Cá sấu săn người ở Philippines - 'chúng như muốn khoe chiến tích'

Chính quyền thị trấn Balabac ở tỉnh Palawan đang phải đối mặt với tình trạng khó xử khi nỗ lực bảo vệ những con cá sấu tự nhiên dẫn tới việc người dân gặp nguy hiểm.

Vào một ngày tháng 11 khi ngư dân 33 tuổi Cornelio Bonite mất tích, người ta phát hiện một con cá sấu tại địa phương với cánh tay người thò ra từ miệng.

"Cứ như là nó đang cố tình khoe điều đó", ông Efren Portades, một bảo vệ ở thị trấn Balabac, cho biết. Balabac là một hòn đảo trên vùng đầm lầy nước mặn giáp ranh biên giới trên biển giữa Philippines và Malaysia. Ông Portades là người dẫn đầu cuộc tìm kiếm nạn nhân anh Bonite.

Một tháng trước đó, một con cá sấu khác, hoặc có thể chính là con này, không ai biết chắc được, đã tấn công Parsi Diaz khi cô bé 16 tuổi đang bơi dưới nước. Bị thương ở đùi nhưng cô bé may mắn thoát chết.

Một năm trước đó, một bé gái 12 tuổi khác cũng đã bị tấn công khi lội qua con sông ở khu vực. Vài tháng sau đến lượt chú của cô bé bị cá sấu giết hại.

Số lượng dê và chó bị cá sấu ăn thịt thì không còn đếm xuể trên bờ biển Balabac. Người dân địa phương bắt đầu trở nên tức giận và sẵn sàng tìm cách trả thù loài bò sát này.

"Tôi muốn làm chúng nổ tung. Họ có thể bắt giữ tôi nếu họ muốn. Tôi sẽ chấp nhận điều đó. Tôi yêu quý mọi người ở đây", ông Portades chia sẻ về kế hoạch sử dụng thuốc nổ đối với những con cá sấu này, do ngư dân ở đây có sẵn thuốc nổ để đánh cá.

Một phần của cuộc sống

Cá sấu nước mặn từng là loài động vật thống trị những khu vực đầm lầy ven biển ở Philippines, nhưng hoạt động săn bắt, đánh cá bằng thuốc nổ và sự cạn kiệt nguồn thức ăn đã khiến số lượng loài này sụt giảm đáng kể. Hiện tại, chúng trở thành loài vật được chính phủ bảo vệ.

Điều này khiến cho số lượng cá sấu tăng trở lại, dù dân số gia tăng khiến các khu dân cư cũng hình thành ngay cạnh nơi sinh sống của loài bò sát này. Kết quả là các vụ đụng độ giữa người và cá sấu cũng diễn ra thường xuyên hơn, tỷ lệ thương vong cũng trở nên cao hơn.

Ông Salvador Guion, người đứng đầu bộ phận phụ trách giải cứu cá sấu của Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động vật hoang dã Palawan. Ảnh: New York Times.

Ông Salvador Guion, người đứng đầu bộ phận phụ trách giải cứu cá sấu của Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động vật hoang dã Palawan. Ảnh: New York Times.

Tại Balabac, việc bị cá sấu tấn công đã trở thành một phần của cuộc sống. Ông Jovic Fabello, thành viên Hội đồng Phát triển Bền vững tỉnh Palawan, cho biết kể từ 2015, năm nào cũng có người chết vì nguyên nhân này, khiến chính quyền khu vực phải tiến hành bắt giữ "những con cá sấu gây rối".

Mới chỉ tháng trước, một cậu bé 12 tuổi ở Balabac đã bị cá sấu tấn công nhưng thoát chết.

Tệ hơn nữa, người dân Balabac đang khai thác cây cối ở rừng ngập mặn để lấy vỏ, bán cho thương nhân làm thuốc nhuộm cho chất liệu da thuộc. Điều này làm môi trường sống của cá sấu bị thu hẹp và khiến chúng phải tới gần các khu dân cư để kiếm ăn.

Sau khi thi thể Bonite được tìm thấy trong tình trạng không còn nguyên vẹn trên bờ sông, ông Jonathan Motalba, người phụ trách bảo vệ động vật hoang dã ở Balabac, đã phải nhắc nhở ông Portades và những người dân khác rằng sẽ có hậu quả pháp lý nếu giết hại cá sấu.

Vẫn lo ngại về sự an toàn của con cá sấu, ông Motalba gửi một tin nhắn đến Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn Động vật hoang dã Palawan. Người đứng đầu bộ phận giải cứu cá sấu, Salvador Guion, ngay lập tức đã cùng 5 thợ săn kỳ cựu có mặt ở Balabac trong ngày hôm đó.

Nhiệm vụ của họ chính là bắt con cá sấu khét tiếng kia trước khi có một cuộc đụng độ diễn ra giữa nó và các dân làng.

Thiên đường cho cá sấu

Khi đặt chân tới Balabac, ông Guion tỏ ra ấn tượng trước khung cảnh tự nhiên ở khu vực, chuyên gia này nhận định: "Nếu tôi là một con cá sấu, đây chính là nơi mà tôi muốn sinh sống".

Rừng ngập mặn ở Balabac dày đặc với nhiều khu vực cửa sông, nơi nước ngọt trộn với nước mặn. Có những đoạn bờ sông lầy lội để cá sấu có thể nằm phơi nắng. Gà, chó và dê lang thang kiếm ăn trên bờ sông. Dưới nước cũng có rất nhiều cá.

Khung cảnh tại thị trấn Balabac, nơi được đánh giá là môi trường sống lý tưởng cho cá sấu nước mặn Philippines. Ảnh: New York Times.

Việc bắt giữ cá sấu không phải là công việc mà ông Guion mong muốn thực hiện. Các nhà bảo tồn và chuyên gia khuyến nghị nên để chúng sống trong tự nhiên. Một phần công việc của ông Guion là truyền đạt thông tin và hướng dẫn người dân cách sống chung với loài động vật này, coi chúng như một phần của hệ sinh thái chứ không phải một mối đe dọa.

Tuy vậy, công việc này trở nên khó khăn hơn, vì hình ảnh cá sấu trong mắt người dân bị tiêu cực thêm khi từ dùng để chỉ loài này trong tiếng Tagalog, "buwaya", đã trở thành một từ tiếng lóng để chỉ các quan chức tham nhũng và những doanh nhân thiếu đạo đức. Ông Guion cho rằng điều này thật không công bằng cho cá sấu.

"Hình ảnh của chúng đã bị các chính trị gia làm cho xấu đi, và chúng thì không hiểu tại sao. Cá sấu không hề tham ăn, chúng chỉ ăn một đến hai lần một tuần, và mỗi lần chỉ ăn 3% trọng lượng cơ thể.

Ông Guion không tin là con cá sấu đã chủ động săn nạn nhân Bonite. Chuyên gia này cho rằng có thể con cá sấu đang nằm trong đống bùn cạnh con thuyền của nạn nhân và bị kích động bởi các động tác của ngư dân xấu số này. "Cá sấu cũng sợ con người chứ", ông Guion cho biết.

Mặc dù vậy, thật dễ hiểu khi hàng xóm và người thân của nạn nhân không đồng tình với quan điểm này, dẫn đến những trường hợp người dân tức giận, tấn công trả thù cá sấu.

Ví dụ rõ nét nhất xảy ra vào năm ngoái tại Indonesia, quốc gia có số vụ cá sấu tấn công người nhiều nhất thế giới. Một đám đông tức giận đã giết chết 292 con cá sấu tại một khu bảo tồn để trả thù cho một dân làng bị cá sấu tấn công.

Tạm biệt Singko

Buổi sáng ngày hôm sau tại Balabac, ông Guion và đội của mình bắt đầu đặt bẫy bằng những miếng thịt dê. Con cá sấu khét tiếng được đặt tên là Singko, có nghĩa là số 5 trong tiếng Philippines, đặt theo tên của khu dân cư số 5 Barangay, nơi ngư dân Bonite và cô bé Parsi Diaz bị tấn công.

Khu dân cư số 5 Barangay, nơi diễn ra nhiều vụ cá sấu tấn công. Ảnh: New York Times.

Khu dân cư số 5 Barangay nằm ngay trung tâm thị trấn Balabac, chứ không phải một khu rừng ngập mặn nơi cá sấu thường trú ẩn. Singko đã trở thành một "cư dân" nổi tiếng ở khu vực này và sống với thực đơn từ những con chó và gà đi lang thang. Nó đã quen với người và khi ông Guion đặt bẫy, Singko lấp ló dưới mặt nước cách đó 10 mét.

Đến sáng hôm sau, những cái bẫy đều trống không. Việc này là bình thường vì quá trình săn một con cá sấu có thể kéo dàng hàng tuần. Tuy nhiên, việc sống cạnh con người đã khiến Singko trở nên mạnh dạn hơn, và chính việc không biết sợ hãi đã khiến cho con vật này mắc bẫy chỉ sau 2 ngày.

Giữa ban ngày, sau khi ông Guion sửa lại một cái bẫy hỏng, Singko nhảy lên khỏi mặt nước và cắn trọn miếng mồi từ thịt dê. Khi con cá sấu lôi miếng mồi xuống nước, chiếc bẫy thắt chặt vào mõm của nó, chiếc cọc mà cái bẫy buộc vào bị bẻ gẫy. Các thợ săn nhanh chóng tóm lấy đoạn dây thừng và kéo con cá sấu lên bờ.

Với sự giúp đỡ của những người dân thị trấn và một cái ròng rọc, đội của ông Guion đã nâng được Singko lên một chiếc xe tải. Con cá sấu dài 4,8 mét, nặng 480 kg và được cho là khoảng 50 tuổi. Chiếc xe tải đưa nó đến Puerto Princesa, thủ phủ tỉnh Palawan, nơi Singko sẽ sống nốt phần đời còn lại trong một khu đầm lầy.

"Đừng làm phiền chúng"

Mặc dù vậy, không phải ai cũng vui vẻ trước việc Singko bị bắt giữ.

Đối với những người Molbog, một bộ lạc đạo Hồi bản địa, cá sấu là loài động vật linh thiêng, là hiện thân của tổ tiên họ. Trong ngôn ngữ của người Molbog, từ để chỉ cá sấu là "opo", cũng được dùng để gọi ông bà của họ.

"Cá sấu cần phải được tôn trọng", bà Diana Uya Diaz, một cụ già người Molbog, cho biết.

"Người ta có thể cố gắng để bắt giữ chúng, nhưng chúng sẽ không biến mất. Khi bắt giữ Singko, họ đã gieo mầm thù hận vào con cháu của nó", bà Diaz nói.

Những nhà bảo tồn cho rằng việc bày tỏ sự tôn kính với cá sấu cũng là một nét văn hóa thường thấy ở các bộ lạc bản địa khác của Philippines, và điều này khuyến khích việc chung sống trong hòa bình.

Bàn thờ tại nhà ngư dân Bonite, người bị cá sấu giết hại. Ảnh: New York Times.

Khoảng hai tuần sau khi Singko bị bắt giữ, một đám đông đầy mê hoặc đứng trên cầu tàu khu dân cư số 5 Barangay vào lúc hoàng hôn. Một con cá sấu khác đã chuyển tới sinh sống ở lãnh thổ trước đó của Singko. Nó ngoi lên rồi lại từ từ lặn xuống, với những cái vảy cắt một đường vào mặt nước tĩnh lặng.

"Những con cá sấu của chúng tôi rất tốt bụng. Chỉ cần đừng làm phiền chúng", ông Segundo Rapales, một người dân 75 tuổi chia sẻ khi nhìn xuống mặt nước.

Sơn Trần
theo New York Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ca-sau-san-nguoi-o-philippines-chung-nhu-muon-khoe-chien-tich-post923147.html