Ca sĩ Tân Nhàn: 'Níu dải lụa đào'

Tân Nhàn vừa cho ra album Níu dải lụa đào tuyển chọn những bài chèo, xẩm, quan họ, chầu văn theo lối cổ với dàn nhạc truyền thống. Đặc biệt cô sẽ phát không album này cho khán giả. Tân Nhàn còn tiếp tục cuộc chơi dài hơi với âm nhạc dân tộc bằng chương trình hòa nhạc cùng dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc vào tháng 2/2019. Cô hiện là Phó khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đang làm nghiên cứu sinh.

Tân Nhàn song ca Ngồi buồn mẹ ta xưa cùng NSƯT chèo Đình Cương (Thái Bình) trong album mới Ảnh: Hòa Nguyễn

Vì sao Tân Nhàn quyết tâm tìm về cội nguồn của âm nhạc dân gian?
Tìm về với những gì thuộc về truyền thống là xu hướng chung trên thế giới hiện nay. Nghệ thuật truyền thống góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của đất nước, nói đến Trung Quốc người ta nghĩ ngay đến kinh kịch chẳng hạn. Tại sao Việt Nam rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống lại ít được nhắc đến? Tôi ước gì khi thế giới nghe quan họ, chèo, xẩm, hát then… sẽ biết đấy là Việt Nam.

Niềm đam mê âm nhạc truyền thống đã có trong tôi từ rất lâu. Từ năm 2013, tôi nung nấu hát nguyên bản những bài ca, làn điệu cổ. Tuy nhiên, để hát được như các nghệ nhân thì rất khó, nên sau nhiều năm tập luyện, bây giờ Tân Nhàn mới tự tin ra album. Tên gọi Níu dải lụa đào tượng trưng cho sự mềm mại, rất Việt Nam, cũng là hình ảnh ẩn dụ nói lên việc Tân Nhàn đang muốn níu giữ truyền thống.

Tại sao bạn lại quyết định phát không sản phẩm tâm huyết của mình?
Níu dải lụa đào sẽ không bán mà dành tặng khán giả cả nước, những ai yêu âm nhạc truyền thống và yêu Tân Nhàn. Tân Nhàn muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống đến khán giả, xây dựng một giá trị cộng đồng. Những người được tặng đĩa nếu có lòng hảo tâm có thể cùng Tân Nhàn đóng góp vào quỹ từ thiện của CLB Ngôi Sao Nhỏ, giúp đỡ những em nhỏ tài năng có hoàn cảnh khó khăn…

Tôi đã nhận được rất nhiều từ khán giả, từ tổ nghiệp, tổ tiên… nên tôi mong muốn làm được điều gì đó có ích cho cộng đồng. Hiện tại, tôi đã in 5.000 đĩa, nếu khán giả muốn nghe nhiều hơn, tôi sẽ in thêm, bao nhiêu người muốn nghe, Tân Nhàn sẽ in bấy nhiêu. Đây cũng là dịp để “đo” sự quan tâm của khán giả với nghệ thuật truyền thống. Nếu khán giả mặn mà, tôi tin sau tôi sẽ có những nghệ sĩ sẵn sàng làm những dự án giống tôi, góp phần giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống. Đó cũng là trách nhiệm của nghệ sĩ đối với thế hệ mai sau.

Gia đình nói sao về hoạt động cộng đồng có thể sẽ rất tốn kém này của bạn?
Mọi người rất ủng hộ. Ở nhà, thấy chồng tôi ngân nga làn điệu chèo, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi nghĩ, hóa ra mình đã truyền được cảm hứng cho người ở bên cạnh- tưởng như là “cứng” nhất vì anh hát opera. Tôi càng hy vọng dự án sẽ được lan tỏa. Suốt khoảng thời gian đi tìm các nghệ nhân để học hỏi, chồng tôi luôn là người đồng hành, sẵn sàng chờ đợi từ sáng tới khuya nhiều ngày trong khi học mà không kêu than nửa lời. Tân Nhàn đã có hậu phương vững chắc, gia đình yên ấm, ông xã luôn ủng hộ sự nghiệp của vợ. Tân Nhàn cảm thấy rất hạnh phúc.

Hình ảnh Tân Nhàn “níu giải lụa đào” Ảnh: NVCC

Âm nhạc trong Níu dải lụa đào gần với truyền thống đến mức nào?
Album gồm những làn điệu, bài ca được hát theo nguyên mẫu chứ không phải cổ hoàn toàn. Tân Nhàn có cuộc dạo chơi với âm nhạc truyền thống từ 2013 với album Yếm đào xuống phố, với những làn điệu chèo trên nền nhạc jazz đã dấy lên những ý kiến trái chiều. Điều đó thôi thúc Tân Nhàn thực hiện album hát nguyên mẫu như Níu dải lụa đào. Và tới đây, là hát nhạc truyền thống với dàn nhạc giao hưởng.

Loại hình âm nhạc truyền thống nào trong đĩa làm khó Tân Nhàn nhất?
Trong các làn điệu, quan họ là sự thử thách lớn nhất. Tân Nhàn nghe nhiều nhưng học chỉ một năm nay. Đặc biệt bài Lúng liếng có nhiều kỹ thuật nảy quá khó. Cũng là đẩy hơi như trong opera nhưng kết quả âm thanh lại hoàn toàn khác. Tân Nhàn cố gắng học rất nhiều mà bây giờ khi album ra mắt khán giả rồi, mới tự thấy mình hát giống các cụ một chút.

Ở cương vị giảng viên, Tân Nhàn sẽ đóng góp ra sao để phát huy âm nhạc truyền thống?
Tân Nhàn đã và đang đi sâu vào nghiên cứu, biên soạn những làn điệu, bài ca cổ một cách chỉn chu, bài bản để làm tài liệu tham khảo, học tập dành cho sinh viên, những ai yêu âm nhạc truyền thống. Có thể không làm được hết tất cả những gì tôi mơ ước, nhưng tôi tin những việc tôi đang làm sẽ là nguồn cảm hứng cho những bạn có niềm đam mê như tôi. Trong tương lai, họ sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng đó rộng hơn, không chỉ ở Học viện Âm nhạc Quốc gia mà còn tới các trường nghệ thuật trung ương và địa phương khác. Hiện nay, nghệ thuật truyền thống được quan tâm, các nghệ sĩ trẻ cũng đã chọn những bài nhạc truyền thống phối khí lại mới mẻ, đi thi đạt giải thưởng cao, được khán giả đón nhận. Nếu được đầu tư, tôi tin âm nhạc truyền thống sẽ được gìn giữ và lan tỏa rộng rãi tới nhiều khán giả trẻ hơn nữa.

“Trong một lần đi diễn cùng Tân Nhàn, tôi gợi ý kết hợp nhạc dân gian với âm nhạc giao hưởng, điện tử. Sau đó về nhà tôi nghĩ, mình dại rồi vì làm như thế khó quá, và quả nhiên sau đó làm Yếm đào xuống phố rất vất vả. Tân Nhàn còn đi xa hơn những gì mà mọi người thấy hiện giờ, sau Tết Nguyên đán, cô có một cuộc chơi với một dàn nhạc lớn, đa phong cách với nghệ thuật truyền thống. Nhiệm vụ Tân Nhàn giao phó có thể tôi cũng không làm được, có thể tôi sẽ bị chỉ trích sau dự án này, nhưng tôi thích sự mạo hiểm và rất khâm phục Tân Nhàn”.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

“Tôi nghĩ mình đang ở độ tuổi phù hợp để quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống. Hiện tại, tôi muốn xuất hiện với tư cách không phải một ca sĩ dòng dân gian mà là một người có sự tìm tòi và nghiên cứu sâu về âm nhạc truyền thống. Tôi sẵn sàng hát miễn phí ở các chương trình âm nhạc truyền thống, để góp sức nhỏ bé của mình cùng những người yêu nghệ thuật truyền thống chấn hưng di sản nghệ thuật quý giá của nước nhà”.
Ca sĩ Tân Nhàn

N.M.Hà (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/ca-si-tan-nhan-niu-dai-lua-dao-1358138.tpo