Cà Mau siết chặt lợn nhập tỉnh

Ngoài việc 'cấm lợn' không có giấy chứng nhận kiểm dịch vào địa bàn, vài ngày tới, các phương tiện muốn vào địa bàn tỉnh Cà Mau phải di chuyển qua 'hố tiêu độc, khử trùng'.

Cán bộ chuyên trách tỉnh Cà Mau kiểm tra xe vận chuyển lợn trên tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp.

Đó là nội dung cốt lõi từ Thông báo số 33/TB-UBND, được UBND tỉnh Cà Mau ban hành vào chiều 16-5, về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Theo thông báo nêu trên, UBND tỉnh không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền vào địa bàn tỉnh Cà Mau.

Tất cả các phương tiện (xe tải, ô-tô, mô-tô, gắn máy, xe đạp và xe thô sơ…) có và không có vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đều phải di chuyển qua “hố tiêu độc, sát trùng” đã được bố trí tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh đặt tại cửa ngõ vào TP Cà Mau và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh. Các phương tiện tuyệt đối không được di chuyển vào tỉnh Cà Mau khi chưa thực hiện các bước tiêu độc, khử trùng theo quy định.

Đối với các phương tiện có vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, ngoài việc chấp hành tiêu độc, sát trùng đối với phương tiện còn phải thực hiện các quy định kiểm soát dịch bệnh đối với động vật và sản phẩm động vật theo quy định. Trường hợp phát hiện phương tiện vận chuyển lợn bị bệnh, có dấu hiệu bị bệnh, nghi bị dịch tả lợn châu Phi, người điều khiển phương tiện phải đưa phương tiện đến vị trí riêng cho xử lý bệnh, để thực hiện các bước xử lý dịch bệnh theo quy định.

Song hành các nội dung cốt lõi nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các trạm, chốt kiểm dịch, đội kiểm tra liên ngành, đội kiểm soát lưu động, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông và các cơ quan, đơn vị liên quan: Bố trí lực lượng, thực hiện trực, kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các vị trí đã được bố trí. Hướng dẫn các phương tiện di chuyển qua “hố tiêu độc, sát trùng”, di chuyển đến vị trí riêng cho xử lý bệnh (đối với trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi ngờ lợn bệnh, có dấu hiệu bị bệnh) đúng quy định và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, lợn bệnh, có dấu hiệu bệnh, nghi bị bệnh, có nguồn gốc từ vùng dịch…vào địa bàn tỉnh Cà Mau.

Trao đổi thêm với Nhân Dân điện tử vào cuối giờ chiều 16-5, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều, cho biết: Sở Giao thông và Sở NN-PTNT được giao “chủ công” trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. “Trong ngày mai, chúng tôi sẽ thực hiện việc khảo sát vị trí bố trí các hố “tiêu độc, khử trùng” trên đường bộ. Nếu mọi việc thuận lợi thì trong ngày 18-5 tới đây, chúng tôi sẽ công bố khép kín các chốt, trạm trên địa bàn, đồng thời áp dụng các giải pháp như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Lê Thanh Triều cho biết.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có gần 3.000 xã của hơn 200 huyện thuộc 29 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn 1,2 triệu con, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn trong cả nước. Trong đó, 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố của cả nước có dịch qua 30 ngày, công bố hết dịch nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh chết ở các hộ dân nuôi trong cùng địa bàn. Mới đây, tỉnh Hậu Giang xác nhận địa phương đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Các ổ dịch trên xuất hiện rất gần với địa giới tỉnh Cà Mau.

Trước tình hình trên, ngày 14-5, Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1153–CV/TU về tăng cường lãnh đạo thực hiện phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phía UBND tỉnh có Chỉ thị số 04 về việc ứng phó khẩn cấp với bệnh nguy hiểm này trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngay trong buổi chiều hôm qua (15-5), UBND tỉnh họp trực tuyến để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi với các địa phương trong tỉnh.

Cà Mau là địa phương tận cùng cực nam đất nước chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện bệnh là rất lớn, bởi nơi đây, ngoài hệ thống giao thông đường thủy, đường biển chằng chịt, thì trên đường bộ, Cà Mau giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu (tuyến quốc lộ 1A, Quản lộ Phung Hiệp), tỉnh Kiên Giang (Quốc lộ 63 và đường Xuyên Á). Tính đến cuối tháng 4-2019 vừa qua, tổng đàn lợn ở Cà Mau là gần 75 nghìn con, với 528 hộ kinh doanh, giết mổ lợn. Do ít về tổng đàn nên khoảng 70% nguồn thịt lợn ở Cà Mau phải nhập tỉnh.

Đến nay, tỉnh Cà Mau đã xuất cấp hơn 2.800 lít thuốc sát trùng, đồng thời tuyên truyền và ký cam kết tới 11.037 hộ chăn nuôi lợn theo phương án không giấu dịch, không vận chuyển, không mua bán, không vứt bỏ lợn bị dịch ra ngoài môi trường, đồng thời không sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi. Nhờ triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên hiện tại, Cà Mau chưa phát hiện ổ dịch hoặc trường hợp nào có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40209802-ca-mau-siet-chat-lon-nhap-tinh.html