Cả trăm héc-ta rừng thông bị bức tử

Khoảng 2 năm nay, khi phong trào chơi phong lan, nuôi thú cưng phát triển mạnh đã kéo theo nhu cầu mua bán vỏ cây thông diễn ra ngày càng 'náo nhiệt'. Rất nhiều cơ sở mua bán cây cảnh, vật dụng cho thú cưng bày bán cả sỉ, lẻ vỏ thông, thậm chí rao bán vỏ cây thông trên các trang mạng xã hội.

Khoảng 2 năm nay, khi phong trào chơi phong lan, nuôi thú cưng phát triển mạnh đã kéo theo nhu cầu mua bán vỏ cây thông diễn ra ngày càng “náo nhiệt”. Rất nhiều cơ sở mua bán cây cảnh, vật dụng cho thú cưng bày bán cả sỉ, lẻ vỏ thông, thậm chí rao bán vỏ cây thông trên các trang mạng xã hội. Đơn cử, trên địa bàn H. Đăk Đoa (Gia Lai) đã có khoảng 150ha rừng thông bị cạo, róc vỏ và nhiều diện tích trong đó đang giảm khả năng sinh trưởng. Điều đáng nói tình trạng này diễn ra trong thời gian dài nhưng việc ngăn chặn vẫn chưa triệt để.

Những cây thông tại khu vực xã Glar bị róc vỏ đến thớ gỗ.

Những cây thông tại khu vực xã Glar bị róc vỏ đến thớ gỗ.

Đồi thông Glar tại xã Glar (H. Đăk Đoa) là một trong những nơi bị bức tử nhiều nhất với hàng nghìn cây thông đã bị các đối tượng “thông tặc” cạo, róc toàn bộ phần vỏ mang đi bán. Cả một khoảnh rừng thông trở nên nham nhở, nhựa ứa quanh thân cây, nhiều cây đang có dấu hiệu bị vàng lá, suy giảm khả năng sinh trưởng. Tương tự, hàng nghìn cây thông khác trên địa bàn xã Tân Bình và TT Đăk Đoa (H. Đăk Đoa) cũng bị “lột da”. Những cây thông tại các khu vực trên đều bị róc sạch vỏ từ phần gốc dưới mặt đất đến quá đầu người (khoảng 2m) khiến nguy cơ cây chết rất cao.

Theo quan sát của PV, tại khu vực rừng thông 2 lá ở xã Glar, hàng nghìn cây thông đã bị cạo, róc hết lớp vỏ ngoài trơ cả phần thớ gỗ bên trong. Nơi đây, nhiều cây thông đã chết vì những “vết thương” trầm trọng không thể hồi phục. Thậm chí, nhiều cây đã bị chặt sâu đến quá nửa thân và đổ gục chỉ sau vài trận gió. Một người sống gần khu vực rừng thông xã Glar cho hay: Các đối tượng vào khu vực rừng thông cạo vỏ diễn ra gần một năm nay. Lúc thì vào ban đêm, có lúc những đối tượng này ngang nhiên cạo, róc vỏ giữa ban ngày. Cũng từ đó đến nay, cánh rừng thông 2 lá ở khu vực này liên tục bị xâm hại với kiểu róc vỏ này.

“Thương lái đến hỏi mua vỏ cây thông 2 lá để làm giá thể trồng hoa phong lan. Theo lời họ thì vỏ thông có độ dày, xốp và đặc biệt vỏ thông 2 lá vỏ không sắc cạnh nên rất thích hợp để trồng lan rừng. Từ đó, giá vỏ thông từ lúc đầu vài nghìn đồng/kg thì giờ tăng lên 7-10.000 đồng/kg”, người dân này nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Đăk Đoa, cho biết: Từ cuối năm 2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện 4 vụ mua bán, thu giữ hơn 7 tấn vỏ thông 2 lá. Đa phần rừng thông bị xâm hại thuộc xã quản lý, tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Dù việc người dân vào khu vực rừng thông do xã quản lý lấy vỏ thông đã bị lực lượng chức năng phát hiện nhưng chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật, đẩy đuổi các đối tượng mà chưa có phương án ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Một số cây thông bị cạo, róc vỏ sâu vào thân cây và bị ngã đổ.

Theo báo cáo của UBND H. Đăk Đoa, thời gian qua trên địa bàn xã Glar, xã Tân Bình và TT Đăk Đoa xảy ra tình trạng một số đối tượng vào rừng thông cạo vỏ trái phép. Qua kết quả điều tra ban đầu xác định diện tích rừng thông bị cạo vỏ khoảng 150 ha, chủ yếu đối với thông 2 lá. Các đối tượng cạo lấy đi toàn bộ vỏ khô bên ngoài của thân cây, chiều cao thân cây bị cạo từ mặt đất lên 1,5- 2,5m. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, đẩy đuổi, xử lý các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, trong đó có một số đối tượng thu mua lại vỏ thông của người dân địa phương cũng như quá trình kiểm tra cây thông không chết nên việc xử lý gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một phần do các văn bản quy phạm pháp luật không có hướng dẫn cụ thể đối với hành vi cất giữ vỏ thông vì vậy không xử phạt được các đối tượng này.

Mới đây, CATP Pleiku đã phát hiện 1 vụ giao dịch mua bán 103 bao tải vỏ thông 2 lá với tổng trọng lượng gần 3.500kg. Theo đó, đối tượng Phạm Minh Ngọc (1981, trú tại xã Tân Bình, H. Đăk Đoa) khai nhận đã mua lại của Phạm Thị Hiếu (1979) và Phạm Văn Vinh (1976, cùng trú xã Tân Bình, H. Đăk Đoa) với giá 3.000 đồng/kg rồi vận chuyển lên TP Pleiku bán cho đối tượng Nguyễn Đức Vinh để kiếm lời. Ngoài ra, Ngọc cùng vợ cũng trực tiếp đi cạo vỏ thông tại khu vực xã Tân Bình và các xã lân cận trên địa bàn đem về nhà trữ rồi gộp với số vỏ thông đã thu mua đem bán nhằm kiếm lời. Hiện việc vẫn đang được Chi cục Kiểm lâm cùng các đơn vị chức năng của tỉnh Gia Lai xác minh, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND H. Đăk Đoa, cho hay đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc để xử lý vụ việc trên. Đồng thời, tiến hành giám định giá trị thiệt hại để xử lý nghiêm đối với hành vi phá rừng thông xảy ra trên địa bàn. “Việc cạo vỏ thông chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và sinh trưởng của cây. Chúng tôi đã chỉ đạo Tổ công tác liên ngành của huyện thường xuyên TTKS khu vực để ngăn chặn người dân tiếp tục vào rừng cạo, róc vỏ thông và kiểm soát các hoạt động mua bán vỏ thông diễn ra trên địa bàn”, ông Dũng nêu giải pháp.

Hiện nay, không chỉ ở địa bàn H. Đăk Đoa mà nhiều cánh rừng thông khác ở các địa phương của tỉnh Gia Lai cũng bị bức tử tương tự. Thế nên, đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng xâm hại những cánh rừng thông này.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_206476_ca-tram-hec-ta-rung-thong-bi-buc-tu.aspx