Cà phê mắm của thầy giáo dạy Tin

Cà phê mắm là chế phẩm của thầy giáo Đà Nẵng...

Du khách và học sinh trải nghiệm cách làm cà phê mắm.

Sau những giờ dạy trên lớp, thầy giáo Bùi Thanh Phú – giáo viên dạy Tin học Trường THPT Phạm Phú Thứ (TP Đà Nẵng) lại bận rộn với công trình chế biến đồ uống “độc nhất vô nhị” - cà phê mắm.

Nguyên liệu đặc sản

Tại Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng 2023, nhiều khách hàng khá bất ngờ khi được thưởng thức đồ uống “độc lạ” mang tên cà phê mắm của gian hàng Hương Làng Cổ thuộc làng nghề nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Một sự biến tấu độc đáo khi vị mặn của cà phê muối được thay bằng vị mặn của mắm. Tác giả của cà phê mắm là thầy giáo Bùi Thanh Phú, đồng thời là chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ.

Với lợi thế là một chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, thầy Phú đã đem ý tưởng chế biến cà phê mắm bàn bạc với gia đình và cộng sự. Sau khi nhận được sự đồng tình của mọi người, thầy đã bắt tay vào nghiên cứu cho ra đời món cà phê nghe thật “nặng mùi” - cà phê mắm.

“Để làm cà phê mắm, thì điều đầu tiên là phải cô đặc nước mắm ở nhiệt độ cao, tương tự như cách làm mắm nướng hoặc mắm kho quẹt. Khi cô đặc mắm sẽ tạo nên một lớp bột mắm. Từ lớp bột mắm này mình pha với tỉ lệ vừa đủ lên cà phê cùng với lớp kem. Lớp kem tạo nên độ béo, bột mắm tạo nên độ mặn nhẹ và cà phê tạo nên độ đắng nhẹ, hòa thành một loại thức uống đặc biệt”, thầy Phú chia sẻ.

Ngoài ra, điều đặc biệt ở món cà phê mắm chính là nguyên liệu nước mắm nguyên chất, độ đạm cao. Theo thầy Phú, điều đặc biệt ở loại thức uống độc lạ này chính là sự kết hợp hài hòa giữa đặc sản truyền thống như cà phê và mắm mà không hề ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

“Việc rắc bột mắm lên cà phê vậy hoàn toàn không gây rối loạn tiêu hóa hay đau bụng đối với người thưởng thức. Bởi nước mắm không chỉ là loại gia vị truyền thống của người Việt Nam, mà còn là vị thuốc, có chức năng hỗ trợ tiêu hóa.

Trước đây, thời xa xưa vào thời điểm nghèo khó, ông bà ta thường kho quẹt nước mắm để chấm với cơm hoặc hòa với cháo trắng cho người bệnh tiêu chảy, đầy bụng hay rối loạn tiêu hóa dùng. Vì vậy, trước khi chế biến nhóm đã tìm hiểu kỹ quy trình, tỉ lệ và công dụng. Nên việc trộn mắm với cà phê hoàn toàn không gây ra đau bụng như nhiều người vẫn nghĩ”, thầy Phú thông tin.

Thầy Phú chia sẻ về cách làm cà phê mắm.

Nâng cao giáo dục trải nghiệm

Không chỉ là chế biến món cà phê mắm gây sốt trên mạng xã hội, thầy Phú còn đưa làng nghề mắm Nam Ô đến gần với học sinh và du khách hơn. Cơ sở làm nước mắm Hương Làng Cổ hàng năm đón hàng nghìn học sinh và du khách đến tham quan, trải nghiệm làng nghề.

“Sau thời gian trên lớp, tôi thường liên kết với các hoạt động tham quan trải nghiệm của trường học hoặc công ty du lịch để đưa học sinh, du khách trong và ngoài nước đến làng nghề nước mắm. Để từ đó học sinh và du khách biết được cách làm nước mắm của ông bà ta để lại và giá trị của nước mắm trong đời sống người dân như thế nào.

Làng nghề nước mắm Nam Ô đã nổi tiếng từ rất lâu, nên khi du khách đến tham quan không chỉ trải nghiệm cách làm mắm, khi ra về tôi muốn tặng cho du khách một sản phẩm độc lạ được chế biến từ mắm. Như vậy sẽ tạo cho du khách điều ấn tượng, đặc biệt là đối với khách quốc tế. Đưa đặc sản, hương vị quê hương đến gần với du khách hơn”, thầy Phú chia sẻ.

Thưởng thức loại cà phê mắm tại Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng 2023, bà Jessica – du khách Mỹ khá bất ngờ khi được uống loại cà phê độc đáo đến vậy. “Tôi có thể ngửi được vị mắm từ bột mắm rắc trên lớp cà phê. Tuy nhiên, mùi mắm lẫn vị mặn kết hợp rất tốt với cà phê, tạo nên hương vị rất hài hòa. Thật tuyệt vời”, bà Jessica nói.

Anh Cao Hải Định (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) chia sẻ rằng, mình đã từng uống nhiều loại cà phê khác nhau nhưng cà phê mắm đã mang đến cho anh trải nghiệm khó quên. “Thú vị ở chỗ cà phê mắm không chỉ độc lạ mà còn ngon. Đây cũng là một cách để nước mắm truyền thống đến gần hơn với giới trẻ và du khách. Nhất định tôi sẽ rủ bạn bè về đây trải nghiệm món cà phê này”, anh Định nói.

Chia sẻ về dự định phát triển cà phê mắm, thầy Phú cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để cân bằng hài hòa vị mắm trong cà phê, sau đó đăng ký bản quyền và xin các giấy phép sản xuất. “Sau khi hoàn thành các thủ tục trên tôi sẽ mở một cửa hàng cà phê mắm, sản xuất đóng gói bột mắm để người dùng có thể pha vào cà phê, tiện lợi khi sử dụng. Cùng với đó là có thể tặng kèm bột mắm trong mỗi chai nước mắm cho du khách, khi khách đến tham quan, trải nghiệm làng nghề”, thầy Phú bộc bạch.

Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng 2023 được học sinh, sinh viên người dân và du khách đánh giá rất tốt và đưa đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân thành phố, khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa biển của bà con ngư dân.

Tại đây, người dân và du khách đã có những trải nghiệm mới mẻ với các làng nghề như cà phê mắm, hát hò khoan đối đáp... Mọi người được hòa mình vào không gian văn hóa với các hoạt động hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa giác quan. - Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng 2023)

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-phe-mam-cua-thay-giao-day-tin-post667104.html