Cả nhà rối như canh hẹ vì chuyện đưa đón con đi học

Bên cạnh những nỗi lo về học phí, các khoản đóng góp đầu năm, phụ huynh thành phố còn phải đối diện với nỗi lo đưa đón con đi học khi năm học mới vừa bắt đầu.

Đến thời điểm này, nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội đã bắt đầu những buổi học đầu tiên. Con trẻ vui tươi, háo hức tới trường sau một kỳ nghỉ hè dài. Còn với nhiều phụ huynh, những nỗi lo đang dần hiện hữu trước thềm năm học mới.

12h kém 15, khi các đồng nghiệp lục tục rủ nhau đi ăn trưa, chị Nguyễn Thúy Hà (nhân viên văn phòng tại phố Kim Mã, Hà Nội, đang có con học lớp 8) lại tất tả chạy sang trường học ngay gần cơ quan để đón con gái. Di chuyển quãng đường hơn 8km để nhà ở đường Phạm Văn Đồng, hai mẹ con vội vàng hâm nóng bữa trưa đã được mẹ nấu sẵn từ sáng.

Đưa đón con đi về đúng giờ là nỗi lo của nhiều gia đình thành phố

Đưa đón con đi về đúng giờ là nỗi lo của nhiều gia đình thành phố

Để con ăn uống, nghỉ ngơi một chút, 1h30, hai mẹ con tiếp tục lên đường, cho kịp lớp học phụ đạo bắt đầu vào 2h chiều. Mấy hôm nay, trưa nào hai mẹ con cũng “chạy sô” như vậy. Hôm nào mẹ bận, bố sẽ đưa đón, cơm nước cho con. Con vào lớp đúng giờ, thì bố mẹ đi làm muộn mất nửa tiếng đầu giờ chiều.

Chị Hà cho biết: “Dù cách nhà khá xa, nhưng chị vẫn xin cho con học tại một trường cấp 2 ở quận Ba Đình, ngay gần cơ quan mẹ để tiện đưa đón. Khi cháu học lớp 6, lớp 7, có ăn bán trú tại trường, mọi việc khá nhẹ nhàng. Sáng đưa con đi học, rồi mẹ đi làm. Chiều sau khi tan làm, mẹ đón con về. Tuy nhiên, năm nay con vào lớp 8, nhà trường không tổ chức ăn bán trú cho khối 8, 9, việc đưa đón con bỗng dưng trở nên rối như canh hẹ. Thậm chí, không ít lần hai vợ chồng "to tiếng, cáu nhau" vì "lịch" đưa đón con.

Để con tuân thủ đúng kỷ luật của trường, nhiều bố mẹ đã phải hy sinh cả công việc của mình

Nhiều phương án đã được gia đình chị Thúy Hà bàn bạc, nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Cơ quan chị Hà có quy định khá nghiêm ngặt, nên không thể cho con đến chỗ làm việc nghỉ trưa được. Để con đi xe đạp thì không yên tâm, vì đường từ trường về nhà quá xa, con sẽ không có thời gian nghỉ ngơi cho kịp giờ học buổi chiều.

Đi xe bus cũng không ổn, vì không tiện tuyến đường. Thuê người đón thì chưa tìm được người tin cậy. Mà cũng không thể cho con nghỉ học phụ đạo buổi chiều vì chị Hà sợ con không theo kịp các bạn. Phương án chuyển con về học trường gần nhà cũng được đề ra, nhưng con chị Hà nhất định phản đối, vì đã quen với thấy cô, trường lớp, bạn bè.

Chị Hà lo lắng, đi làm muộn vào buổi chiều một, hai buổi có thể sếp còn châm trước cho, chứ nếu kéo dài cả năm theo lịch học của con, chắc chị hoặc chồng chị sẽ phải chị phải xin chuyển sang vị trí khác có thời gian phù hợp hơn để đưa đón con.

Một cảnh quen thuộc trước giờ tan học tại nhiều ngôi trường

Không phải vất vả với việc đưa đón con như chị Thúy Hà, vì nhà gần trường, con trai có thể tự đi bộ về nhà, ăn cơm cùng bà, nhưng chị Cao Minh Thu (phố Thái Thịnh, Hà Nội) cũng chả sung sướng gì khi trưa nào bà cũng gọi điện than phiền vì cháu cứ về đến nhà là cắm đầu vào chơi điện tử, quên cả ăn trưa. Nếu bà không nhắc, cu cậu còn quên cả lịch học buổi chiều. Vậy là trưa nào vợ chồng chị Hà cũng phải đi nửa vòng thành phố để ép con vào kỷ luật.

Không phải ai cũng sắp xếp đượcthời gian để đến trường đón con như bà mẹ này

So với các phụ huynh có con học cấp 2, phụ huynh các bé cấp 1 yên tâm hơn vì các con ăn bán trú tại trường. Nhưng đón của các trường dao động từ 4h10 đến 4h30, khi nhiều ông bố, bà mẹ tan sở lúc 5h30, 6h. Không tự đi đón được hoặc nhờ được ông bà, người quen đón con, nhiều người phải tìm đến các dịch vụ xe ôm đón trẻ sau giờ học, cũng tốn một khoản chi phí không nhỏ, dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/tuần, tùy theo quãng đường.

“Vẫn biết thời gian của các con ở trường là quy định chung, nhưng không ít phụ huynh vẫn đang loay hoay với vòng xoay đưa đón như gia đình mình.”, chị Nguyễn Thúy Hà không giấu được tiếng thở dài khi chia sẻ câu chuyện với phóng viên báo PNVN.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/ca-nha-roi-nhu-canh-he-vi-chuyen-dua-don-con-di-hoc-post47123.html