Cà Mau tìm cách cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Năm 2022 vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cà Mau giảm 5 bậc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và giảm 26 thứ hạng so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Cà Mau hội nghị nhằm tìm giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cà Mau hội nghị nhằm tìm giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Sáng 2/6, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị bàn giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 và những năm tiếp theo. Tham dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt; đại diện lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo chính quyền các địa phương trong tỉnh.

Theo kết quả công bố của VCCI, chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2022 đạt 61,6 điểm (giảm 3,14 điểm), xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 26 hạng) so với năm 2021, xếp thứ 12/13 (giảm 5 bậc) so với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả PCI năm 2022 của Cà Mau cho thấy, điểm số và thứ hạng bị sụt giảm mạnh, cũng là lần sụt giảm hạng sâu nhất trên bảng đồ xếp hạng PCI của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Một số chỉ số thành phần của Cà Mau có điểm số và thứ hạng thấp so với cả nước, như: Chi phí không chính thức xếp thứ 62/63 (giảm 31 hạng); Chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước xếp 38/63 (giảm 29 hạng); Tính năng động của chính quyền tỉnh xếp 61/63 (giảm 46 hạng); Đào tạo lao động xếp 60/63 (giảm 17 hạng); Gia nhập thị trường xếp 31/63 (giảm 12 hạng)...

Theo đánh giá của các chuyên gia và người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, nguyên nhân cốt lõi của các chỉ số thấp nêu trên là do yếu tố từ “con người”, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Để cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ PCI, phải đổi mới tư duy, mạnh dạn thí điểm những vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội…

Cùng với đó, cần đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, có thêm nguồn lực để phát triển.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn; xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân, doanh nghiệp…

Đại diện ngành chức năng Cà Mau dẫn nhà đầu tư đi thực tế khảo sát địa hình, điều kiện về đất đai phục vụ kêu gọi đầu tư.

Cà Mau đặt mục tiêu nâng cao trách nhiệm, tính năng động, chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý điều hành của các cấp, các ngành trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tỉnh này phấn đấu năm 2023 và những năm tiếp theo kết quả PCI tiếp tục được cải thiện về thứ hạng và điểm số trên bản đồ PCI của các tỉnh, thành phố cả nước.

Trong đó, tập trung cải thiện mạnh 6 chỉ số thành phần có điểm số thấp hơn điểm số trung bình cả nước. Duy trì và phát huy 4 chỉ số thành phần có điểm số bằng, cao hơn điểm số trung vị cả nước. Chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần chiếm tỷ trọng cao trong tính điểm PCI (Đào tạo lao động; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tính minh bạch), phấn đấu cải thiện 77/142 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực để tăng hạng và đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-mau-tim-cach-cai-thien-nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-post755843.html