Cả nước hiện còn hơn 2.660 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Ngày 13-11, Quốc hội đã nghe báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày, trong giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%). Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%). Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.

Qua giám sát cho thấy, đa số người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người (nơi có rừng) hiểu biết vẫn chưa đầy đủ, thậm chí thiếu hiểu biết những quy định của pháp luật về PCCC. Nhiều nơi ở các thành phố, đô thị trên cả nước, người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC đến mức không biết cháy thì phải làm sao, thoát nạn như thế nào….Bên cạnh đó, một bộ phận có hiểu biết nhưng lại không tự giác chấp hành pháp luật về PCCC.

“Thực tế cho thấy số vụ cháy do người dân bất cẩn, sơ suất trong sử dụng lửa, khí đốt, thiếu kiến thức cơ bản về PCCC vẫn chiếm tỷ lệ cao”, báo cáo giám sát nêu rõ.

Công tác tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC trong giai đoạn 2014 - 2018 đã được quan tâm, triển khai thực hiện khá đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến cơ sở. Tuy nhiên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao - “làm nhiều nhưng đọng lại ít”. Công tác tuyên truyền mới chỉ tập trung ở các địa bàn thành phố, thị trấn, còn những địa bàn ở xa thì chưa thực sự được quan tâm, thậm chí có nơi còn “bỏ trống địa bàn” - người dân ít được tuyên truyền, hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Ảnh: Quochoi.vn

Trong công tác thẩm định nghiệm thu về PCCC, kết quả giám sát cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chấn chỉnh, thực hiện các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC đối với các dự án, công trình. Hầu hết các dự án, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC xây dựng mới từ thời điểm có Luật PCCC và Luật Xây dựng đều được thẩm định, thẩm duyệt về PCCC trước khi cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC (năm 2001) có hiệu lực.

Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC; mặt khác do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật PCCC; việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường, làm rõ nguyên nhân xảy ra cháy. Đồng thời phân tích làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCCC.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ca-nuoc-hien-con-hon-2660-cong-trinh-co-nguy-hiem-ve-chay-no-da-dua-vao-su-dung-169804.html