Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây

Chiều 21/7, UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây với chiều dài gần 3.000m thuộc địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau cho biết, đến 15 giờ chiều 21/7, tình hình đê biển Tây vẫn đang nguy hiểm trước nguy cơ triều cường kết hợp thời tiết cực đoan. Lực lượng tại chỗ vẫn đang túc trực sẵn sàng cơ động bảo vệ đê. Đây là lần thứ 5 Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp liên quan đến tình trạng sạt lở đê biển Tây trong 7 năm qua.

Lực lượng tại chỗ khắc phục sự cố.

Lực lượng tại chỗ khắc phục sự cố.

Theo quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ngày 20/7/2022, tại các khu vực công bố tình huống khẩn cấp có 5 vị trí sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài gần 3.200m. Kinh phí để khắc phục gần 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Trong đó, cần ưu tiên huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; phối hợp UBND huyện Trần Văn Thời và U Minh vận động, sơ tán, di dời tài sản người dân ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm nhanh; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp.

Liên tục từ đầu tháng 7 đến nay, nhất là vào ngày 11/7, đê biển Tây tỉnh Cà Mau bị sóng lớn uy hiếp, có lúc tràn qua mặt đê. Sóng lớn làm hư hỏng nhiều đoạn kè đá. Trong những đoạn sạt lở, nghiêm trọng nhất là khu vực từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc với tổng chiều dài hơn 2.600m.

Nơi đây nhiều đoạn không còn đai rừng phòng hộ, sạt lở làm hư hỏng kè rọ đá áp sát mái đê, uy hiếp đê biển và có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa dông kết hợp triều cường, sóng lớn vào ngày 11 và 12/7 vừa qua.

Lượng mưa thực tế từ 70-100mm, triều cường dâng cao vượt mức báo động 3 hơn 0,8m. Đe dọa trực tiếp đến tín mạng hàng trăm ngàn người dân cùng hàng chục ngàn ha hoa màu, di tích lịch sử, công trình dân sinh quốc phòng… Nước biển đã tràn qua thân đê gây ngập úng nhiều hoa màu và nhà dân ở hai huyện U Minh, Trần Văn Thời.

Dùng rọ đá và đá hộc để ngăn sóng biển đang tấn công đê biển Tây đoạn qua Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong những năm qua tình hình sạt lở khu vực đê biển Tây đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc và Vàm Tiểu Dừa diễn biến vô cùng nghiêm trọng.

Đặc biệt, vào ngày 3/8/2019, sóng lớn kết hợp với mưa kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao (mực nước đo tại cống Đá Bạc là 1,7m) làm cho nước biển tràn qua tuyến đê biển Tây đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc từ 0,3 - 0,4m, gây ra sạt lở đặc biệt nguy hiểm đến nhiều đoạn đê. 3 năm qua, tỉnh phải hứng chịu 2 lần mực nước triều cường dâng cao, ảnh hưởng của sóng gió làm nước biển tràn qua thân đê biên Tây, mức độ ảnh hưởng năm sau cao hơn năm trước.

Ông Tô Quốc Nam còn cho biết, tính đến 15 giờ ngày 21/7, Hạt Quản lý đê điều đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý hoàn thành 40m (đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển Tây), bằng giải pháp dùng rọ đá và đá hộc xếp thành hàng ngăn sóng biển, đắp con trạch ngăn nước biển tràn vào nội đồng với chiều dài 100m (rộng 1m, cao 0.5m) với lực lượng tham gia xử lý giờ đầu là 140 người gồm lực lượng Quản lý đê chuyên trách và lực lượng dân quân tự vệ.

Đối với những đoạn đê đất từ Lung Ranh đến Rạch Dinh bị tràn cục bộ với chiều dài 75m, Hạt Quản lý đê điều đã phối hợp với UBND xã Khánh Tiến, huyện U Minh vận động người dân tại chỗ đào đắp thành bờ bao rộng 80cm, cao 50cm để chống tràn.

Hoàng Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ca-mau-cong-bo-tinh-huong-khan-cap-sat-lo-de-bien-tay.html