Cả người dân và doanh nghiệp được lợi

Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, khi Quốc hội, Chính phủ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng như 1 mũi tên trúng 2 đích, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát. Về phía đối tượng hưởng lợi, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích này.

Chia sẻ của nhà nước với người dân, doanh nghiệp

Tính từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12/2022, nghĩa là gần trọn 1 năm, thuế giá trị gia tăng (GTGT) các hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm từ 10% xuống còn 8% để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến các chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Dù ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng, nhưng cái lợi lớn hơn, theo Bộ Tài chính, đó là, số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Đến thời điểm này, qua gần nửa tháng thực hiện, khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, nhiều mặt hàng đã được giảm giá nhờ giảm thuế. Nếu người mua sắm một số lượng hàng hóa nhất định, thì số thuế được tính toán đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tại các chợ truyền thống, việc giảm thuế tác động đến giá cả dường như khó nhận biết hơn.

Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, nhiều mặt hàng đã được giảm giá nhờ giảm thuế.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bà cũng không để ý nhiều tới chính sách mới được ban hành, nhưng khi đi mua sắm đồ cho gia đình sau tết, bà mới biết là nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%. Nếu trước đây tôi mua 1 đơn hàng trị giá 1 triệu đồng thì sẽ phải chịu thêm 100.000 thuế GTGT, nhưng hiện chỉ phải chịu thêm 80.000 tiền thuế GTGT, giảm được 20.000 đồng là số tiền không nhỏ. Theo bà, việc Nhà nước quyết định giảm thuế hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra là hết sức đáng quý, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân. Nếu mua mỗi mặt hàng thì mức giảm không lớn, nhưng nếu cộng dồn theo tổng hóa đơn thì cũng là một khoản đáng kể.

Về phía các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cũng bày tỏ phấn khởi vì chính sách giảm thuế không chỉ kịp thời chia sẻ với doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà còn được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp hưởng lợi. Hơn nữa, thuế giảm sẽ khiến giá đầu vào của nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất và dịch vụ cũng giảm, khiến giá thành sản phẩm bán ra thấp hơn trước.

Trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo Công ty cổ phần 22 cho biết, năm ngoái, công ty nộp 15 tỷ đồng tiền thuế GTGT và dự kiến năm nay sẽ nộp cao hơn. Tuy nhiên từ đầu tháng 2 này, thuế GTGT được giảm từ 10% xuống còn 8% sẽ giúp doanh nghiệp giảm hơn 3 tỷ đồng tiền thuế. Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đối với nhiều doanh nghiệp, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% giúp tiết kiệm được một khoản chi phí và cân đối được ngân sách để có thể đưa ra sản phẩm tốt, thiết thực, giá cả hợp lý hơn đến người tiêu dùng.

“Sự lan tỏa của chính sách là rất lớn”

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm thuế GTGT được xem như là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi. Với việc được giảm thuế GTGT đầu vào, người bán có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Còn về phía người tiêu dùng, việc giảm thuế sẽ giảm trực tiếp vào số tiền chi tiêu hàng ngày. Vô hình trung sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là thời điểm đầu năm khi giá cả một số mặt hàng tăng.

Đòn bẩy kích thích tiêu dùng

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm thuế giá trị gia tăng được xem như là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi. Với việc được giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào, người bán có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Còn về phía người tiêu dùng, việc giảm thuế sẽ giảm trực tiếp vào số tiền chi tiêu hàng ngày. Vô hình trung sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là thời điểm đầu năm khi giá cả một số mặt hàng tăng.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thuế GTGT phổ thông hiện nay là 10%, khi giảm 2% sẽ có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, tác động tới cả người mua và người bán. Vị chuyên gia này cho rằng, với việc được giảm thuế GTGT đầu vào, người bán có điều kiện để không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ từ đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và cải thiện. Trong khi đó, với người tiêu dùng, vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập, việc làm bị giảm do dịch bệnh, việc giảm thuế sẽ giúp nhóm này trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, ở các nước, khi đại dịch xảy ra, Chính phủ thường có các gói hỗ trợ toàn dân, họ dùng tiền phát cho tất cả mọi người để đỡ khó khăn. Nhưng Việt Nam chúng ta lại khác, không dùng tiền để phát như các nước, song, gói chính sách tài khóa được ban hành, gần như là một gói hỗ trợ toàn dân. Với việc giảm thuế GTGT, theo ông Hoàng Văn Cường, hầu hết người dân và phần lớn doanh nghiệp đều được hưởng các chính sách hỗ trợ này, như vậy sự lan tỏa của chính sách là rất lớn.

Chính vì vậy, ông Hoàng Văn Cường đặc biệt quan tâm đến sự kỳ vọng vào chính sách, nghĩa là làm sao để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách đưa ra để phục hồi thì càng phải sớm. Cụm từ “kịp thời, hiệu quả” được vị đại biểu Quốc hội này nhắc đến nhiều, bởi vì theo ông, trong bối cảnh khó khăn, Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách đặc biệt, kịp thời, thì quá trình thực thi phải được chặt chẽ, để mang lại hiệu quả cao nhất.

Quyết sách mạnh mẽ “khoan thư sức dân”

Mỗi dịp gặp khó khăn, nhiều chính sách liên quan đến “khoan thư sức dân” được thực hiện. Ở những thời điểm khác nhau sẽ thực thi các chính sách tài khóa phù hợp, được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Có thời điểm không miễn thuế mà chỉ thực hiện gia hạn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Như chính sách gia hạn thuế, qua phân tích của giới chuyên gia, tưởng rằng gia hạn nghĩa là doanh nghiệp chỉ tạm thời không nộp thuế, sau sẽ phải nộp đủ nghĩa vụ cho nhà nước, thì không được hưởng lợi nhiều; tuy nhiên, thực chất doanh nghiệp ở thời điểm chưa nộp thuế sẽ có thêm nguồn lực tài chính hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Cái lợi mang lại cho doanh nghiệp cũng rất đáng kể.

Việc giảm 2% thuế GTGT trong gần 1 năm là một quyết sách mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ trong thời điểm hiện nay, thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Chính phủ trong khó khăn cũng phải căn cơ tính toán mọi nguồn thu - chi. Khi thu thì khó mà chi thật nhiều, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn không ngần ngại tính đến việc giảm một khoản thuế cho toàn dân. Chính sách này của Chính phủ được dư luận, giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới từng đưa ra khuyến nghị Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước, như là giảm thuế GTGT trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, nếu các cơ sở kinh doanh hàng hóa thuộc diện được giảm thuế, nhưng thực tế bán hàng hóa dịch vụ lại không áp dụng việc giảm thuế để người tiêu dùng được thụ hưởng thì cơ quan thuế sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-duoc-loi-100300.html