Cá thòi lòi đại chiến, mây vảy rồng vào top ảnh khoa học đẹp nhất

Hội Khoa học Hoàng gia Anh vừa công bố những bức ảnh khoa học đẹp nhất trong cuộc thi thường niên do hiệp hội tổ chức.

Bức ảnh "Những giọt lượng tử" của Tiến sĩ Aleks Labuda đã đạt giải nhất chung cuộc trong Cuộc thi Nhiếp ảnh của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh. Bức ảnh chụp những giọt dầu sillicon nảy liên tục trên một đĩa petri. Bức ảnh chứng minh cho thuyết biến ẩn trong cơ học lượng tử. Nhà vật lý người Pháp Louis de Broglie lần đầu tiên đưa ra thuyết này vào năm 1927. Ảnh: Royal Society.

Bức ảnh chụp một con cá hề giữa những xúc tu của một con hải quỳ của Morgan Bennett-Smith đã chiến thắng ở hạng mục ảnh sinh thái. Năm nay, cuộc thi "tôn vinh sức mạnh của nhiếp ảnh trong việc nắm bắt các hiện tượng khoa học" và công nhận rằng các hình ảnh có thể giúp ta dễ tiếp cận khoa học hơn. Ảnh: Royal Society.

Bức ảnh "Lốc xoáy ở Yukon" chụp một đám mây hình phễu ở Yukon, Canada. Hầu hết lốc xoáy đều được hình thành từ những đám mây như vậy. Bức ảnh đã đem về cho tác giả giải thưởng ở hạng mục ảnh khoa học Trái Đất. Ảnh: Royal Society.

Bức ảnh "Cuộc chiến của những con cá thòi lòi" đã đem lại cho tác giả Daniel Field giải thưởng ở hạng mục ảnh hành vi. Cá thòi lòi là một loài trong phân họ Cá bống trắng được tìm thấy ở những khu rừng ngập mặn ở Đông Nam Á. Bức ảnh được chụp tại vùng đầm lầy Mai Po, Hong Kong. Ảnh: Royal Society.

"Quầng sáng" của tác giả Mikhail Kapychka đã đạt giải ở hạng mục ảnh thiên văn. "Tôi đột nhiên nhìn thấy một vầng trăng bất thường trên bầu trời đêm và vội vã vào rừng để chụp nó", tác giả nói. Một quầng sáng chỉ được hình thành khi có nhiều yếu tố kết hợp. Quầng sáng như trên thường được nhìn thấy khi thời tiết băng giá và độ ẩm cao. Ảnh: Royal Society.

Đây là bức ảnh đạt giải á quân của hạng mục ảnh hành vi động vật của tác giả Eduardo Sampaio. Một con cá khế chấm vàng con đang ăn một con sứa và bảo vệ thức ăn của nó trước những con cá khác. Với chiều dài và độ dày của những xúc tu của con sứa cùng với việc sứa có thể tái tạo tế bào của nó với tốc độ đáng kể, con cá này sẽ phải mất một vài ngày để xử lý hết con sứa. Ảnh: Royal Society.

Hình ảnh những đám mây vảy rồng được chụp bởi tác giả Cándido R. Vicente Call khi mặt trời lặn ở Wyoming, Mỹ. Mây vảy rồng hình thành khi các khối khí đi xuống gặp các dòng khí nóng bốc lên. Ảnh: Royal Society.

Bức ảnh "Sự thức tỉnh của Krakatoa" của tác giả James DP Moore chụp lại khoảnh khắc núi lửa Anak Krakatau ở Đông Á phun trào. Sau đợt phun trào này, sườn phía tây nam của ngọn núi đổ sụp và gây ra sóng thần, khiến hàng trăm người thiệt mạng vào tháng 12 năm 2018. Ảnh: Royal Society.

Hình ảnh nước từ (Ferrofluid) biến đổi dưới từ trường được tạo ra bởi hai đĩa nam châm bằng đất hiếm của tác giả Aleks Labuda. Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh được thành lập vào năm 1660. Những nhà khoa học từng là thành viên của Hiệp hội này có Isaac Newton, Charles Darwin và Albert Einstein. Ảnh: Royal Society.

Như Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ca-thoi-loi-dai-chien-may-vay-rong-vao-top-anh-khoa-hoc-dep-nhat-post1023545.html