Cả nước ghi nhận hơn 70 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, đến thời điểm này Việt Nam ghi nhận tổng số 70.585 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 7 ca tử vong. Trong đó 10 tỉnh có số ca mắc tuyệt đối cao nhất là TP HCM, Phú Yên, Khánh Hòa… Hà Nội đứng thứ 10 với 1.993 ca mắc.

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới khi nhận số mắc và tử vong cao do sốt xuất huyết. Tại nước ta, từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 70.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, 3 tuần gần đây số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam (như Bến Tre, Bình Bương, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP HCM và Hà Nội… Về tỷ lệ phân bố, trong tổng số ca mắc ở khu vực miền Nam chiếm phần lớn với 57%, miền Trung 33%, miền Bắc 4%, Tây Nguyên 6%.

Diễn biến dịch trong thời gian qua không có gì bất thường, xu hướng gia tăng số lượng các tuần báo gần đây cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Các ca bệnh chủ yếu trên 15 tuổi, tuýp D1, D2 vẫn chiếm chủ yếu (90%).

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BVĐK Đống Đa, Hà Nội. Ảnh L.Hòa

Nguyên nhân do chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống sốt xuất huyết. Do ý thức của cộng đồng, các chiến dịch diệt bọ gậy mang tính hình thức và không được duy trì lâu dài, bền vững. Chế tài xử phạt chưa được áp dụng tại các địa phương…

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang... là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực lưu hành bệnh sốt xuất huyết quanh năm với số mắc và tử vong cao.

Theo báo cáo ngày 13-8 của Tổ chức Y tế thế giới, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong cao như Malaysia với 66.199 mắc, 109 tử vong; Phi-líp-pin với 55.160 mắc, 200 tử vong...

GS.TS Nguyễn Văn Kính, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các yếu tố dẫn đến nguy cơ bệnh sốt xuất huyết nặng là sốt xuất huyết Dengue, nhiễm Dengue thứ phát. Trẻ 6-12 tháng tuổi và người cao tuổi có nguy cơ cao. Người mắc các bệnh lý nền kèm theo như bệnh xơ gan, gan mãn tính, suy thận mạn, suy tim hoặc bệnh lý mạch vành điều trị thuốc chống đông, đái tháo đường, bệnh lý hô hấp mãn tính, trẻ em sử dụng aspirin, người nhiễm HIV, béo phì…

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, hiện đang vào mùa mưa, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10-11. Tốc độ đô thị hóa nhanh, di biến động dân cư làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch: Thực hiện ngủ màn, phát quang bụi rậm, úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng tránh muỗi vằn đẻ trứng sinh ra bọ gậy gây bệnh.

“Số mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống”, TS Đặng Quang Tấn cảnh báo.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ca-nuoc-ghi-nhan-hon-70-nghin-truong-hop-mac-sot-xuat-huyet-210864.html