Cả Nga và Mỹ đều bị lừa trong INF?

Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga ông Igor Korotchenko vừa có những nhận định về cú lừa của Mỹ đối với Nga khi INF còn hiệu lực.

Nhận định được chuyên gia Nga đưa ra sau khi Mỹ bất ngờ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung hôm 12/12 có tầm bắn vi phạm điều khoản trong Hiệp ước INF quy định.

Theo ông Igor Korotchenko, với trình độ phát triển tên lửa hiện nay của Mỹ, nước này không thể nghiên cứu phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm trung chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 2/2019 đến nay (sau khi Mỹ rút khỏi INF), ngay cả Nga cũng không thể.

Mỹ phóng tên lửa tầm trung hôm 12/12.

Mỹ phóng tên lửa tầm trung hôm 12/12.

Do vậy, để có được cuộc thử nghiệm thành công như hôm 12/12, Mỹ đã có quá trình phát triển loại tên lửa này trong khoảng thời gian ít nhất là 10 năm. Có thể, từ năm 2010 Mỹ đã phải tiến hành nghiên cứu phát triển loại tên lửa đạo đạo vừa thử nghiệm gần đây, mặc dù loại tên lửa này đã vi phạm nghiêm trọng INF nhưng Quân đội Mỹ vẫn bất chấp luật pháp và âm thầm nghiên cứu phát triển.

Như vậy, ngay từ 10 năm trước, Mỹ đã bắt đầu lừa Nga, lên kế hoạch chuẩn bị cho việc rút khỏi INF. Các cáo buộc của Mỹ về việc Nga vi phạm INF chỉ là giả tạo nhằm che giấu sự thật rằng Mỹ đang phát triển tên lửa tầm trung.

Cùng với đó, chuyên gia Nga còn chỉ ra loạt lý do khiến Mỹ phải che giấu âm mưu của mình. Đầu tiên Mỹ đã khẳng định rằng thực lực của Nga đang suy giảm nghiêm trọng, và khoảng cách với Mỹ cũng ngày càng lớn. Điều này làm cho Mỹ bắt đầu thay đổi thái độ với Nga, từ lo sợ trở có thể công khai đối mặt.

Mỹ cũng muốn lợi dụng INF để trói Nga. Khả năng nghiên cứu và phát triển tên lửa của Nga đứng đầu thế giới, và bỏ xa Mỹ, chính Lầu Năm Góc cũng phải thừa nhận điều này. Do vậy, Mỹ phải bí mật thực hiện nghiên cứu và phát triển tên lửa tầm trung, và không cho phép Nga phát triển vũ khí mạnh hơn.

Với khả năng của Mỹ hiện nay, khi đã phát triển thành công tên lửa mới, sẽ ngay lập tức được triển khai với số lượng lớn ở châu Âu, điều này sẽ tạo ra áp lực quá lớn đối với Nga. Nhưng học giả Nga cho rằng, nếu điều đó là sự thật Quân đội Nga sẽ sử dụng tất cả các công cụ để đối phó với mối đe dọa của tên lửa đối phương và phương án tên lửa 9M729 đã được nhắc đến.

Điều đặc biệt cũng giống như Nga cáo buộc Mỹ về quá trình phát triển tên lửa đạn đạo thử nghiệm hôm 12/12, phía Mỹ cũng nhiều lần cho rằng Nga đã âm thầm phát triển tên lửa 9M729 từ nhiều năm trước - loại tên lửa đã vi phạm quy định của INF. Hồi cuối năm 2018, đích thân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tối hậu thư 60 ngày cho Nga để phá hủy tên lửa 9M729. Nếu không, Mỹ sẽ có biện pháp mạnh.

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, Nga đã phát triển "nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8", hay còn được biết đến là tên lửa tầm trung với tên gọi Novator 9M729 từ nhiều năm trước. Cuộc thử nghiệm đầu tiên được Nga thực hiện hồi năm 2017 trong cuộc tập trận. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định "tầm bắn của tên lửa khiến chúng trở thành một mối đe dọa trực tiếp với Mỹ và đồng minh châu Âu".

Tại thời điểm đó, cùng với tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cũng nhấn mạnh, nếu Nga không dừng phát triển 9M729, Mỹ có cách phá hủy tên lửa này ngay trên mặt đất. Nga phải dừng việc phát triển những tên lửa mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể loại bỏ hệ thống này ngay trên mặt đất nếu nó đi vào hoạt động.

Tên lửa 9M729 gây nhiều tranh cãi của Nga.

Được biết, 9M729 là phiên bản hiện đại hóa của tên lửa hành trình 9M728 thuộc tổ hợp Iskander-M. 9M729 được hiện đại hóa để tăng sức mạnh của bộ phận chiến đấu, cũng như nâng cao các tính năng về độ chính xác.

Các tên lửa 9M728 và 9M729 được thống nhất hóa về hầu hết các cụm thiết bị chính, đặc biệt là hệ thống phóng. Tên lửa 9M729 có trang bị vũ khí mạnh hơn và tổ hợp điều khiển trên tên lửa mới, đảm bảo tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao hơn rất nhiều.

Điều đặc biệt ở 9M729 là nó đã bị Mỹ và NATO cáo buộc vi phạm Hiệp ước INF, vốn cấm các loại tên lửa phóng từ mặt đất trong phạm vi từ 500-5.500km. Tuy nhiên Nga vẫn một mực khẳng định, tầm bắn của dòng tên lửa này không vượt quá 500km.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ca-nga-va-my-deu-bi-lua-trong-inf-3393448/