Cả nghìn tấn thuốc trừ sâu giả độc hại bị bắt giữ ở EU

Cơ quan thực thi pháp luật của EU, Europol, cho biết đã phát hiện và bắt giữ 1.203 tấn thuốc trừ sâu bất hợp pháp trong khoảng thời gian từ tháng 1-4/2021.

 Europol đã điều phối Chiến dịch hành động "Silver Axe" lần thứ 6, nhằm vào việc buôn bán thuốc trừ sâu giả và bất hợp pháp, từ ngày 13/1 đến ngày 25/4 năm nay. Ảnh: Shutterstock.

Europol đã điều phối Chiến dịch hành động "Silver Axe" lần thứ 6, nhằm vào việc buôn bán thuốc trừ sâu giả và bất hợp pháp, từ ngày 13/1 đến ngày 25/4 năm nay. Ảnh: Shutterstock.

Cơ quan này cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 17/6, Chiến dịch hành động "Silver Axe" dẫn đến 12 vụ bắt giữ, 763 vụ vi phạm được báo cáo và 268 vụ tịch thu, liên quan đến tổng cộng 1.203 tấn thuốc trừ sâu bất hợp pháp.

Trong số thuốc trừ sâu bất hợp pháp bị thu giữ có 100 tấn thuốc trừ sâu giả bị thu giữ tại các công ty bán, nhà sản xuất và kho vận và 82 tấn thuốc trừ sâu bị nghi làm giả và hiện đang được điều tra.

"Silver Axe" là chiến dịch hành động chung có sự tham gia của các cơ quan thực thi pháp luật từ 35 quốc gia, bao gồm tất cả 27 quốc gia thành viên EU cũng như 8 quốc gia bên thứ ba, và được hỗ trợ bởi Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EUIPO), cùng với Văn phòng chống gian lận châu Âu (OLAF), Tổng cục An toàn sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG SANTE) của Ủy ban châu Âu và CropLife Europe - Hiệp hội bảo vệ cây trồng hàng đầu của EU.

Việc lạm dụng buôn bán thuốc trừ sâu bất hợp pháp rất đa dạng, từ buôn bán các sản phẩm giả mạo hoặc dán nhãn sai, đến nhập khẩu bất thường các chất cấm, chẳng hạn như chlorpyrifos, một loại thuốc trừ sâu có liên quan đến tổn thương não và là một trong những chất được nhắm mục tiêu cụ thể trong chiến dịch hành động.

Trong khi châu Á và Nam Á vẫn là những khu vực cung cấp thuốc trừ sâu bất hợp pháp chính, Europol cho biết họ cũng đã nhận thấy sự gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

Với khả năng gây hại của chúng, ngành công nghiệp thuốc trừ sâu được quản lý chặt chẽ, với thuốc trừ sâu nằm trong số các sản phẩm được quản lý chặt chẽ nhất trên thế giới.

Do đó, việc sử dụng các sản phẩm bất hợp pháp và kém chất lượng nhưng lại rẻ tiền hơn gây ra mối đe dọa đáng kể cho cả môi trường và sức khỏe con người.

Ví dụ, một trường hợp được phát hiện bởi hoạt động liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu neonicotinoid không được kiểm soát có chứa một sản phẩm trái phép đã tiêu diệt quần thể ong địa phương, xóa sổ các loài thụ phấn quan trọng.

Giám đốc điều hành Europol, Catherine De Bolle, nói rằng vụ bắt giữ “ấn tượng” hơn 1.000 tấn thuốc trừ sâu bất hợp pháp đã chứng minh rõ ràng giá trị của việc hợp tác với các tổ chức khác nhau.

Trong khi đó, người đứng đầu Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu EUIPO, Christian Archambeau, cho biết chiến dịch hành động cho thấy các cơ quan thực thi quốc gia và EU làm việc phối hợp cùng nhau có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào.

Tương tự như vậy, Ville Itälä, người đứng đầu với Văn phòng chống gian lận châu Âu OLAF, nói rằng văn phòng “tự hào đã đóng góp một phần trong cuộc chiến chống thuốc trừ sâu bất hợp pháp đang diễn ra”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và các công ty trong ngành, Géraldine Kutas, người đứng đầu CropLife Châu Âu, cho biết việc ngăn chặn thuốc trừ sâu giả và bất hợp pháp ra khỏi thị trường châu Âu là chìa khóa để đáp ứng các mục tiêu trong chính sách lương thực hàng đầu của EU - Chiến lược Farm to Fork.

“Để làm được điều này, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cả nông dân và kênh phân phối hợp pháp để đảm bảo họ từ chối những lời đề nghị tội phạm gây nguy hiểm cho việc sản xuất lương thực bền vững", bà Kutas cho biết.

Tuy nhiên, Martin Daction, quan chức chính sách về sức khỏe và môi trường tại Mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu (PAN) châu Âu, chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp là một “thực tế phổ biến” ở nhiều nước châu Âu.

“Việc phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và nước suối thường xuyên khẳng định điều đó. Việc kiểm soát sử dụng thuốc trừ sâu rất hạn chế ở đa số các quốc gia thành viên và ngay cả khi thuốc trừ sâu bị cấm, nó vẫn tiếp tục được sử dụng”, ông Daction nói.

“Ủy ban châu Âu nên bắt đầu điều chỉnh tiền cho Chính sách nông nghiệp chung để áp dụng các thực hành sinh thái nông nghiệp không thuốc trừ sâu thay vì hỗ trợ một mô hình nông nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm cao với những sai lệch của nó", ông kết luận.

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ca-nghin-tan-thuoc-tru-sau-gia-doc-hai-bi-bat-giu-o-eu-d294920.html