Cà Mau nỗ lực hộ đê biển Tây trước nguy cơ bị vỡ

Mưa to, gió giật mạnh cùng nước biển dâng cao kỷ lục khiến nước mặn tràn qua mặt đê vào vùng ngọt hóa, vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân.Bà Nguyễn Thị Nụ, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời: Lúc đó tôi nhìn xa thì thấy khoảng 2km đê biển nước biển đang tràn vào, nước lên láng vậy đó. Từ khi ở mí đê này ra tới biển khoảng 2km mà chỉ có 2 năm trời sạt lở đã tới chân đê. Sóng đánh mất rừng luôn rồi.Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Bằng tất cả nỗ lực của địa phương, chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, tập kết đầy đủ các phương tiện dụng cụ tại địa phương ngay trong đêm để khi sóng biển hạ nhẹ xuống thì cho anh em ra chắn các bao đất, bao cát chấn giữ đê ngay. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau: Những phần đoạn đê không có rừng phòng hộ thì mình phải bảo vệ mái đê bằng thảm bê tông thì sóng có vượt qua các đỉnh kè cũng không ảnh hưởng đến mái đê.

Theo đó, đoạn đê bị sạt lở chiều qua (4/8) là đoạn đê xung yếu vừa được cải tạo với cao trình trên 3m. Bên cạnh đó, toàn tuyến đê biển Tây có chiều dài khoảng 50km và hiện nay triều cường đang uy hiếp nghiêm trọng, có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Người dân sống trong khu vực đê biển bị sạt lở cho biết, nước biển dâng đột ngột rất nhanh. Ở ngoài tuyến đê, sóng biển vượt qua kè chắn sóng, vượt qua mặt đê biển, tràn vào vùng ngọt hóa.

Trước đó, như Truyền hình Thông tấn đã thông tin, vào chiều 3/8, tại tuyến đê phòng hộ ven biển Tây, đoạn thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, sóng lớn cùng nước biển dâng cao đã đánh liên tiếp vào tuyến đê, gây sạt lở thân đê một đoạn dài trên 300m. Ngoài ra, nhiều đoạn đê khác trên tuyến đê biển Tây cũng bi sạt lở nghiêm trọng nhất là đoạn Tiểu Dừa, thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, công an, quân sự được huy động tối đa nhằm phối hợp với chính quyền các địa phương đã gia cố phần thân đê bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Cà Mau đã thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng do dông lốc gây sập, tốc mái nhà và nước ngập. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời với khoảng 14 tỷ đồng. Kế đến là huyện U Minh gần 4 tỷ đồng và Phú Tân là hơn 500 triệu đồng. UBND của các địa phương đã nhanh chóng tổ chức đoàn công tác đến thăm và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, cử lực lượng tích cực hỗ trợ các gia đình sửa chữa lại nhà, sớm ổn định cuộc sống./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/ca-mau-no-luc-ho-de-bien-tay-truoc-nguy-co-bi-vo