trong tình trạng sạt lở. Đặc biệt, nguy hiểm hơn khi khu vực này chưa có đê kè như bờ Biển Tây. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng hơn cần phải được bảo vệ cấp bách như: Đoạn từ Kênh Chốn Sóng đến Kênh Năm Ô Rô thuộc xã Viên An; Đoạn từ cửa sông Bồ Đề đến cửa Sông Hố Ruồi thuộc xã Tam Giang Đông... Theo đó, buộc phải cấp bách xây kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông là 38,8 km.

Người dân bờ biển Đông đang mong chờ có được con đê bảo vệ như bờ biển Tây.

Cần thêm nhiều nguồn lực

Theo ông Tô Quốc Nam, rất khó để khôi phục lại những cánh rừng đã mất. Hiện tại tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp để bảo đê biển, bảo vệ dân, trong đó chú trọng đến giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, với chiều dài bờ biển lên đến 250km, dù áp dụng giải pháp nào cũng cần có nguồn lực, mà hiện tại tỉnh Cà Mau khó có thể bố trí vốn để thực hiện, khi nhu cầu cấp bách hiện nay lên đến hơn 1.700 tỷ đồng.

Lực lượng hộ đê đã tập kết đá kè ở những nơi xung yếu, chuẩn bị đối phó mùa mưa bão 2022 - 2023.

Ông Tô Quốc Nam cho biết thêm, mới đây, UBND tỉnh đã có tờ trình hỏa tốc gửi Trung ương về việc xin hỗ trợ 413,3 tỷ đồng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Theo đó, cần gấp 36,9 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình trong tình huống khẩn cấp về thiên tai được tỉnh công bố ngày 20/7/2022; cần hỗ trợ gấp 376,4 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình bảo vệ an toàn tuyến biển Tây.

Lực lượng hộ đê gia cố đoạn xung yếu đê biển Tây tháng 7/2022

Đối với bờ biển Đông, địa phương đề xuất sử dụng nguồn thuộc Dự án “Xây dựng hạ tầng bảo vệ bờ biển tổng hợp, phòng chống xói lở, chống mất đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biển đổi khí hậu” từ nguồn ODA của Chính phủ Đức để đầu tư kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông là 38,8km, kinh phí dự kiến 1.308 tỷ đồng.

* Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 2 dự án bảo vệ bờ biển Đông trên địa bàn tỉnh Cà Mau với số tiền 210 tỷ đồng, gồm: Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông đoạn từ Đất Mũi đến cửa biển Vàm Xoáy (kế hoạch vốn năm 2022 là 30 tỷ đồng và năm 2023 là 70 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển đoạn từ Kênh Năm Ô Rô đến Kênh Năm, huyện Ngọc Hiển (năm 2022 là 32 tỷ đồng và năm 2023 là 78 tỷ đồng)

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ca-mau-cap-bach-cac-giai-phap-phong-chong-sat-lo-bo-bien.html