Cá tra chinh phục thị trường miền Bắc

Chiều 9/6, tại Hà Nội diễn ra sự kiện kết nối 'Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra' mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội.

Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Chiều 9/6, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội diễn ra sự kiện kết nối "Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra" mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sau hơn 20 năm phát triển, ngành hàng cá tra đã đạt được kết quả rất tốt, với chỉ 6.000 ha nuôi trồng nhưng cho giá trị xuất khẩu tới 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, với mong muốn mở rộng sản xuất, giá ổn định hơn thì ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước.
Cá tra Việt Nam hiện nay đã chế biến ra 60 sản phẩm; trong đó nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: mỹ phẩm, dược phẩm. Sự kiện kết nối này nhằm giới thiệu với thị trường trong nước, đặc biệt là người tiêu dùng miền Bắc biết đến sản phẩm cá tra với chất lượng tốt, giá thành vừa phải, phù hợp với sở thích và thẩm mỹ của người Việt Nam. Trên nền tảng này để thúc đẩy, gắn kết hơn giữa sản xuất với tiêu thụ, đặc biệt là cân bằng thị trường với xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm gian hàng triển lãm tại sự kiện. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, do đã quá chú trọng xuất khẩu nên gây gánh nặng trong việc mở cửa thị trường. Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại và coi trọng thị trường nội địa hơn nữa để ngành hàng này phát triển bền vững; trong đó phải chú ý nghiên cứu các sản phẩm cá tra phù hợp với đặc điểm ẩm thực của người dân phía Bắc. Đó là những sản phẩm thịt dai hơn, dễ chế biến, sơ chế sẵn phù hợp với phân khúc của thị trường này.
“Nếu như chúng ta phát triển được thị trường trong nước thì có hai tác dụng. Thứ nhất là giảm áp lực xuất khẩu và sẽ giúp tăng giá xuất khẩu. Thứ hai là khai thác được thị trường 100 triệu dân, qua đó tăng sản lượng, thúc đẩy sản xuất.

Như vậy, việc phát triển thị trường trong nước sẽ giúp đạt “mục tiêu kép” vừa tăng sản lượng, vừa tăng giá trị của con cá tra và tạo ra một thị trường tiêu thụ với sản phẩm đa dạng, người dân có thêm nhiều lựa chọn cho tiêu dùng.”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bà Nguyễn Thị Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Group (Big C) cho biết, cá tra là sản phẩm được được tiêu thụ tốt tại hệ thống siêu thị Big C. Nhóm sản phẩm được tiêu thụ tốt nhất là các sản phẩm sơ chế như cá tra cắt khúc, cá tra đông lạnh.

Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều sản phẩm đa dạng, chế biến sâu hơn nhưng doanh thu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Điều này cho thấy các sản phẩm chế biến sâu từ cá tra được bày bán nhiều trong hệ thống siêu thị. Big C mong muốn tìm kiếm thêm các doanh nghiệp để cung ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. Cùng với đó, ngày 01/11/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận chính thức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ.

Việc này đã khẳng định uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam trước các thị trường khó tính; giúp việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành hàng; trong đó có mặt hàng cá tra bị đình trệ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462.000 tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39%; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, EU giảm 47%, Hoa Kỳ giảm gần 20%...
Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn mặt hàng ca tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được; nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, đứt đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế; đặc biệt là việc ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam với tên tuổi, thương hiệu đã dày công xây dựng.
Dự báo, từ Quý III/2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó chú trọng củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới; nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao...
Năm 2020, ngành hàng cá tra phấn đấu sản lượng nuôi dự kiến đạt 1,42 triệu tấn; diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600 ha; giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.
Để đạt kết quả cao nhất trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Ngành tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng con giống; trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống cá tra có khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nước mặn; tiếp tục cung cấp đàn cá tra bố mẹ được nâng cao chất lượng di truyền cho các trại giống.
Ngành cũng theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng nguồn hàng ngay khi có thời cơ; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường.

Ngành xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biển - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.
Tại sự kiện này cũng đã diễn ra lễ ký kết kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị gồm: Công ty IDI và Big C; Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt; Công ty Xuyên Việt và Big C; Công ty Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh; Công ty Hùng Cá và HAPRO.
Cùng với đó, tại sự kiện cũng diễn ra lễ Khai mạc tuần hàng cá tra và các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020. Tuần hàng sẽ diễn ra đến ngày 12/6./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ca-tra-chinh-phuc-thi-truong-mien-bac/159310.html