Cả thanh xuân chờ hết tiết, trưởng thành lại ước ao giờ học dài thêm

Nhiều người, trong đó có tác giả bài viết, từng dành cả thanh xuân để chờ giờ tan trường, nhưng khi trưởng thành lại ước ao giá như giờ học dài thêm một chút nữa.

Mấy hôm nay lướt mạng, tôi thấy nhiều người trẻ trẻ nhắc về kỷ niệm tuổi học trò. Chợt nhận ra trời đã vào tháng 5, hoa phượng nở đỏ rực cả góc trời. Và một mùa bế giảng nữa lại đến.

Mùa hè chói chang 10 năm trước, tôi là thiếu nữ 18 tuổi đang chắt chiu từng khát vọng trở thành cô sinh viên trường Báo.

Tôi háo hức mỗi lúc nghĩ về những gì đang chờ đợi trong tháng rộng năm dài ở phía trước, nhưng vẫn không khỏi thấy lòng nặng trĩu khi phải nói lời tạm biệt với một thời tuổi trẻ sôi nổi.

Tháng năm rực rỡ của học trò là những ngày được mặc đồng phục, học cùng nhau dưới một mái trường. Ảnh: Hiệu Nguyễn.

Tháng năm rực rỡ của học trò là những ngày được mặc đồng phục, học cùng nhau dưới một mái trường. Ảnh: Hiệu Nguyễn.

Như cơn say nắng, như mối tình đầu, ba năm cấp 3 của tôi đến và đi rất vội, để lại những cảm xúc trong trẻo, tinh khôi nhất trong đời.

Tôi nhớ chính mình của những năm tháng chẳng có gì ngoài thời gian rộng dài: Hối hả chạy đến lớp vì sợ muộn học, giả bộ chống tay như tập trung nghe giảng nhưng thực chất ngủ gà gật vì nhàm chán, hét ầm lên khi được nghỉ học đột xuất, hay thức đêm cuống cuồng ôn thi vì trước đó trót lười biếng...

Sau này, tôi nhận ra đó mãi là khoảng thời gian tươi đẹp nhất mà nếu có tấm vé du hành về quá khứ, đó chắc chắn là điểm dừng chân đầu tiên.

Thời gian không trở lại

'Thanh xuân trôi qua giống như một cơn mưa rào. Dù từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”.

Lần đầu nghe câu nói đó trong bộ phim You Are the Apple of My Eye, đứa học sinh lớp 11 là tôi, khi ấy chẳng mấy ấn tượng bởi mọi buồn phiền, tiếc nuối đã dành hết cho mối tình không trọn vẹn của Thẩm Giai Nghi và Kha Cảnh Đằng.

Thậm chí, tôi còn thấy hơi “sến” vì có đứa học sinh nào lại mong chuỗi ngày “phải” đặt xung quanh người 3 cái báo thức để ép mình dậy từ 6h sáng, chuẩn bị đủ thứ rồi cuống cuồng đạp xe đi học cho kịp trước giờ truy bài đâu?

Đấy là chưa kể hôm nào có hai tiết Văn liền kề mới thấy cái “sự học” thật ngán ngẩm. Đã thế, cô mà xin thêm 5 phút ra chơi để giảng nốt bài thì “xác định”.

Mỗi tiết học 45 phút mà sao dài lê thê, cứ chốc chốc lại hướng mắt lên nhìn đồng hồ, rồi thẫn thờ suy nghĩ xem còn bao nhiêu lâu nữa thì được “bung lụa”.

“Mấy giờ được ra chơi?”, “bao giờ hết tiết ý nhỉ?”... là những câu tôi và mấy đứa bạn ngồi cạnh ngày nào cũng hỏi nhau không biết chán. Đôi khi, lớp mới vào học được tầm 10 phút, chúng tôi đã quay ra hỏi nhau như một cách “giết thời gian”.

Để nhớ hết mốc được nghỉ giữa các tiết học, tôi ghi hết ra bìa vở, trong khi nhỏ Nhung ngồi kế bên dán trên mặt bàn, còn “tâm huyết” dán thêm băng dính lên trên để giấy không bị rách. Đó là những tấm "bùa hộ mệnh" phần nào giúp chúng tôi có niềm tin vượt qua những giờ học dài tưởng như cả thế kỷ.

Những giây phút hồn nhiên của tuổi học trò sẽ không kéo dài mãi mãi. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trừ hội “con ngoan trò giỏi”, hầu như đứa học sinh nào cũng mắc một “căn bệnh” rất lạ. Trong giờ học, ai cũng gà gật, đầu óc vắt vẻo trên mây và chẳng tiếp thu được mấy kiến thức vào đầu.

Vậy mà ngay khi “tiếng trống thần thánh” báo giờ ra chơi vang lên, đứa nào đứa đấy mặt tỉnh như sáo, chạy ngay ra “thiên đường ăn vặt” trước cổng trường ăn vội cốc sữa chua, gói ô mai, túi xoài dầm… hay tranh thủ gục xuống bàn chợp mắt.

Cứ thế, những mùa hè sôi động trôi đi rất nhanh, rồi năm cuối cấp cũng đến. Chúng tôi chẳng còn dám ham chơi hay bày trò, mà lao vào học từ sáng đến tối để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời.

Một ngày, ngước lên thấy hoa phượng đỏ rực góc sân trường, tôi mới chợt nhận ra tháng ngày học sinh của mình sắp kết thúc. Những ngày cuối cùng ấy, đứa học trò nào cũng chỉ mong tiết học dài thêm một chút để nghe cô thầy giảng thêm vài câu, để cùng đám bạn chuyện trò với nhau lâu hơn chút nữa.

Hóa ra, chúng tôi đã dành cả thanh xuân của mình chỉ để đếm từng giây, từng phút đến giờ ra chơi hay tan học. Để rồi mùa hè năm 18 tuổi, đứa nào cũng bật khóc nuối tiếc thời gian trôi đi không trở lại.

Những mùa hè không mãi mãi

Trong đời người, 1.000 ngày không dài, nhưng đó là cả bầu trời tuổi trẻ mang ước mơ, hoài bão, tiếng cười đùa vô tư, cãi nhau chí chóe, giận hờn vu vơ hay những lời chưa dám ngỏ.

Lễ bế giảng là hồi kết cho năm tháng cuối cấp mà tôi từng nghĩ dài cả thế kỷ. Giờ có đánh đổi bằng giá nào, chúng tôi cũng không thể sống lại những giây phút “thót tim” mỗi khi cô kiểm tra bài cũ, hồi hộp chờ đề kiểm tra học kỳ có trúng tủ hay lén lút ăn vặt trong giờ học…

Dưới bầu trời đầy nắng của năm ấy, tôi và đám con gái mặc kệ nước mắt nhòe đi lớp make up mất công dậy từ sáng sớm tô điểm. Chẳng còn chút e dè, ngại ngùng giữa nam và nữ, chúng tôi cứ thế nắm tay nhau thật chặt, đồng thanh hô lớn: “Đỗ đại học nhé!”.

Hòa trong đó là những tiếng nấc nghẹn ngào, cái gạt tay lau vội giọt nước mắt lên trên má. Ước mơ ngày mai trong đám xuân xanh ấy sẽ là những nhà báo, bác sĩ, công an, giáo viên… của chúng tôi cứ thế bay cao, bay xa mãi.

Khi cánh cửa lớp khép lại, khoảng trời thanh xuân đầy nắng của chúng tôi cũng ở lại đó.

Thanh xuân trong nhiều người là sự hối tiếc. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chợt nhớ đến câu nói trong bộ phim học đường mình từng cho là cường điệu hóa, tôi mới tin tuổi thanh xuân trôi qua nhanh như cơn mưa rào, để rồi dù từng bị cảm lạnh, người ta cứ muốn tắm dưới những cơn mưa ấy mãi.

Dẫu biết rằng chẳng mùa hè nào là vĩnh cửu, vẫn có người muốn làm trái quy luật thời gian, nếu có thể.

Nhiều lần tôi từng mơ thấy mình trong lớp học cuối cấp ngày ấy.

Tôi thấy mình nằm dài trên chiếc bàn gỗ để "xả hơi" sau 2 tiết Văn "ác mộng". Nhìn sang bên cạnh, nhỏ Ngọc lớp trưởng mở sách Hóa - môn nó si mê hơn tất thảy - tranh thủ làm bài tập. Đám con gái tổ bên chia nhau gói tăm cay vừa nhấm nháp, vừa chí chóe bàn luận về MV mới ra của DBSK. Cuối lớp, mấy "choai choai" thi nhau vật tay, thỉnh thoảng cười ha hả.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, vẫn chỗ ngồi đó, vẫn là đám bạn của tôi, đều 18 tuổi, không thiếu một ai. Giấc mơ chân thực đến nỗi tôi nghe thấy cả tiếng quạt trần đều đều trên đầu và ngửa cổ lên quan sát, canh cánh sợ nó sẽ bất ngờ rụng xuống một ngày.

Khi tỉnh giấc, cảm giác trống trải, tiếc nuối cứ thế chiếm lấy tôi. Nhưng rồi tôi tự nhủ thanh xuân không chỉ để nhớ, mà còn để ta biết nuối tiếc những gì không mãi mãi và biết trân trọng hiện tại.

Xin mượn đoạn kết trong bài hát Mong Ước Kỷ Niệm Xưa thay ước muốn luôn mang trong lòng: "Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại. Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi và trong những kỷ niệm xưa...".

Cảm ơn tất cả đã cùng tôi đi qua một thời tuổi trẻ, đẹp đẽ, trong sáng và không thể nào quên!

Những ca khúc chia tay tuổi học trò lấy nước mắt học sinh, sinh viên Tạm biệt nhé, Mong ước kỷ niệm xưa, Mùa hè yêu thương,.. là những ca khúc khiến nhiều học sinh, sinh viên rơi nước mắt, bịn rịn khi phải rời xa mái trường trong ngày tốt nghiệp.

Thiên Nhi
Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ca-thanh-xuan-cho-het-tiet-truong-thanh-lai-uoc-ao-gio-hoc-dai-them-post944686.html