Cà phê đường tàu – Mong một ngày trở lại

Vậy là Hà Nội đã dẹp cà phê đường tàu. Người đồng tình, người phản đối, người tiếc nuối, người hoài nghi không biết được mấy bữa, thế nào cũng lén lút 'hoạt động trở lại' thôi.

Người đồng tình, người phản đối, người tiếc nuối, người hoài nghi không biết được mấy bữa, thế nào cũng lén lút ‘hoạt động trở lại’ thôi.

Tôi thuộc nhóm người tiếc nuối. Là người đã từng đến xóm du lịch đường tàu cả ở Thái và Đài Loan, đã từng đi qua những đoạn đường ven đường sắt nhếch nhác và thiếu an ninh ở Hà nội trước đây, tôi thấy mừng khi Hà Nội rốt cuộc cũng tận dụng được sự thú vị theo cách rất riêng ở những tuyến đường này. Du khách tới đó đông hơn, là người dân ở đó có thêm cơ hội kiếm tiền, có việc làm, con đường cũng đỡ nhếch nhác, đỡ hoang vắng và bất an hơn.

Tiếc là, cà phê đường tàu nay bị dẹp vì lý do thiếu an toàn. Dù chưa xảy ra, nhưng những rủi ro là có thể nhìn thấy được. Một người say sau vài chén bia có thể chệch choạng ngã vào đường tàu. Một người chủ quan đứng quá gần có thể bị hút vào khi tàu chạy qua… Rủi ro nhiều, mà khả năng chết người là cao, thật khó để làm ngơ mà duy trì trong tình trạng mất an toàn như thế.

Có đáng để duy trì không?

Nhưng nghĩ rộng dài thêm nữa, tìm hiểu sâu hơn nữa để trả lời câu hỏi liệu chúng ta đã cố gắng tìm giải pháp hợp lý nhất chưa, đã cố hết cách chưa, và có đáng để cố hay không? Rất nhiều dữ kiện dẫn đến câu trả lời rằng, cà phê đường tàu nên được giữ lại, và đáng để cố gắng tìm các giải pháp khắc phục thay vì dẹp bỏ nó.

Hãy “search” thử TripAdvisor, trang web về du lịch nổi tiếng nhất thế giới, bạn sẽ thấy cà phê đường tàu dù xuất hiện chưa lâu nhưng đã được bình chọn mức 5 sao và được xếp hạng là địa điểm đáng tham quan thứ hai tại Hà Nội, chỉ sau phố cổ. Trong khi công trình ngàn năm tuổi - Văn Miếu quốc tử giám chỉ đứng hạng thứ 4 mà thôi!

Nhiều quán cà phê bên đường tàu được khen ngợi có phong cách rất riêng, là trải nghiệm “nhất định phải thử” khi ghé thăm Hà Nội và điềm nhiên đứng top cùng hạng với số ít nhà hàng đắt tiền hay đặc biệt khác.

Chưa nói đến việc tăng thu nhập, thêm việc làm cho người dân dọc các con phố đường tàu đi qua, chỉ riêng việc tạo thêm một địa điểm du lịch thú vị hấp dẫn với du khách cho Hà Nội đã là điểm cộng rất lớn với cà phê đường tàu. Dù có đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng cho một công trình nào đó, cũng không dễ biến nó thành một điểm đến hấp dẫn du khách đến như thế.

Và nếu cà phê đường tàu phát triển sau một thời gian đủ dài, chắc chắn sẽ còn nhiều dịch vụ khác có thể khai thác đối với du khách. Khu phố cà phê không chỉ tiềm năng đối với người dân quanh đây, mà sẽ còn rất nhiều ngành nghề và người dân có thể có cơ hội hưởng lợi từ nó nữa.

Nhìn sang Bangkok và Đài Bắc, hai thành phố cũng có phố du lịch đường tàu, thực ra bề ngoài trông cũng ‘nhếch nhác’ và thiếu an toàn chẳng khác gì ở Hà Nội nhưng họ vẫn đang khai thác rất tốt. Đường tàu Bangkok thậm chí còn chạy qua một cái chợ đông đúc, chật hẹp ‘vô đối’, trái cây và rau bày sát sạt bên đường ray! Vì vậy, đôi khi sự lộn xộn, sự thiếu hoàn mỹ lại là một điểm cộng cho du lịch và kinh tế!

Còn vấn đề an toàn, thực ra người dân hai bên đường tàu cũng sống trong tình trạng mất an toàn như thế từ lâu rồi. Từ ngày cà phê đường tàu xuất hiện, chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra vì tàu chỉ chạy 2-3 chuyến một ngày theo giờ cố định và chạy trong thành phố nên tốc độ khá chậm, các chủ quán rất cẩn thận nhắc nhở khách vào trong 5 phút trước khi tàu chạy tới. Nói vậy không có nghĩa là đồng tình ‘ngó lơ’ vì tai nạn chưa xảy ra, mà chỉ để khẳng định rằng chúng ta có thể đảm bảo an toàn nếu thật cẩn thận và có thêm những giải pháp hợp lý.

Những giải pháp có thể là gì?

Cà phê đường tàu trên TripAdvisor

Cà phê đường tàu trên TripAdvisor

Vì lí do chính nhất khi dẹp bỏ cà phê đường tàu là lý do an toàn hành lang đường tàu, nên những giải pháp cũng cần tập trung ở đây.

Liệu chúng ta có thể bố trí thêm hệ thống camera cho các tuyến phố cà phê dọc đường tàu, bố trí một người trực camera quan sát và vài nhân sự trực tiếp kiểm tra, đảm bảo an toàn dọc các tuyến phố trong 15 phút tàu chuẩn bị qua? Việc này chỉ tốn thêm chút nhân lực và chi phí, có thể huy động lực lượng dân phòng vào cuộc và chắc rằng các chủ quán cà phê cũng sẵn sàng trả phí nếu được hoạt động trở lại.

Đồng thời cần tổ chức tập huấn, đặt qui định nghiêm ngặt với các chủ quán, người cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các tiêu chuẩn qui định về an toàn: dẹp bỏ đồ dùng, vật dụng nếu lấn chiếm quá mức, phạt tiền nếu trước cửa hàng nào có du khách chậm vào trong, yêu cầu du khách vào trong hành lang an toàn đúng 10 phút trước khi tàu qua, gắn thêm biển cảnh báo ranh giới an toàn, và biển nhắc nhở khách tự ý thức về an toàn.

Giảm thêm tốc độ khi tàu qua phố cổ cũng là một giải pháp. Chỉ có tối đa 3 chuyến tàu mỗi ngày qua đây và cũng không phải là các chuyến tàu quan trọng, vì thế giảm tốc độ tàu chạy chậm thêm 10 phút qua đoạn phố cổ có thể gây một chút phiền hà nhưng những cái lợi đem lại cũng lớn hơn nhiều so với đóng cửa các quán cà phê chỉ để con tàu chạy qua.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể chỉnh trang thêm các con đường dọc đường tàu để tăng thêm sức hấp dẫn, đẹp mắt hơn, có chiều sâu hơn. Nếu ở Đài Bắc người ta cho du khách thả đèn lồng, ở Bangkok là chợ, thì ở Việt Nam có thể là những tuyến phố được vẽ tranh rất riêng, những ngôi nhà có cửa sổ cũ kĩ nhưng ấn tượng phục vụ du khách chụp ảnh, ngắm nhìn, hay những dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống chụp hình bên đường tàu… chứ không chỉ đơn thuần là ngồi ngắm đợi tàu đi qua.

Hi vọng sớm có một ngày trở lại

Chắc ít người biết cuối năm 2017, cảnh sát đã từng có chiến dịch dẹp cà phê đường tàu ở Hà Nội. Nhưng rồi không biết tại sao và từ đâu các quán lại mọc lên, mỗi ngày du khách lại đến mỗi đông như thời gian vừa qua trước khi đóng cửa.

Lần này cũng không biết cà phê đường tàu sẽ biến mất bao lâu. Nếu các quán xá lén lút trở lại, chắc chắn độ ‘tạm bợ’, nhếch nhác càng lên cao hơn. Mà nếu hoàn toàn biến mất, thì sẽ thật là đáng tiếc khi một mảng thị trường du lịch tiềm năng như vậy, khá thành công như vậy, đã bị xóa đi tan nát.

Liệu có thể kì vọng Hà Nội đóng cửa quán cà phê là để rà soát lại, là để tìm cách cải thiện và chuẩn bị cho một ‘café đường tàu’ sắc màu Hà Nội an toàn hơn, đậm nét hơn, đặc sắc hơn? Liệu có thể mong chính quyền Hà Nội nghiên cứu lại một lần nữa để có chiến lược khai thác hiệu quả loại hình kinh doanh du lịch ‘theo nhu cầu du khách’ này?

Kì vọng, và hi vọng một ngày gần đây…

Hà Seo

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ca-phe-duong-tau-mong-mot-ngay-tro-lai-159252.html