Cả một địa danh du lịch Sa Pa thừa sương, thiếu nước?

Thực ra, Sa Pa luôn thừa nước nhưng có lẽ vì ông trời thương Sa Pa nên mới để cho 'thành phố trong sương' đầy thơ mộng này có một bài học nhớ đời về việc quy hoạch đô thị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cả một địa danh du lịch nổi tiếng, lại vào dịp lễ quan trọng 30/4 và 01/5 được nghỉ đến tận 5 ngày, mà nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nghe nói mỗi một mét khối nước đã lên đến vài trăm ngàn đồng, nhiều khách sạn không dám nhận khách…

Năm 2019 đã từng được các nhà khoa học dự báo, do hiện tượng El Nino nên nhiều nơi ở Đông Nam Á sẽ bị hạn hán nghiêm trọng. Có lẽ cũng vì thế mà năm nay, mưa muộn đã đến với Sa Pa.

Trách nhiệm cấp nước sinh hoạt cho Sa Pa là chi nhánh cấp nước Sa Pa cùng một Nhà máy xử lý nước với công suất 6.000m3/ngđ qua 5 nguồn nước: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha. Nay, các nguồn này gần như cạn kiệt trừ Suối Hồ 2.

Cứ ngỡ rằng đây là việc trời định, thôi thì phải “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày…” nhưng khi tìm hiểu kỹ, hóa ra không phải.

Các nguồn thông tin cho hay, lượng nước của Suối Hồ 2 vẫn còn khá lớn, nếu khai thác tốt có thể đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nước sinh hoạt cho thị trấn Sa Pa, nhưng thời gian gần đây, nhà máy không thể khai thác do 24 hộ dân thôn Suối Hồ chặn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chợt nảy ra một bài toán rất đơn giản, mỗi ngày đêm, 24 hộ dân kia đã dùng khoảng 4.000m3 nước cho trồng lúa, trong khi đó, có nơi, có lúc, người dân ở Sa Pa phải mua tới 500 ngàn đ/m3 nước(!?). Một bài toán sẽ nhiều người nghĩ ra là sao Sa Pa không đổi thóc gạo cho bà con để lấy nước nhỉ? Mỗi nhà mà được khoảng 1 tấn thóc (khoảng 5 triệu đồng, bằng 10m3 nước) cho một vụ thì có mà vui hơn Tết!

Như vậy, đây không phải lỗi tại ông trời rồi!

Theo ông Lê Tân Phong - Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, về lâu dài, tỉnh Lào Cai đang xem xét phê duyệt cho một đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy nước từ vườn quốc gia. Dự kiến trong năm 2020, nhà máy này xây dựng xong và sẽ cung cấp nước đủ cho cả thị trấn Sa Pa và cả khi thị trấn Sa Pa mở rộng.

Đúng ra, trong quy hoạch phát triển trọng điểm du lịch quốc gia thì dự án này phải có từ lâu vì vườn quốc gia cũng đã có từ lâu lắm rồi, và đây cũng là nguồn tài nguyên nước quý giá chưa được khai thác.

Nhưng nay mới “xem xét” thì chưa biết chừng Sa Pa còn vất vả vì “thiếu” nước. Đây có lẽ cũng không nên đổ lỗi tại… ông trời!

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ca-mot-dia-danh-du-lich-sa-pa-thua-suong-thieu-nuoc.html