Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi đi lên từ những điều bình dị trong cuộc sống

10 năm làm nghề, với những gì Vũ Thắng Lợi đã nỗ lực và cống hiến đủ để anh có một cái tên vững vàng trong đời sống âm nhạc.

- Chúc mừng Vũ Thắng Lợi với live show đầu tiên kỷ niệm 10 năm ca hát. Anh sẽ mang đến những gì cho khán giả trong live show "Khát vọng" diễn ra vào ngày 21 tới, tại Hà Nội?

+ "Khát vọng" là Live concert đánh dấu 10 năm ca hát - một quãng đường làm nghề tuy chưa dài nhưng cũng đạt được khá nhiều thành tựu của tôi. Tôi là một chiến sĩ, nghệ sĩ được đào tạo dưới mái trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đã cống hiến trong quân đội hơn 10 năm nay. Đêm nhạc gồm hơn 20 ca khúc đi cùng năm tháng và cả những sáng tác mới gần đây.

Nhạc sỹ Hồng Kiên và tôi đã mất khá nhiều thời gian để chọn lọc những bài hát phù hợp, xuyên suốt được nội dung cũng như màu sắc âm nhạc, tạo thành sợi dây gắn kết chương trình từ đầu đến cuối. Nhiều người hỏi vì sao tôi chọn dòng nhạc kén người nghe, nhưng tôi nghĩ, dòng nhạc đã chọn tôi và nó đã chọn đúng người. Tôi là người chung thủy và đam mê. Hai thứ đó cộng hưởng với nhau tạo nên sự thành công mà tôi có được ngày hôm nay.

- 10 năm làm nghề, anh đã có một live show riêng, trong khi đó, có nhiều nghệ sĩ phải mất đến 20 năm, thậm chí 50 năm. Anh có nghĩ là mình may mắn?

+ 10 năm không phải là dài đối với những người làm nghệ thuật, nhưng 10 năm cũng không phải là ngắn. Dân gian vẫn nói, "thầy già con hát trẻ", không biết lúc nào mình sẽ không hát được nữa. Với tôi, 10 năm là một dấu mốc, tôi có tuổi trẻ, có những trải nghiệm và có khát vọng được cống hiến.

Không ai sống hai lần tuổi trẻ, hãy đam mê, cố gắng, phấn đấu khi mình có thể. Không ai biết được 10 năm nữa mình sẽ hát thế nào. Nhiều người sống trong cái danh của mình quá lâu, hát không còn hay nữa nhưng họ vẫn hát. Tôi ít khi hài lòng với bản thân, nếu hôm nào hát không hay tôi day dứt cả đêm. Tôi quan niệm, hát hay là phải nghe được chính mình.

Nếu một ngày nào đó, tôi cảm thấy mình hát không còn hay tôi sẽ dừng lại, đấy mới là lòng tự trọng với nghề. Vì thế, bây giờ, đang có tuổi trẻ và đam mê, tôi muốn làm điều gì đó. Tôi hy vọng qua live show này, khán giả và giới làm nghề ghi nhận những nỗ lực của mình, đó là niềm tự hào.

Các nghệ sĩ đồng hành cùng Vũ Thắng Lợi trong live show "Khát vọng".

- Anh đang đi lại con đường mà cách đây nhiều năm, ca sĩ Trọng Tấn đã đi và rất thành công. Anh có sợ mình sẽ trở thành cái bóng của Trọng Tấn?

+ Tài năng và sự thành công của ca sĩ Trọng Tấn không phải ai cũng có thể đạt được. Nhưng mỗi người có một con đường đi riêng. Tôi coi mình là viên gạch tiếp nối trên con đường âm nhạc, để gìn giữ và lan tỏa giá trị của những bài hát truyền thống. Tôi muốn chinh phục nhiều khán giả trẻ hơn.

Âm nhạc của tôi là những bài hát cũ nhưng tôi hát theo phong cách mới, hơi thở mới, gần với đời sống hôm nay. Tôi hát về chiến tranh nhưng không hô hào mà hát bằng sự tri ân các thế hệ cha anh. Cách hát của tôi gần gũi, đời thường chứ không nặng nề.

Những bài hát mà chúng ta vẫn gọi là nhạc đỏ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó, tôi hát cho những người trẻ, giúp họ hiểu những giá trị cuộc sống, biết trân trọng cuộc sống và yêu thương con người, yêu đất nước mình hơn. Chính vì thế, tôi đặt tên live show là "Khát vọng".

Vũ Thắng Lợi trong màu áo lính.

- 10 năm để có một cái tên Vũ Thắng Lợi trong thị trường âm nhạc chắc hẳn là một hành trình không dễ dàng?

+ Tôi ra Hà Nội một mình, lầm lũi đi học, lầm lũi tham gia các cuộc thi. Gia đình tôi không ai làm nghệ thuật, không có điều kiện kinh tế. Nhưng điều đó giúp tôi có ý chí, quyết tâm hơn, người xứ Nghệ "tay không bắt giặc" mà. Tôi tham gia rất nhiều cuộc thi, năm 2008, tôi dành giải nhất Giọng hát hay Hà Nội.

Chưa đủ, tôi miệt mài đi thi Sao Mai, trượt lên trượt xuống, đến lần thứ 3 phải đi vòng vào Quãng Ngãi để thi. Đó là năm 2011, tôi đầu quân vào Đoàn Ca múa nhạc của Quân đội rồi mà vẫn miệt mài đi ôn thi, tìm thầy "tầm sư học đạo", vẫn tâm huyết, đau đáu muốn làm điều gì đó. Nhiều ca sĩ về đoàn là an phận lĩnh lương và đi hát, còn tôi, trời sinh ra mình như thế, luôn khao khát làm một điều gì đó.

Năm 2011, tôi dành giải Nhì cuộc thi Sao mai, dòng nhạc thính phòng cổ điển. Hồi đó tôi đi làm lương không đủ tiền thuê nhà, phải bán cây đàn piano để trả tiền nhà. Đó là quãng thời gian cực kỳ khó khăn, đến bây giờ tôi nhớ từng ngày, từng tháng, từng sự kiện xảy ra.

- Khó khăn, vất vả thế nhưng anh chưa bao giờ ngừng hát?

+ Với âm nhạc, tôi nghĩ cứ yêu và đam mê rồi mọi thứ sẽ đến. Âm nhạc luôn sống trong tâm hồn mình vì thế. Ngay cả những lúc khó khăn nhất, âm nhạc cũng chưa bao giờ rời bỏ tôi. Bây giờ, nhiều người nhầm tưởng lên sân khấu hát vài bài là thành ca sĩ.

Hát như thế nào để chạm tới trái tim khán giả mới quan trọng. Tôi luôn nghĩ, mình phải làm được gì cho nghề. Như NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ là những tượng đài trong đời sống âm nhạc. Những giá trị họ để lại không thể quy ra bao nhiêu tiền, bao nhiêu show được.

Có những người nhiều tiền hơn tôi, nổi tiếng hơn tôi, cát xê gấp 3-4 lần tôi nhưng họ không làm được những điều tưởng như bình thường nhất. Tôi tự hào khi mình được mang màu áo lính, được đi qua nhiều vùng miền, hát cho đồng bào miền núi xa xôi. Có những nơi, hàng trăm người đến nghe chỉ 20 người biết tiếng Kinh, họ thích xem múa hơn nghe hát. Rồi tôi được ra Trường Sa hát cho lính đảo nghe. Cả một tuổi trẻ cống hiến không tiền nào mua được.

- Cái tâm thế làm nghề dấn thân đó bây giờ liệu có nhiều ở những người trẻ không?

+ Các bạn trẻ bây giờ sợ vất vả, họ thích những chỗ hào quang, lấp lánh. Các bạn không hiểu rằng, âm nhạc đi ra từ cuộc sống bình thường nhất. Hát về hạt lúa, củ khoai mình phải biết hạt lúa, củ khoai được làm từ đâu. Phải đi mới hiểu được, mới thấm hết những điều bình dị của cuộc sống, chính những trải nghiệm đó mang đến cho mình vốn sống, cảm xúc.

Có những ngôi sao đi lên từ nhân dân. Tôi chọn con đường đi lên từ cuộc sống, từ những điều bình dị. Tôi không hợp với hào nhoáng, ồn ào. Nhưng bù lại, tôi có cuộc sống bình yên trong gia đình. Mỗi sáng mai thức dậy, tôi vẫn vào phòng chào bố mẹ rồi đi làm. Những giá trị đời thường đó không phải ai cũng giữ được.

Bây giờ có quá nhiều cuộc thi, game show, sự nở rộ đó làm hỏng ca sĩ. Họ được giải và ngủ quên trên chiến thắng, họ ngợp trong ánh hào quang, ra đường cứ nghĩ mình là minh tinh màn bạc. Nhưng cuộc thi này chưa hết đã có cuộc thi khác đến. Sẽ không ai nhớ bạn nếu bạn không lao động.

Hồi tôi mới được giải nhì Sao mai tôi cũng rơi vào tình trạng đó. Nhưng tôi tỉnh ngay vì bên cạnh tôi có những người bạn, người anh đã cho tôi lời khuyên đúng. Tôi biết có những người có tố chất, nếu đi đúng đường, đúng hướng, gặp thầy tốt họ sẽ có nhiều cơ hội cống hiến trong âm nhạc và được khán giả biết đến. Nhưng rất tiếc, họ đã không làm được điều đó.

- Anh có nghĩ, môi trường quân đội sẽ hạn chế anh tiếp cận rộng rãi với công chúng?

+ Môi trường quân đội cũng có những hạn chế nhất định, nhưng nó lại cho tôi những cơ hội cống hiến phù hợp với con đường tôi chọn. Cuộc sống trong quân ngũ cho tôi sự ổn định. Ngoài kia thế giới mênh mông nhưng cũng nhiều cạm bẫy, tôi không phải là người khôn ngoan, biết diễn để có thể biến hóa, thích nghi.

Trong thời gian tới, tôi sẽ có những thay đổi theo kiểu của mình, mang màu sắc mới mẻ đến trong từng bài hát và làm cho nó sang hơn. Âm nhạc tôi theo đuổi cũng như một cái cây, lâu cho ra quả nhưng sẽ cắm rễ sâu trong lòng đất, bền bỉ qua mưa nắng. Còn cây thời vụ, trồng một thời gian ngắn người ta sẽ nhổ đi, thay bằng cây mới. Tôi tự hào khi mình có một lượng fan trẻ, thế hệ 9x, có thể họ nhìn thấy ở tôi sự tươi mới, sức trẻ.

- Anh là một nghệ sĩ trẻ mang trong mình nhiều khát vọng cống hiến. Vậy làm thế nào để anh cân bằng giữa cuộc sống đời thường và sân khấu?

+ Tôi vẫn muốn nhắc lại câu nói, rằng không ai sống hai lần tuổi trẻ. Tuổi trẻ đi qua nhìn lại sẽ tiếc khi mình không làm được gì với âm nhạc. Tôi nghĩ phải làm, có thể nợ, có thể vay ngân hàng nhưng phải làm những gì mình có thể. Có những người gắn cuộc đời mình với sân khấu, với tiếng hát và cuộc sống của họ, sau ánh hào quang sân khấu là bi kịch, là nỗi buồn.

Tôi may mắn là người tỉnh táo, phân định rõ ràng cuộc sống đời thường và sân khấu. Vốn sống của tôi là những điều mình đã đi qua, tuổi thơ hàn vi và những nhọc nhằn, cay đắng trong quá khứ. Tôi không bao giờ cho phép mình quên. Rồi những chuyến đi, những trải nghiệm với bà con ở các vùng miền. Còn cảm xúc hiện tại là sự bình yên, an nhiên, điều đó giúp tôi bình tĩnh làm nghề.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Lan Tường (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-hot/ca-si-vu-thang-loi-toi-di-len-tu-nhung-dieu-binh-di-trong-cuoc-song-523317/