Cả thế giới vắng vẻ vì 'giãn cách', tại sao ga tàu Nhật Bản vẫn đông?

Dịch Covid-19 chỉ ra thực trạng doanh nghiệp và người lao động Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng thay đổi văn hóa dành hàng chục tiếng mỗi ngày nơi công sở và 'làm việc đến chết'.

Dù đại dịch đang hoành hành, dân công sở Nhật Bản vẫn chen chúc trên các chuyến tàu điện để đến nơi làm việc. Nhiều doanh nghiệp chưa chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa và tiếp tục yêu cầu nhân viên có mặt ở cơ quan.

“Sếp của tôi từng nói nếu công ty cho phép làm việc từ xa, nhân viên sẽ không tập trung, thậm chí có thể vừa say xỉn vừa làm việc”, Washington Post dẫn lời một nhân viên ngân hàng.

Theo người này, khách hàng không muốn làm việc trực tiếp nhưng nhân viên vẫn phải đến văn phòng trực điện thoại. “Sếp tôi cho rằng, nếu không đến làm việc, khách hàng sẽ nghĩ chúng tôi đang tranh thủ nghỉ ngơi. Niềm kiêu hãnh của người Nhật không cho phép điều này”.

Văn hóa làm việc truyền thống

Nhật Bản vốn nổi tiếng với văn hóa làm việc quá chăm chỉ. CNN dẫn số liệu từ một nghiên cứu của chính phủ năm 2016, 1/5 lực lượng lao động có nguy cơ làm việc đến chết. Nước này còn dành một từ riêng (karoshi) để chỉ tình trạng làm việc căng thẳng dẫn đến kiệt quệ.

 Người Nhật chen chúc trên tàu điện để đi làm trong thời dịch. Ảnh: Guardian.

Người Nhật chen chúc trên tàu điện để đi làm trong thời dịch. Ảnh: Guardian.

Văn hóa công sở của Nhật thường theo đuổi những giá trị mang tính truyền thống. Ví dụ, các công ty đánh giá hiệu quả làm việc dựa trên khoảng thời gian nhân viên có mặt ở văn phòng. Nhiều doanh nghiệp ở nước này không buồn thiết lập quy trình làm việc từ xa vì không tin tưởng nhân viên.

“Một số nhân viên sẽ ở lại công ty đến khuya vì nghĩ rằng ông chủ có thể quay lại kiểm tra. Đây là điều thường thấy trong nhiều doanh nghiệp tại Nhật Bản”, nhà kinh tế và chiến lược tài chính Jesper Koll cho hay.

Ngoài ra, văn hóa ra quyết định tập thể cũng khiến người Nhật không thể làm việc từ xa, theo Washington Post. Thông thường, nhân viên cần thảo luận với đồng nghiệp và báo cáo trực tiếp với lãnh đạo về bất cứ vấn đề gì.

Giáo sư kinh tế Hisakazu Kato của Đại học Meiji cho biết “Người Nhật không thể tự đưa ra quyết định riêng lẻ nên họ buộc phải đến cơ quan để cùng đưa ra quyết định chung”.

Văn hóa làm việc này đang ngăn cản những nỗ lực giãn cách xã hội của Nhật Bản, nơi có khoảng 80% doanh nghiệp không có khả năng cho nhân viên làm việc trực tuyến, theo dữ liệu của chính phủ năm 2019.

Rào cản về công nghệ

Ngoài ra, không có ứng dụng công nghệ hiệu quả cũng là một nguyên nhân khiến Nhật chưa thích ứng được với xu thế làm việc trực tuyến. Trái với hình ảnh của một quốc gia phát triển, Nhật đang tụt lại phía sau các nước phương Tây trong cuộc đua đầu tư công nghệ vì tư tưởng bảo thủ.

Văn hóa làm việc này đang ngăn cản những nỗ lực giãn cách xã hội của Nhật Bản. Ảnh: Washington Post.

Trên thực tế, phần lớn người Nhật không có máy tính xách tay và mạng wifi tại nhà trong khi nhiều công ty không có VPN (mạng riêng ảo) hỗ trợ người dùng truy cập từ xa. Ở Nhật, nhiều trường học bị đóng cửa nhưng không có nhiều học sinh được học trực tuyến.

Thêm vào đó, Nhật đang trải qua giai đoạn già hóa dân số với khoảng 1/4 tổng dân số có độ tuổi trên 65. Nhóm người này, bao gồm những người giữ chức vụ cao, thường không am hiểu về công nghệ. Ví dụ, bộ trưởng An ninh mạng 68 tuổi từng thừa nhận ông chưa bao giờ sử dụng máy tính trong công việc, theo Guardian.

Cơ hội để thay đổi

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Nhật đã có động thái kêu gọi các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa với khung thời gian linh hoạt. Tuy nhiên, các biện pháp thời dịch sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nan giải - thiếu hụt nhân lực - của Nhật.

LifeCorp, chuỗi siêu thị hàng đầu nước này, mới rút ngắn thời gian hoạt động trên toàn hệ thống. Kể từ 2/3, các siêu thị sẽ mở cửa muộn và đóng cửa sớm hơn lịch bình thường 1-2 tiếng. Sapporo Holdings, công ty cung cấp nước giải khát, khuyến khích 1.500 nhân viên, bao gồm bộ phận giao hàng và hậu cầu, làm việc tại nhà đến hết 13/3.

Theo Nikkei Asian Reviews, đại dịch cũng mang đến cơ hội thay đổi văn hóa làm việc của người Nhật và giải quyết những vấn đề tiêu cực liên quan như tình trạng tử vong do áp lực công việc.

Sửa đổi văn hóa công sở luôn là chủ đề được quan tâm ở nước này. Ảnh: Nikkei Asian Reviews.

Sửa đổi văn hóa công sở luôn là chủ đề được quan tâm ở nước này. Thống đốc thành phố TokyoYuriko Koike coi làm việc từ xa là một ưu tiên trong kế hoạch tầm nhìn về thành phố được công bố năm ngoái.

Mới đây, Bộ Lao động Nhật Bản cũng cung cấp khoản hỗ trợ lên tới 77.000 USD để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng với phương pháp làm việc từ xa. Theo phát ngôn viên Misaki Togoshi của Hiệp hội Làm việc Từ xa, đơn vị đã nhận được 25 đơn đăng ký yêu cầu hỗ trợ. “Tuy nhiên, kinh phí là có hạn nên không phải ai cũng nhận được”, ông Togoshi cho biết.

Trong nhiều năm qua, chính phủ Nhật Bản luôn khuyến khích chế độ làm việc linh hoạt. Chủ trương này thúc đẩy bình đẳng giới tại Nhật, giúp đàn ông và phụ nữ cân bằng công việc và cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, việc thực hành vẫn không mấy hiệu quả. Một khảo sát từng chỉ ra chỉ 19% doanh nghiệp chọn hình thức làm việc từ xa trong khi 8,5% nhân viên tham gia trả lời họ từng thực hiện phương pháp này.

Chuyên gia kinh tế Haruka Kazama của Viện nghiên cứu Mizuho nhận xét “khảo sát nói lên suy nghĩ làm việc từ xa không thực sự là làm việc vì bạn không thể hiện được ý chí và động cơ”.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-the-gioi-vang-ve-vi-gian-cach-tai-sao-ga-tau-nhat-ban-van-dong-post1069422.html