Cà phê và niên vụ chưa trọn niềm vui

Cà phê được mùa, giá cũng đang ở mức trên 40.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Thế nhưng, người sản xuất cà phê vẫn không mấy phấn khởi, vì giá vật tư đầu vào quá cao.

Cà phê trúng mùa, được giá

Huyện Đắk Mil hiện có hơn 21.000 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Vụ mùa 2021 này, năng suất cà phê trên địa bàn đạt khá. Giá cà phê ngay từ những ngày bước vào mùa thu hoạch tăng cao so với mọi năm.

Ông Ngô Xuân Lộc, thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) thu hoạch gần xong 2 ha cà phê. Theo ông Lộc, thông thường, vào cuối vụ cà phê mới lên giá, nhưng năm nay ngay đầu mùa đã có giá tốt, ở mức trên 40.000 đồng/kg.

“Nông dân khá hồi hộp vì giá cả thay đổi từng ngày. Tuy vậy, năm nay mức giá cà phê nhân tương đối ổn định. Chỉ mong giá cả có chuyển biến theo chiều hướng đi lên để chúng tôi phấn khởi hơn”, ông Lộc cho biết.

Cách đó không xa, gia đình ông Trương Văn Thân, ở cùng thôn, đang thu hoạch hơn 2,3 ha cà phê chín rộ. Theo ông Thân, năm nay, thời tiết diễn biến thuận lợi, cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. Thời điểm cây ra hoa, đậu quả không bị sâu bệnh hại tấn công nên tỷ lệ rụng trái thấp.

“Nếu giá cà phê hơn 40.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình tôi thu về trên 150 triệu đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất từ mấy năm nay rồi”, ông Thân cho biết.

Lời lãi không bao nhiêu

Theo ông Vũ Hữu Đào, thôn 2, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), mỗi năm, 1 ha cà phê cần trên 45 triệu đồng chi phí phân bón, tưới nước, công chăm sóc, thu hoạch. Nếu trừ hết chi phí, gia đình lãi trên 30 triệu đồng/ha cà phê. Mức lợi nhuận này không cao hơn bao nhiêu so với trước đây, khi giá cà phê còn đang thấp.

Vườn cà phê của gia đình ông Vũ Hữu Đào, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đạt năng suất cao, giá cả ổn định, nhưng lợi nhuận không nhiều

Cũng theo ông Đào, nguyên nhân là do giá các loại phân bón tăng từ 20%-30%. Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 15%-20% so với trước. Thêm vào đó, có thời điểm giá xăng, dầu tăng rất cao, kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất tăng theo.

“Giá vật tư nông nghiệp năm nay cao gấp từ 1,5-2 lần so với mọi năm. Do vậy, dù giá bán cao, năng suất tốt hơn, nhưng lợi nhuận của nông dân không đáng kể”, ông Đào cho biết.

Trước thực trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, ông Đậu Thế Cảnh, thôn 15, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), đã phải tận dụng nguồn phân bò, phân vi sinh để giảm chi phí sản xuất.

Theo ông Cảnh, giá vật tư cao như vậy, người nông dân chủ yếu lấy công làm lời. Thậm chí, nhiều thời điểm giá cà phê chững lại, nông dân còn lỗ nặng. Nếu không chuyển hướng đầu tư, lợi nhuận từ vườn cây sẽ không đáng là bao.

“Giá cà phê tăng không nhanh bằng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Làm nông phụ thuộc quá nhiều vào vật tư đầu vào, nông dân khó có lợi nhuận. Do vậy, sử dụng phân vi sinh thay cho phân bón hóa học vừa tốt cho đất đai, cây trồng, vừa tiết giảm chi phí sản xuất”, ông Cảnh khẳng định.

Theo lãnh đạo Sở NN - PTNT, giá cà phê vụ thu hoạch năm nay tăng đáng kể. Tuy nhiên, các mặt hàng khác cũng tăng theo. Nếu tính toán trong thực tế, người dân trồng cà phê không đến mức bị lỗ, nhưng lợi nhuận thu về cũng không cao.

Để sớm ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm đầu tư, sản xuất, các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp sẽ kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng, cơ sở sản xuất, các đại lý mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tránh tình trạng các cơ sở đầu cơ, tăng giá, ảnh hưởng đến người nông dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Lương

2,662

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/ca-phe-va-nien-vu-chua-tron-niem-vui-90584.html