Ca sĩ Thụy Uyên và 'Giai điệu trái tim 5'

Thời gian gần đây, nữ ca sĩ Thụy Uyên được công chúng và báo giới biết đến bởi tấm lòng nhân ái và cả sự nhiệt tình của cô khi tổ chức cuộc thi hát 'Giai điệu trái tim' dành cho người khuyết tật. Cuộc thi không chỉ được đông đảo người khuyết tật yêu thích ca hát đăng ký tham gia mà còn nhận được sự cổ vũ, hưởng ứng của các mạnh thường quân và công chúng... Năm nay, Thụy Uyên tổ chức 'Giai điệu trái tim 5' ở hai nơi: Đà Lạt và TP.HCM…

Mười lăm năm trước, cô ca sĩ nhỏ nhắn và xinh đẹp Thụy Uyên từ Đoàn ca múa nhạc tỉnh Lâm Đồng về TP.HCM, muốn chen chân vào lĩnh vực ca hát. Nhưng rồi cuộc chơi quá khắc nghiệt, cô ca sĩ nhỏ một thân một mình, không người đỡ đầu nên cũng chỉ đi hát quẩn quanh ở các phòng trà.

Có lẽ những trải nghiệm, cảm nhận từ chuỗi ngày vất vả lao động nghệ thuật này mà khi đã là chủ nhân của một “phòng trà mini”, Thụy Uyên thực hiện ngay một ước mơ cô từng ấp ủ: Tạo sân chơi ca hát cho người khuyết tật. Thế là cô tự bỏ tiền túi và vận động vài người bạn thân có thiện chí để tổ chức cuộc thi Giai điệu trái tim lần 1-2014. Cuộc chơi thành công ngoài mong đợi với 60 thí sinh dự thi suốt một tháng. Sau đêm chung kết, Thụy Uyên sụt mất 4 kg nhưng điều cô hạnh phúc nhất là đã đem lại niềm vui, tiếng cười cho nhiều người khuyết tật.

Qua 4 lần tổ chức thành công, năm nay (2018) Thụy Uyên cũng đã muốn… lơ đi, một phần vì cảm thấy “đuối”, phần khác là đã trả mặt bằng “phòng trà mini” - không còn địa điểm để tổ chức... Nhưng rồi có quá nhiều cú điện thoại hoặc nhắn tin: “Chị Thụy Uyên ơi, chị tổ chức đi, cho chúng em thi hát với!”. Thụy Uyên bày tỏ: “Tình cảm của các bạn khuyết tật như thế, hỏi sao mình không “điên dại” để làm tiếp...”.

Quy mô cuộc thi

Vậy là cuộc thi Giai điệu trái tim lần 5 lại tiếp tục diễn ra, lần này quy mô hơn khi cô được sự ủng hộ nhiệt tình của các văn nghệ sĩ đồng hương nên quyết định tổ chức ở cả hai nơi: Đà Lạt (từ ngày 16-22/4 tại phòng trà Hạ Trắng, số 15 Lê Đại Hành, phường 3, TP.Đà Lạt), và tại TP.HCM... Cũng cần nói thêm, để có được quy mô cuộc thi như thế, Thụy Uyên đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, mỗi người góp một chút hiện vật, hiện kim (quà tặng cho thí sinh, tiền mặt hoặc các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia biểu diễn hoặc làm giám khảo không nhận cát-sê thù lao)… Đặc biệt, doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi ủng hộ 50 triệu đồng (ở Giai điệu trái tim lần 2 và lần 3 - 2015, 2016, doanh nghiệp này cũng đã ủng hộ hơn 100 triệu đồng).

Tuy cuộc thi ở Đà Lạt chỉ gói gọn với 50 thí sinh nhưng Thụy Uyên tổ chức khá bài bản. Cô vận động các nghệ sĩ bạn bè tiếp sức cho mình, chẳng hạn trước mỗi vòng thi, Thụy Uyên mời ca sĩ - giảng viên thanh nhạc Trần Hạnh cùng với mình tập hát cho các thí sinh. Tham gia vào ban giám khảo còn có: Nhạc sĩ Nguyễn Tánh (nguyên Trưởng phòng VHNT, Sở VHTT Lâm Đồng ), nhạc sĩ - họa sĩ Lê Huy Cầm, ca sĩ Quốc Quân, nhạc sĩ Cao Nguyên (Phó Ban Văn nghệ, Đài truyền hình Lâm Đồng), MC: Nguyễn Thụy Minh Hương và 2 ca sĩ khách mời Quỳnh Duyên, Ngọc Dung… Đặc biệt, Thụy Uyên được sự hỗ trợ tích cực của chị Lê Thị Minh Yêm (Phó hội trưởng Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng), chị Minh Yêm bị khuyết tật ở chân, vừa là thí sinh dự thi đồng thời cũng là người hỗ trợ thông tin đến các thí sinh và giúp chăm sóc các bạn khuyết tật từ các huyện lên TP.Đà Lạt dự thi… Ở đây, sẽ có 2 vòng sơ khảo và 1 vòng bán kết… các thí sinh vượt qua vòng này sẽ được đài thọ về TP.HCM dự vòng chung kết và trao giải.

Tại TP.HCM, chương trình sẽ bắt đầu vào ngày 7-18/5 tại sân khấu KASA (số 1 Đồng Nai, Q.10) với 2 vòng sơ khảo, 1 vòng bán kết, 1 vòng chung kết + gala trao giải. Ở đây cũng có 50 thí sinh tham gia cuộc thi. Ban giám khảo gồm: Nhạc sĩ - Đại tá Võ Công Phước (Trưởng đoàn ca múa nhạc Quân khu 7), ca sĩ Đức Minh (khuyết tật), thạc sĩ thanh nhạc Lý Hoàng Kim, ca sĩ Huỳnh Lợi (giải 3 Tiếng hát Truyền hình TP.HCM 1998), nhạc sĩ Trần Quảng Nam và một nhà báo (báo Người Tiêu Dùng), ban nhạc Vũ Công Minh (organ, guitar, trống), MC Nguyễn Tuấn, âm thanh ánh sáng Nguyễn Huỳnh Yên Lam…

Ca sĩ Thụy Uyên và một số hình ảnh “Giai điệu trái tim lần 4-2017.

Ban giám khảo: Giảng viên thanh nhạc - ca sĩ Lý Hoàng Kim, nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương, nhà báo - nhạc sĩ Quỳnh Lệ và nhạc sĩ Trần Quảng Nam (giơ bảng điểm).

Chăm lo cho thí sinh

Đa số thí sinh đều ở TP.HCM, tuy nhiên vẫn có một số đến từ các tỉnh thành khác hoặc các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận (Long An, Đồng Nai, Bình Dương...). Ca sĩ Thụy Uyên cho biết cô đã có ý định mướn khách sạn cho các thí sinh ở xa về trọ, nhưng do hầu hết họ là người khiếm thị nên rất ngại ở khách sạn (nhất là phái nữ), thế nên Thụy Uyên phải sắp xếp cho họ ăn ngủ ngay tại nhà của mình. Điều trở ngại không ít cho hầu hết các thí sinh: Với người khiếm thị thì cần có người dẫn dắt, với người bị bại liệt (phải ngồi xe lăn) phải có một lực lượng sẵn sàng túc trực để “bồng ẵm, bưng bê”… cả từ nhà riêng của Thụy Uyên đến nơi tập luyện, thi hát. Vậy nên ban kỹ thuật của cuộc thi với các bạn Viết Trấn, Hoàng Minh Hoan, Khôi Nguyễn Lê Tiến ngoài công việc quay phim , chụp hình, dựng video... còn kiêm luôn việc giúp đỡ các thí sinh khi cần thiết. Đặc biệt, ngoài các giải thưởng đã được cơ cấu, tất cả các thí sinh tham gia cuộc thi đều có quà tặng.

Những bạn khuyết tật đến với Giai điệu trái tim lần 5 của Thụy Uyên mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai nhưng đa phần là dân tỉnh lẻ về ngụ cư ở TP.HCM (hoặc ở các huyện miền núi của tỉnh Lâm Đồng) với muôn vàn công việc không tên, tất cả đều có chung một niềm đam mê ca hát, muốn hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Nhiều người rất ủng hộ cách làm này. Hoàng Thị Cẩm Thúy (Nghệ An) bày tỏ: “Giai điệu trái tim là chương trình bổ ích dành cho người khuyết tật. Từ chương trình này, người khuyết tật có thể thỏa sức bộc lộ những năng khiếu và đam mê của mình. Họ hát bằng trái tim chân thành, bằng những tình cảm mà họ tự cảm nhận được trong cuộc sống. Qua chương trình này mình không thể không nhắc tới chị Thụy Uyên - người góp công lao rất lớn để tạo nên cuộc thi giúp cho người khuyết tật thêm điều kiện để tỏa sáng bằng tình cảm và chính tài năng của họ”.

Thụy Uyên tâm sự: “Tôi nghĩ, với những nhu cầu tinh thần có thực của các bạn khuyết tật, nếu ai thông cảm với họ thì cũng sẽ hành động như tôi thôi. Tôi mong sao nhiều nơi biết đến mô hình cuộc thi như thế này để tạo thêm nhiều sân chơi tương tự cho các bạn khuyết tật. Sau 5 năm gầy dựng chương trình, tôi có nguyện vọng lớn hơn, nếu cuộc thi được sự tài trợ và ủng hộ nhiều hơn, tôi mong ước được mở rộng quy mô cuộc thi, có thể là toàn miền Nam vào năm sau. Bởi năm nay tôi đã thực hiện được ở hai nơi và cũng có khá nhiều thí sinh từ các tỉnh thành lân cận đến tham dự.

H.Đ.N - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/ca-si-thuy-uyen-va-giai-dieu-trai-tim-5-d66793.html