Cà Mau: Dồn sức nhiều hơn cho công tác giảm nghèo

Chiều 31-8, làm việc với Huyện ủy Đầm Dơi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đề nghị Đầm Dơi tập trung nhiều giải pháp thiết thực để giảm nghèo, đặc biệt là xóa nghèo hộ gia đình chính sách, người có công…

Một khu vực sạt lở làm hư hại nhà dân ven biển xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi).

Một khu vực sạt lở làm hư hại nhà dân ven biển xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi).

Là huyện nuôi tôm trọng điểm và có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Cà Mau nhưng hiện tại, Đầm Dơi còn hơn 5.560 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 12,8%) và hơn 1.900 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,43%). Trong đó, có 155 hộ nghèo và cận nghèo là gia đình người có công. Với tỷ lệ nghèo nêu trên, Đầm Dơi là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai ở Cà Mau (chỉ sau huyện U Minh).

Đồng chí Dương Thanh Bình đặt câu hỏi, thực chất Đầm Dơi không phải là huyện nghèo nhưng tại sao có hộ nghèo cao? “Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phải ngồi tính toán lại để bàn giải pháp giúp đỡ hộ nghèo, tiên phong trong giúp đỡ là đội ngũ đảng viên. Đảng bộ Đầm Dơi cũng cần lưu ý khai thác tốt tiềm năng đất đai, không chỉ chú trọng vào mỗi con tôm” – Đồng chí Dương Thanh Bình chỉ đạo.

Trước đó vào sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau khảo sát thực tế tình hình sạt lở ven biển trên địa bàn ấp Lưu Hoa Thanh (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi). Đây là khu vực sạt lở nghiêm trọng, sóng dữ từng “xóa sổ” hàng chục nhà dân ven biển hơn năm năm về trước, buộc chính quyền tỉnh phải di dời khẩn cấp, bố trí tái định cư cho hơn 60 hộ dân, đồng thời xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp dài khoảng 1.200m. Đến nay, cư dân khu vực sạt lở đã có nơi ở mới, sinh sống ổn định; kè chống lở phát huy tác dụng, ngăn được sạt lở và tạo bãi bồi để cây rừng tái sinh. Song, ở những đoạn chưa xây dựng được kè, sóng dữ kết hợp triều cường đang tàn phá nghiêm trọng đai rừng phòng hộ, có nơi làm mất hết cây rừng.

Chính quyền tỉnh đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để xây dựng tiếp một đoạn kè chống sạt lở dài khoảng 1.800m kết hợp với xây dựng khu tái định cư để di dân ven biển vào sinh sống với tổng kinh phí khoảng 75 tỷ đồng.

Được biết, ngoài sạt lở ven biển, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Đầm Dơi xảy ra 31 vụ sạt lở đất ven sông làm hư hỏng 102 nhà dân, ngã sáu trụ điện và làm hư hỏng nhiều đoạn lộ giao thông nông thôn với tổng thiệt hại hơn ba tỷ đồng.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33955002-ca-mau-don-suc-nhieu-hon-cho-cong-tac-giam-ngheo.html