Cà phê chế biến sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế cà phê hòa tan đóng gói vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, Bộ đề xuất hai phương án: áp dụng mức thuế suất 10% hoặc 20% từ năm 2019. Đề xuất này sẽ tác động như thế nào đến chiến lược tăng xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam?

Đóng gói sản phẩm cà phê tan Vina cafe. Ảnh: Kim Phương

DN sợ đầu tư

Tăng xuất khẩu cà phê chế biến lên 30%/năm nhằm mang lại giá trị kim ngạch cao hơn là mục tiêu mà ngành cà phê Việt Nam đang hướng tới. Song, với đề xuất của Bộ Tài chính nhằm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào cà phê hòa tan, liệu chiến lược xuất khẩu cà phê có đổ vỡ?

Phải thấy rằng, năm 2016, tuy xuất khẩu cà phê chế biến (cà phê rang xay, hòa tan…) chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng cà phê xuất khẩu nhưng về giá trị chiếm tới 10%, ước đạt kim ngạch khoảng 350 triệu USD.
Nhận thấy rõ tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào cà phê chế biến. Vậy mà giờ đây, “đùng một cái” cà phê chế biến nằm trong nhóm đề xuất áp thuế TTĐB.

Trên thực tế, cà phê vối của Việt Nam được xuất khẩu với giá thấp hơn một chút so với chỉ số LIFFE (giá quốc tế). Phần lớn cà phê của Việt Nam không được người tiêu dùng nước ngoài biết đến. Nguyên liệu cà phê giá rẻ từ Việt Nam được trộn lẫn với các sản phẩm từ nước khác. Cà phê vối Việt Nam được trộn lẫn với cà phê chè từ châu Phi hoặc Mỹ La-tinh để tạo ra nhiều sản phẩm cà phê hòa tan khác nhau được tiêu dùng tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Rủi ro cho xuất khẩu

Giới chuyên gia nhận định, như hầu hết nông sản xuất khẩu của Việt Nam, cà phê đã không tận dụng được hết các cơ hội thị trường để gia tăng giá trị và trong một số trường hợp, không truyền tải được tác động chuyển đổi tới nông dân.

Thực chất, giá cà phê của hàng nông sản Việt xuất khẩu rất cạnh tranh. Nói cách khác, cà phê hay hàng xuất khẩu nông sản Việt được bán với giá rẻ nhờ một số yếu tố như: Chất lượng và mức độ an toàn sản phẩm thấp, không ổn định; Tâm lý lo ngại đối với các nhà cung cấp Việt Nam không hoàn thành hợp đồng; Rủi ro liên quan đến dấu chân môi trường của hàng hóa Việt Nam; Cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Những điều này đã tạo điều kiện cho khách hàng quốc tế dìm giá.

Cần lưu ý, mục tiêu của Việt Nam là trên 50% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam, trong đó, có ngành chủ lực là cà phê, sẽ là sản phẩm chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng, giúp tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu so với hiện nay.

Hơn nữa, sẽ có trên 20 DN Việt Nam có thương hiệu và sản xuất các mặt hàng nông sản (dĩ nhiên là có ngành cà phê) được công nhận tại các thị trường lớn trên thế giới và khu vực.
Vì vậy, khi đưa ra đề xuất thuế TTĐB lên cà phê hòa tan, Bộ Tài chính nên tính tới lĩnh vực cà phê chế biến nói riêng và ảnh hưởng rủi ro đến chiến lược xuất khẩu nông sản Việt nói chung.

Theo Enternews

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ca-phe-che-bien-se-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-207712.htm