Ca sĩ Khánh Ly = Khánh Kỵ + Yêu Ly

Ca sĩ Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh tháng 3/1945 tại Hà Nội. Bà lựa chọn nghệ danh Khánh Ly là vì say mê Tam Quốc Diễn Nghĩa và Đông Chu Liệt Quốc nên lấy tên hai nhân vật Khánh Kỵ và Yêu Ly hợp lại thành Khánh Ly.

Thời gian gần đây, khán giả có nhiều cơ hội gặp và trò chuyện với ca sĩ Khánh Ly. Ảnh: ITN.

Sự khác biệt tạo nên số phận

Có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, cô bé Lệ Mai từng đoạt giải Nhì cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp Á tổ chức tại rạp Norodom năm 1956, khi mới 11 tuổi.

Năm 1967, Khánh Ly kết hợp với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tạo nên một hiện tượng của tân nhạc Việt Nam. Những sáng tác của Trịnh Công Sơn đưa Khánh Ly trở thành một trong ba giọng ca nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, bên cạnh Thái Thanh và Lệ Thu.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét: “Khi nghe Khánh Ly hát, tôi luôn có cảm giác cô ấy hát không phải chỉ cho tôi mà dường như Khánh Ly hát cho chính sự oan trái của đời mình, hát cho số phận mình. Các ca sĩ sau này ít ai hỏi tôi vì sao tôi viết như thế, câu này có nghĩa gì, có lẽ sự khác biệt là ở đó”.

Sau năm 1975, Khánh Ly rời Việt Nam và định cư tại Cerritos, California, Hoa Kỳ. Năm 1996, Đài Truyền hình NKH (Nhật Bản) đã chọn Khánh Ly là một trong 10 nhân vật nổi tiếng để làm phim tài liệu.

Mấy năm nay, năm nào người yêu tiếng hát Khánh Ly cũng có thể gặp bà ở Hà Nội. Bà hát ở Nhà hát Lớn, hay ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, hoặc trong một quán cà phê nào đó, vẫn là giọng hát ấy, chỉ khác là bây giờ, bà đã không còn sung sức như trước.

Khánh Ly không giấu điều đó, bà chân thành chia sẻ, chân thành thừa nhận sau bài hát có phần “đuối” ở những chương trình không “trực tiếp”.

Những chia sẻ, câu chuyện “bỏ nhỏ” của bà, tạo nên cái duyên sân khấu riêng. Mà không chỉ về Hà Nội, Khánh Ly còn đi dọc Việt Nam, mang tiếng hát của mình đến với công chúng mến mộ bà ở Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh…

Trở về những miền nhớ

Khánh Ly là người tạo cảm giác gần gũi khi ngồi trò chuyện. Gặp bà rồi, trò chuyện với bà cả buổi, vẫn muốn lần sau gặp lại. Khánh Ly chia sẻ: “Sau 40 năm, nhiều người ở Việt Nam còn nhớ đến khiến tôi rất cảm động. Chính vì thế cảm thấy tự nặng lòng biết ơn Trịnh Công Sơn…”.

Những câu chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bà kể lại rành mạch, dù thời gian đã trôi xa, dù nay người còn người mất.

“Tôi sống ở Đà Lạt. Khi gặp gỡ, Trịnh Công Sơn bảo tôi về Sài Gòn hát, nhưng tôi từ chối. Năm 1967, tôi gặp lại Trịnh Công Sơn và ông lại rủ tôi đi hát. Lần này, tôi đi cùng ông. Hồi ấy, tôi chẳng có tiền mà mua cơm bụi. Ông Sơn mua một suất chia làm đôi để tôi được ấm lòng đi diễn…”, Khánh Ly nhớ lại; “Thời đó chỉ cần hát “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Biển nhớ”… là khán giả thích, họ không đòi hỏi gì nhiều.

Không có ông Sơn, tôi cũng như ca sĩ thường thôi. Người ta yêu tôi vì yêu âm nhạc của ông Sơn. Trong thâm tâm tôi luôn hãnh diện vì được hát nhạc của ông. Lúc nào tôi cũng tôn thờ ông Sơn, không ai thay thế được. Tôi chỉ thuần phục một người, Đó là Trịnh Công Sơn. Không bao giờ hối tiếc”.

Về mối lương duyên với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly luôn quả quyết rằng: “Người ta nói không bao giờ có tình bạn giữa người đàn ông với người đàn bà, điều đó cũng đúng. Khó lắm.

Với Trịnh Công Sơn, hỏi tôi có yêu ông không? Có yêu chứ, nói không yêu là không có lý đâu bởi với một người tài hoa, đẹp trai, nho nhã, dáng cao gầy, cặp mắt kính, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, răng khểnh, tóc bồng bềnh như thế, không có lý do gì để không yêu…

Nhưng tôi biết một điều ông Sơn không phải của mình đâu. Có thể ông Sơn cũng yêu tôi nhưng không nói được. Nhưng ông Sơn yêu nhiều người lắm…”.

Tình duyên còn lại chữ này…

Sở hữu giọng ca lạ, có vẻ liêu trai, song cuộc sống riêng tư của Khánh Ly cũng rất truân chuyên.

Bà không giấu giếm về sự đổ vỡ đầu tiên trong hôn nhân: “Tôi một mình. Những điều người ta mừng cho tôi lại chính là những điều tôi không màng tới. Hoàn cảnh đưa đẩy tôi trong lúc bơ vơ không nơi nương tựa.

Khi đã... liều mắt đưa chân, thì là cùng đường. Gập ghềnh trắc trở, đổ vỡ là chuyện không thể tránh. Nó cứ từ từ tan ra trong sự không chung thủy của cả hai người. Tôi không hề hối hận với sự chia tay từ từ, kéo dài tới ba năm.

Rất nhiều năm sau, khi con trai đã có gia đình hỏi... mẹ có yêu bố con không... Không... Câu trả lời bật ra nhanh như nó đã nằm sẵn đâu đó mà từ lâu lắm rồi tôi không để ý. Đó là một lỗi lầm thời thơ dại và tôi đã phải trả giá không rẻ. Nhưng dẫu sao, tôi cũng có được hai đứa con”.

Người chồng thứ hai của ca sĩ Khánh Ly là Mai Bá Trác. Họ có một người con gái đặt tên Mai Mai Misa. Đáng tiếc, năm 1972, duyên nợ giữa hai người cũng chấm dứt…

Sau 1975, Khánh Ly sang Mỹ sinh sống, “chỉ 10 bài hát của ông Sơn tôi nuôi được mình, nuôi được con, có gia đình, nhà cửa đàng hoàng”. Và cũng trong thời gian này, Khánh Ly gặp ký giả Nguyễn Hoàng Đoan.

“Anh là người tôi gặp từ hồi còn ở Việt Nam nhưng chỉ là bạn bè bình thường. Lần gặp lại, chúng tôi cũng chỉ như hai người đồng hương, đồng ngữ mà thôi.

Một thời gian sau, anh đề nghị với tôi: “Ở đây anh không có gia đình, em cũng không có gia đình. Em nghĩ sao nếu chúng mình kết hợp với nhau thành một gia đình?”. Vậy là Khánh Ly gật đầu.

“Hồi tôi lấy anh Đoan, gia đình tôi chẳng ai ủng hộ. Ông Trịnh Công Sơn cũng vậy, viết thư trách tôi: Bộ em hết người để lấy rồi hay sao?” - Khánh Ly kể.

Sau này, anh Đoan có nhắc chuyện này, ông Sơn cười: “Đến bây giờ tôi mới hiểu có những chuyện mà chỉ Nguyễn Hoàng Đoan làm được cho Khánh Ly thôi”.

Với Khánh Ly, điều quan trọng với bà là gia đình sau khi rời sân khấu. “Gia tài cuối cùng của một người đàn bà chính là những đứa con. Chồng có thể bỏ mình vì một triệu lý do. Các con thì không… Đến bây giờ tôi không còn mong ước gì hơn. Ngay bây giờ nếu không còn hát được nữa tôi cũng xin chắp tay lạy tạ cuộc đời và mọi người ở nơi tôi đã bắt đầu và đã trở lại…” - Khánh Ly chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ca-si-khanh-ly-khanh-ky-yeu-ly-20200329183345709.html