Cà Mau: Hơn 30 ha lúa bị thiệt hại do mưa lớn kèm dông lốc

Hơn 30 ha lúa hè thu bị thiệt hại do mưa lớn kèm dông lốc. Ngoài ra, ảnh hưởng cơn bão số 5 đã làm 8 căn nhà bị sập, tốc mái.

 Mưa lớ kèm dông lốc đã làm khoảng 30 ha hè thu bị đổ sập. Ảnh: Trọng Linh.

Mưa lớ kèm dông lốc đã làm khoảng 30 ha hè thu bị đổ sập. Ảnh: Trọng Linh.

Sáng 19/9, thông tin từ Văn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết: do ảnh hưởng của bão số 5, mưa lớn kèm dông lốc tại nhiều địa phương trong tỉnh đã làm 1 phương tiện sà lan mắc cạn trên biển,30 ha lúa hè thu bị đổ sập và 8 căn nhà dân bị sập và tốc mái.

Theo đó, mưa lớn kèm dông lốc đã làm khoảng 30 ha lúa bị đổ sập, chủ yếu trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Trong khi đó, 8 nhà dân bị sập và tốc mái xảy ra tại các huyện như: U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Năm Căn và Phú Tân.

Ngoài ra, vào khoảng 14h30 phút ngày 18/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhận được Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc sà lan KG 49471 TS mắc cạn trên biển.

Qua xác định phương tiện bị mắc cạn trên biển là sà lan “Thanh Bình 09”, số đăng ký KG 49471 TS của Công ty Hồng Hải Bình (có trụ sở tại TT Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Sà lan do ông Nguyễn Quang Hải (quê ở tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên, xuất bến qua cửa Kinh Dài, Kiên Giang ngày 13/9, chở vật liệu phục vụ công trình xây dựng đê biển Tây tại địa bàn ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến 5 giờ 20 phút ngày 18/9, 4 người trên sà lan đã vào bờ an toàn.

Đê biển Tây có nguy cơ vỡ do hoàn lưu bão số 5. Ảnh minh họa.

Trước đó, chiều 17/9, các địa phương trong tỉnh Cà Mau có mưa dông trên diện rộng. Tại các vùng ngọt hóa Cà Mau, vụ lúa hè thu đang cho thu hoạch, mưa liên tục đã làm mực nước trên đồng dâng cao, nguy cơ ngập úng rất cao. Chính quyền địa phương đang tính đến phương án mở cống hoặc khởi động các trạm bơm nhằm tháo úng.

Tại tuyến đê biển Tây, những ngày qua do ảnh hưởng của bão số 5, mưa kèm gió giật đã tạo nên những đợt sóng lớn, vỗ liên tục vào hệ thống kè hộ đê, gây áp lực rất lớn lên thân đê, nhất là tại những vị trí không còn đai rừng phòng hộ, đặc biệt là đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa; Đá Bạc - Kinh Mới; T25… Các lực lượng hộ đê vẫn ứng trực tại những vị trí xung yếu, chủ động và kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, với việc hoàn lưu bão kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong ngày 19/9, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 - 3m, biển động. Thời tiết đang diễn biến phức tạp, khả năng thiệt hại do thiên tai vẫn còn tiếp diễn.

TRỌNG LINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ca-mau-hon-30-ha-lua-bi-thiet-hai-do-mua-lon-kem-dong-loc-d273395.html