Cá tra có bơi sang Trung Quốc?

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, ước tính trong sáu tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 4 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ và gần 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,6% và 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Từ ngày 1-7-2018, Trung Quốc áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy hải sản từ các quốc gia ưu tiên thuộc WTO, trong đó có Việt Nam. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Đối với mặt hàng cá tra, trên sàn giao dịch chứng khoán hiện có ba doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu. Ước tính sáu tháng đầu năm, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) đạt doanh thu 3.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỉ đồng, đạt lần lượt 43,7% và 51,7% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận ròng ước đạt khoảng 10%, cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán sản phẩm tại hầu hết các thị trường đều tăng. Sau nỗ lực tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) cũng đã trở lại đường đua với kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm tăng trưởng khả quan. Ước tính trong sáu tháng đầu năm, ANV đạt doanh thu 1.674 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỉ đồng, tăng lần lượt 22% và 200% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) - nhà xuất khẩu cá tra có thị phần lớn nhất Việt Nam - đã công bố doanh thu sáu tháng gần 4.000 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt 427 tỉ, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân chính là tình hình tiêu thụ tại các thị trường lớn của VHC, bao gồm Mỹ và Trung Quốc đều khả quan. Ngoài lợi thế không phải chịu thuế chống bán phá giá tại Mỹ, diễn biến tăng giá của đô la Mỹ so với tiền đồng thời gian qua (khoảng 1,2%) cũng giúp Vĩnh Hoàn được hưởng mức chênh lệch tỷ giá khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, qua đó phần nào gia tăng lợi nhuận.

Từ nay cho tới cuối năm, các doanh nghiệp thủy sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh tích cực bởi đây là thời điểm “mùa vụ” với nhiều dịp lễ, Tết quan trọng. Ngoài ra, từ ngày 1-7-2018, Trung Quốc áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy hải sản từ các quốc gia ưu tiên thuộc WTO, trong đó có Việt Nam. Thuế nhập khẩu cá tra phi lê (mã số 03046290) sẽ giảm từ 10% xuống 7%, trong khi thuế nhập khẩu cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Việc cắt giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cải thiện được biên lợi nhuận và thúc đẩy việc phát triển thị trường tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Ngoài ra, cá tra cũng là ngành được dự báo có thể hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 10% còn lại. Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như chỉ xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến sẵn nên giá thành cá tra của họ cao gần gấp đôi so với cá tra Việt Nam. Nếu Mỹ áp thuế cho mặt hàng cá tra hay các sản phẩm thay thế như cá rô phi từ Trung Quốc thì đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn hay Biển Đông.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276696/ca-tra-co-boi-sang-trung-quoc-.html