Cà Mau kiểm tra việc thu mua lá nhàu tươi trên địa bàn

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá tác động, lợi hại của việc bán lá nhàu tươi, để kịp thời khuyến cáo người dân, không để người dân thiệt thòi.

Ngày 26-10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Nguyễn Tiến Hải, có công văn chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá tác động, lợi hại của việc bán lá nhàu tươi, để kịp thời có khuyến cáo cho người dân, không để người dân bị thiệt thòi.

Một cơ sở thu mua lá nhàu tươi ở huyện Thới Bình (Cà Mau)

Theo đó, những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lá nhàu, thân cây nhàu với giá khá cao; một số người ở địa phương khác đến Cà Mau thuê đất trồng cây nhàu, bán cây nhàu giống, nhàu cao sản.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố khẩn trương điều tra, khảo sát tình hình trên và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 31-10.

Lá nhàu đã phơi khô.

Theo Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (nơi có đại lý thu mua lá nhàu), trên địa bàn xã có 8 đại lý thu mua trái nhàu. Vừa qua, xã phát hiện có trường hợp thu mua lá nhàu tươi. UBND xã đã trao đổi với các đại lý đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế, khuyến cáo không nên thu mua lá nhàu.

Bên cạnh đó, tình trạng bán lá nhàu không chỉ có người dân ở địa phương mà còn có người dân ở địa bàn khác. Xã đã đề nghị Phòng NN&PTNT huyện có định hướng tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi trong người dân, thấy được tác hại trước mắt và lâu dài về kinh tế khi bán lá nhàu tươi.

Cây, lá và trái nhàu.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT H.Thới Bình cho biết: “Việc thu mua trái nhàu ở địa phương diễn ra khoảng 2 năm nay. Người dân tận dụng bờ ao trồng để tăng thu nhập. Còn việc mua lá thì mới xuất hiện và không biết họ mua làm gì. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các xã để tìm hiểu, có hướng xử lý thích hợp”.

Cây nhàu hay còn gọi cây ngao, nhàu núi, giầu... Cây cao chừng 6-8m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, dọc bờ sông, bờ suối, xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung, miền Nam. Bộ phận dùng làm thuốc gồm: trái, rễ, lá, hạt của cây nhàu. Theo dân gian, quả nhàu ăn với muối dễ tiêu, nhuận tràng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, ho cảm, hen, đau gân, đái đường; nướng chín ăn để chữa lỵ. Rễ nhàu, ngoài công dụng nhuộm màu đỏ quần áo vải lụa, người Việt Nam đào về thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu uống chữa nhức mỏi, đau lưng. Lá nhàu giã nát đắp chữa mụn nhọt, mau lên da non; sắc uống chữa đi lỵ, chữa sốt và làm thuốc bổ, lá nhàu còn dùng nấu canh lươn ăn bổ. Vỏ cây nhàu nấu nước cho phụ nữ sau khi sinh uống bổ máu.

Đức Văn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/ca-mau-kiem-tra-viec-thu-mua-la-nhau-tuoi-tren-dia-ban-516924/