Ca sĩ Hồng Ngọc bị bỏng nặng: Mỗi hè hàng trăm người nhập viện vì nướng mực, pha mì tôm...

Sau nhiều tuần điều trị do tai nạn nổ nồi xông hơi, sức khỏe của nữ ca sĩ Hồng Ngọc dần ổn định. Mới đây, nữ ca sĩ đã chia sẻ hình ảnh gương mặt bị bỏng cấp độ 2 trên trang cá nhân.

Ca sĩ Hồng Ngọc bị bỏng nặng do nổ nồi xông hơi khiến nhiều người bàng hoàng.

Ca sĩ Hồng Ngọc bị bỏng nặng do nổ nồi xông hơi khiến nhiều người bàng hoàng.

Cụ thể, Hồng Ngọc viết: “Hôm nay Ngọc vừa nghe tin một gia đình tại Việt Nam bị phỏng vì nhà bị cháy. Ngọc cảm nhận được sự đau đớn và hoang mang của các nạn nhân kinh khủng như thế nào. Chỉ có những người đã từng bị phỏng mới có thể cảm nhận được sự đau đớn của phỏng”. Bên cạnh đó, cô còn kể lại giây phút kinh hoàng khi xảy ra tai nạn 2 tuần trước. Đặc biệt, giọng ca 'Mắt nai cha cha cha' còn cho biết lý do công khai đăng ảnh khuôn mặt khi mới bị bỏng để khuyến cáo mọi người "phải thật cẩn thận, đừng để chuyện không may xảy ra".

Sự việc Hồng Ngọc bị bỏng nặng do nổ nồi xông hơi được Đàm Vĩnh Hưng cung cấp thông tin trước đó vào ngày 9/5.

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thống - nguyên Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, trong trường hợp bỏng trong sinh hoạt, đặc biệt là bỏng hơi, bỏng nước sôi rất hay xảy ra, chiếm đến 80% các trường hợp bị bỏng nhập viện.

Đối với trường hợp của nữ ca sĩ Hồng Ngọc, nếu nước trong nồi xông hơi đang sôi thì độ bỏng sẽ nặng hơn những trường hợp khác.

Qua hình ảnh mới được nữ ca sĩ chia sẻ, bác sĩ Thống cho rằng, vết bỏng không quá nguy hiểm, bỏng này ít để lại sẹo, “nhưng nguy hiểm ở đây là làm sao không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không làm biến đổi màu da, đen xạm…”. Nếu ở Việt Nam, với mức độ bỏng này thì ông có thể điều trị trong vòng 10-15 ngày sẽ khỏi.

Theo bác sĩ, ở nước ta, mỗi dịp mùa hè, người dân hay gặp những tai nạn do bỏng, trong đó chủ yếu là bỏng nước sôi, bỏng canh; và đặc biệt hay gặp là bỏng cồn. Những mùa hè cách đây vài ba năm trước, Khoa Bỏng - nơi ông đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa, mỗi mùa hè phải tiếp nhận mấy trăm ca bị bỏng cồn, nguyên nhân do nướng mực.

“Bệnh nhân đến viện thường tập trung sau những đợt nghỉ hè. Mọi người đi biển, du lịch thường biếu nhau mực… Khác với thời trước, giờ cồn dễ mua, nên nhiều người nướng mực bằng cồn cho tiện dụng, sạch sẽ. Tuy nhiên, khi nướng, con mực thường cong vào, lửa cuối thường ánh sáng trắng khó phát hiện hoặc lửa vẫn còn ở trong các khe mà người nướng tưởng đã tắt, vậy là đổ thêm cồn, khiến ngọn lửa bùng lên bất ngờ...

Vùng mặt, tay hay bắt lửa nhiều nhất khi nướng cồn. Thậm chí, do ngọn lửa bùng lên bất ngờ, có người liền ném ngay cả chai cồn dở vào đĩa cá đang nướng, có người lại đánh đổ số cồn còn lại, làm cồn chảy ra nhà, lửa bén vào càng bùng lên dữ dội”, nguyên Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cảnh báo.

Ông thông tin thêm: Đáng ngại là do tai nạn đến bất ngờ nên nhiều người mất bình tĩnh, xử lý không đúng cách. Ông từng tiếp nhận có trường hợp sinh viên, sau khi bị lửa cồn liếm vào mặt, vào tóc, lan sang quần áo, thay vì nằm lăn xuống đất, nạn nhân lại nhảy ra ngoài cửa sổ. Càng chạy, ngọn lửa càng cháy to. Chưa kể khi bệnh nhân rơi từ cửa sổ xuống đất thì không chỉ bị bỏng mà còn chấn thương xương các cơ quan nội tạng khác. Do đó, việc xử lý khi bị bỏng nói chung cần phải hết sức bình tĩnh. Chẳng hạn với người bị bỏng cồn thì cần nằm lăn xuống đất, tỳ đè vùng bị cháy xuống đất; hoặc người xung quanh có thể dùng chăn, mền dập lửa.

Bác sĩ cũng lưu ý, trường hợp bị bỏng nhiệt nếu như không được sơ cứu đúng cách có thể khiến cho tổn thương nặng và khó hồi phục hơn.

Trở lại với trường hợp của nữ ca sĩ Hồng Ngọc, BS Nguyễn Thống khuyến cáo, cách sơ cứu đúng khi bị bỏng nhiệt do nước sôi là cần nhanh chóng đưa nạn nhân khỏi hiện trường. Dùng nước làm nguội vết thương bằng cách ngâm trong nước lạnh ngay sau xảy ra tai nạn trong vòng 1-3h (ngoài 3h việc ngâm này không còn tác dụng). Thời gian ngâm trong vòng 15-20 phút cho đến khi cơn đau dịu bớt.

Sau khi ngâm xả vết bỏng bằng nước, giữ cho vết bỏng sạch sẽ, không bôi thuốc gì lên vết bỏng. Dùng gạc sạch hoặc vải sạch đắp lên vết bỏng tránh sự đụng chạm vào vết bỏng. Gạc quấn hờ, quấn lỏng quanh vết thương tránh tạo áp lực lên vùng da bị bỏng. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để được sơ cấp cứu kịp thời.

Đối với vết thương nhẹ, thực hiện theo các bước sơ cứu trên và chăm sóc vệ sinh vết thương tại nhà. Hàng ngày rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý.

Đa số trường hợp bỏng nước sôi do sinh hoạt xảy ra khi đun nước sôi, bỏng ấm pha trà, bỏng nước mì tôm, hơi nồi cơm điện, nóng lạnh…

Để phòng tránh tai nạn bỏng nói chung và bỏng nhiệt trong sinh hoạt gia đình khi đun nấu hoặc để vật dụng có thể gây bỏng, cần hết sức lưu ý. Nên quy định chỗ để những vật dụng đó và tránh xa tầm với của trẻ em. Bác sĩ Thống khuyến cáo: Tuyệt đối không nên dùng các phương pháp dân gian, mẹo chữa bỏng sẽ gây nhiễm trùng vết thương!

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/khuon-mat-bi-bong-nang-cua-nu-ca-si-hong-ngoc-co-the-tro-lai-nhu-xua-253242.html