Ca từ hát Xẩm với thơ yêu nước của Á Nam Trần Thuấn Khải

Xin trân trọng giới thiệu tham luận của Trương Sĩ Hùng tại Hội thảo khoa học 'Á Nam Trần Tuấn Khải - Danh nhân văn hóa dân tộc' do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức ngày 18/8/2018 tại hội trương Bộ VHTTDL(51-53 Ngô Quyền - Hà Nội).

Sáng tác của Á Nam Trần Tuấn Khải trước năm 1954 nổi tiếng với những bài thơ hay, viết theo các hình thức thơ lục bát, lục bát biến thể và ca trù, hát nói về số phận người dân nô lệ ở làng quê Việt Nam, dưới thời thuộc Pháp.

Á Nam Trần Tuấn Khải

Các hình thức thơ ca ấy, được các ca sĩ dân gian sử dụng trong hát xẩm nơi ngõ phố, cửa chợ, nơi bến đợi tàu xe, trên đò ngang, đò dọc…trải rộng, xen kẽ ở khắp nơi trong đời sống sinh hoạt kinh tế, xã hội; khiến số đông người Việt tự nguyện trở thành độc giả của ông. Thật sự, trước khi tìm hiểu để biết được tác giả một số bài ca trù, hát nói, hát xẩm đặc sắc ấy, người ta đã được thẩm âm, cảm mến nội dung phản ánh qua diễn xướng dân gian. Song song với những thể thơ giàu tính dân tộc vừa nêu, thơ bát cú Đường luật của ông cũng đạt mức tinh xảo.

Một gánh hát xẩm, hát ca trù ở làng quê người Việt trước năm 1975 chỉ có hai hoặc ba người cùng nhau chuyển dịch địa điểm, tạo dựng một môi trường biểu diễn, dựa theo nhận thức thực tế của người nghệ nhân dân gian trong gánh hát. Chỉ tính riêng đề tài anh Khóa, Á Nam Trần Tuấn Khải đã viết ba bài, trong khoảng thời gian từ 1914 đến 1922. Cụ thể là các bài: Tiễn chân anh khóa xuống tàu (1914) in trong Duyên nợ phù sinh I, bài Mong anh Khóa (1915) in trong Duyên nợ phù sinh II và Gửi cho anh Khóa (1922) in trong Bút quan hoài (Nhà in Xương Ký, Hà Nội năm 1927) đã trở thành phổ biến rộng khắp nơi, bộc lộ tư tưởng yêu nước tha thiết của mình. Bài thứ nhất:

Anh Khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tầu,
Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh.

Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh,

Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ em thương.

Anh Khóa ơi! Cái bước công danh ngoắt nghéo đủ trăm đường;

Anh đi một bước tấm gan vàng em sẻ làm hai.

Kìa người ta bè bạn vui cười,

Đôi ta thương nhớ chỉ ngậm ngùi mà đứng trông nhau.

Anh Khóa ơi! Còi tu tu sắp kéo cầu;

Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây.

Trông anh, em chẳng nỡ rời tay,

Nỗi riêng em dặn câu này anh chớ có quên:

Anh Khóa ơi! Người ta lắm bạc nhiều tiền,

Anh em ta phận bạc, duyên hèn mới phải long đong.

Một mình anh nay Bắc lại mai Đông,

Lấy ai trò chuyện cho khuây lòng lúc sớm khuya!

Anh Khóa ơi! Chữ tương tư vai gánh nặng nề,

Giang hồ anh sớm liệu về kẻo nữa em mong.

Tính toán sao cho phỉ chí tang bồng?

Ở nhà em cũng dốc một lòng giữ phận thuyền quyên.

Anh Khóa ơi! Cái máy phân ly sình sịch sắp chia duyên,
Thôi anh ngồi lại, để em bước lên mạn bờ.

Gió hiu hiu ngọn nước chảy lờ đờ,

Dưới sông con tầu chạy, trên bờ em với trông.

Anh Khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng,

Em trở về vò võ phòng không một mình.

Với trông theo, tầu ngoắt khúc sông quanh,

Sông bao nhiêu nước, giọt lệ tình em bấy nhiêu… (1)

1914

Không rõ khi Á Nam Trần Tuấn Khải viết bài Tiễn chân anh khóa xuống tầu chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đã nổ ra chưa, nhưng xét cảnh ngộ nước Đại Nam lúc ấy cũng đang chìm trong xã hội phong kiến thuộc địa, đúng lúc vua quan nhà Nguyễn thực sự là “bù nhìn đã phủ nấm mốc” trong cả bộ máy hành chính các cấp.

Vua Duy Tân đã gắng gượng hết sức cùng với một số quan chức làm nên một cuộc bạo động yếu ớt, chỉ trong ngày giờ đã bị thực dân Pháp vùi dập. Chắc hẳn dư âm của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1906) còn đang rạo rực, nóng ấm trong bầu nhiệt huyết của chàng trai trí thức đang độ lứa tuổi 20. Và như chính người “cha đẻ” của áng văn thấm đậm chất liệu văn hóa dân gian ấy, khi trao đổi chuyên môn với nhà văn Nguyễn Hữu Ngư năm 1964 đã hồi tưởng lại:

“Nhắc đến “anh Khóa”, tôi nhớ lại chuyến đi vào Nam năm ấy, năm 1928 hay 1929. Suốt Bắc, Trung, Nam, nơi nào cũng có bóng anh. Thuở ấy đường sắt Sài Gòn – Hà Nội chưa thông, phải đi từng chặng. Mà mỗi chặng xuống tầu hỏa, là mỗi lần tôi được dịp cảm động đến muốn rơi nước mắt. Vinh, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang rồi Sài Gòn, chỗ nào tôi cũng nghe người ta ngâm thơ “anh Khóa”. Người hành khách trên toa, chú tài xế xe hàng, người hát dạo ở sân ga, anh em phu phen đang làm đường xe lửa. Sung sướng nhất là khi vào Sài Gòn, “đất thuộc địa”, nơi dồn nhiều ông “An Nam - Tây”, tôi tình cờ nghe “anh Khóa” được ngâm vang từ lầu thứ ba một căn nhà lầu nọ. Tôi còn nhớ ở ga Đà Nẵng, khi mua vé, trình giấy tờ, thầy xếp ga thấy tên tôi, tỏ ra vồn vã, bán vé gấp cho hành khách, rồi mời tôi vào phòng riêng, đãi nước, tỏ lòng ái mộ. Thầy lại đưa tôi ra tận tầu, chúc cuộc Nam du được như nguyện. Thời Pháp thuộc, lính xét căn cước dọc đường thường tỏ ra hách dịch, khó thương, thế mà khi họ nhìn thấy tên tôi, họ đối đãi khác. Cũng trong chuyến vào Nam này, tôi cũng được biết một tin làm tôi vừa vui lại vừa buồn. Đó là tin có người vì quá thích văn thơ của tôi mà thường đọc, ngâm lớn tiếng, do đó mà bị bắt hỏi và bị tù.”(2)Trả lời phỏng vấn ở đoạn sau, Á Nam Trần Tuấn Khải cho biết: “Tôi làm “anh Khóa” vào năm 1919 sau khi tiễn đưa một người bạn xuất dương. Đến năm 1921 nó mới ra mắt đồng bào trong quyển Duyên nợ phù sinh thứ nhất.”(3) Phải chăng tác giả đã nhớ nhầm năm sinh của đứa con sáng tạo văn chương này? Tiễn chân anh khóa xuống tầu viết năm 1914 hay năm 1919. Năm 1915 khi in Mừng anh Khóa ông đã “Tính đốt tay đã một năm tròn”rồi chứ !

Đọc sách của con cháu nhà thơ biên soạn, chúng ta biết rằng, vốn hiểu biết văn hóa, vốn chữ nghĩa tài hoa đã tạo ra nét đồng cảm tâm lý dân tộc, tạo ra phong cách sáng tạo của Á Nam Trần Tuấn Khải được bồi tụ, giáo dưỡng rồi lắng đọng trong hình tượng nhệ thuật từ chính người cha đẻ của mình là cử nhân Văn Hoán Trần Huy Giáp (1863 - 1913) trong lũy tre làng. Cụ thân sinh nhà thơ yêu nước có ý thức tự dạy con mình học theo đúng chương trình khoa cử thời Nho học còn thịnh. Và có lẽ cụ cũng nuôi ý tưởng cho người con cả yêu quý của mình sẽ được thi hương, thi hội, đỗ đạt, làm quan để góp phần “xoay lại cuộc thế”, cứu nước, giúp dân thoát vòng nô lệ. Song, cơn binh lửa can qua do Phú lang sa gây hấn; bắt nạt vua hèn, chiếm đất, đè nén dân đen, áp đặt mọi cơ chế văn hóa xã hội, khiến cho nếp cũ thi cử Nho học bị bãi bỏ từ năm 1918, nên Á Nam Trần Tuấn Khải không có cơ hội dự thi. Vả lại “Từ thuở ấu thơ cho đến lúc thành danh vào lúc 18 tuổi, ông chỉ có một người thầy duy nhất là cụ thân sinh.

Tính thông minh, hiếu học và là người con hiếu thảo, sống trong nếp sống Nho gia thanh bạch, nên việc nuôi tằm, gặt cấy, dệt cửi ông đều thông thạo. Ông giúp đỡ mẹ lo sự sống trong gia đình, khuyên dạy các em học hành khi cha vắng nhà. Ông còn giỏi võ Tầu, võ Nhật và kiếm thuật.

Năm 14 tuổi, được theo hầu cha đến dinh một quan án sát yêu thích văn chương quốc ngữ, nên viên án sát đưa cho ông quyển Ấu học hán tự tân thư 幼學漢字新書 dành cho các Nho sinh, bảo ông chọn một bài dịch thử. Ông mở ngay bài Ái quần viết ra giấy dịch luôn. Viên án sát đọc đi đọc lại vài ba lần, rồi gật đầu nói với cụ thân sinh ông: - Cậu này ít tuổi, ghép văn tuy chưa thật chỉnh, song khẩu khí rất thần tình, sau này sẽ trở thành người có ích! Nói xong, viên án sát tìm trong tủ sách của mình, lấy ra một cuốn in chữ Nho đưa cho ông và nói: - Đây là bộ Quốc sử ký tôi mới gửi mua từ Nhật Bản xin tặng nhà văn trẻ tuổi. Cậu hãy cố gắng trau dồi, học hỏi hơn nữa để không phụ công quan cử nhà ta!”(4)Quả nhiên lúc lâm chung, cụ cử gọi Trần Tuấn Khải “đến gần, ngắm nhìn hồi lâu, phát mạnh vào má và rơm rớm nước mắt khẽ bảo: - Công cha dạy con như thế cũng không còn gì hối hận, con có thể thay cha mà cáng đáng gia đình và nuôi đàn em dại.” Trong tang lễ an táng ở nơi cụ đang làm quan tại Cẩm Giàng, Hải Dương; chan hòa trong khá nhiều câu đối, trướng viếng của bạn bè, thân tộc; Á Nam Trần Tuấn Khải xúc cảm trước linh hồn cha:

Ba xuân chưa chút báo đền

Quê người tang tóc thêm phiền hiếu tâm!(5)

Thật ra, ý thức “tu thân, tề gia” theo tư tưởng Nho giáo vốn đã nhuần nhuyễn trong nếp sống phong tục người Việt ở vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ tự ngàn xưa, nên yêu nước không chỉ bó hẹp theo nguyên nghĩa “trị quốc, bình thiên hạ.” Trần Tuấn Khải sinh ra và lớn lên ở làng Quang Xán, tổng Như Thức, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, đấy là một miền quê bình nguyên êm ả trong lũy tre xanh của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám (1945). Song trước cảnh nước mất nhà tan, người thi sĩ đồng quê không thể vô tâm phó mặc thời cuộc chuyển vần theo sự áp đặt của kẻ ngoại xâm. Á Nam Trần Tuấn Khải vận dụng lối viết song thất lục bát bộc lộ tâm tình như trong bài Duyệt văn hữu cảm:

Ấy ai vơ vẩn canh tàn ?

Càng ngâm nghĩ nỗi, càng chan chứa sầu.

Cuộc nhân thế bể dâu chuyển vận

Áng quần thoa son phấn thờ ơ

Lần lần tuyết sớm sương trưa

Khối tình đập phá bao giờ cho tan !(6)

Tỏ rõ nỗi niềm u uất của người dân nô lệ, Trần Tuấn Khải đã nói lên tiếng nói của nhân tâm trần thế, đang sinh sống quằn quại ngay trên mảnh đất quê cha đất tổ mà phải chịu một cổ hai tròng phong kiến và thực dân cai trị. Bởi thế, người cầm bút phải tự nguyện gánh vác lấy trách nhiệm của mình:

Đa mang duyên nợ văn chương

Người chung một hội thì thương nhau cùng

Buổi Âu Á văn phong còn mới

Bước thân danh đường lối còn xa.

Non xanh, nước bạc chưa già

Nợ đời ta phải liệu mà lo toan.(7)

Tên tập thơ đầu của Á Nam Trần Tuấn Khải là Duyên nợ phù sinh xuất bản năm 1921 có bài Hồn lụy có thể xem như tự tựa :

“Phàm con người ta, linh tính có thanh hư thì kiến thức mới cao xa; sự kiến thức cao xa đến đâu thì dây tư tưởng vòng theo đến đó.

Giời cao, bể rộng, nước thảm, non xa, cuộc trăm năm dâu bể chuyển vần, đường thế lộ dọc ngang thay đổi. Bao nhiêu những cảnh tượng vô tình đã đủ làm cho ai cảm xúc mà mỏi mệt ê chề, suy không tới, nghĩ không ra, tính chẳng xong, thôi chẳng được. Đó là cái hệ lụy vô cùng cho bạn tai mắt ở đời, ai mà tránh khỏi.

Hồi tưởng lại cuộc phù sinh như giấc mộng đêm thu, con đường hy vọng mịt mù xa tít ngàn mây mà bọn khách doanh cầu đã trải từng mưa nắng: mùi cay đắng, giọng ngọt ngon, cũng nhiều phen đáng vui mừng, tứ bực cùng ai !

Huống chi là hai vai thân thế, một gánh giang san, cuộc văn chương dẫu đến khi tàn, mà ngọn bút quan hoài biết bao giờ cho ráo mực; thì những lúc đêm suông cảnh vắng, tuyết đọng sương gieo, hồn lụy kim sinh với trông cảnh tượng xa xa dễ hồ mà im tiếng.

Than ôi ! Một việc văn chương, ngàn xưa tấc dạ; ba sinh hương lửa; trăm mối tơ tằm; khóc khóc, than than, cười cười, nói nói… chẳng qua là cảnh tượng phù sinh hoặc cũng vấn vương chi đấy ?

Đờn vui ai gẩy ? !
Lệ tủi ai pha ? !

Giời Nam bể Á bao la

Nực cười vơ vẩn là ta với mình.

Ham chi duyên nợ phù sinh

Ngàn thu luống để vương tình nước non !!!! ”

Những lời chan chứa tâm can, nặng lòng non nước như thế của Á Nam Trần Tuấn Khải như một bản nhạc thơ ca, hòa nhịp với những vần thơ yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… vừa mới hôm qua, còn đang nóng hổi trong đời sống văn hóa nước Việt đương thời, vẫn chưa hề bị đẩy vào quên lãng. Khắp phố phường đô thị ba miền Trung, Nam, Bắc, khắp chợ làng, ngõ xóm, đồng quê…người người truyền miệng cho nhau thuộc lòng hoặc ghi chép lại bài thơ Á tế Á ca:

Non sông thẹn với nước nhà

Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu

Và cả tập Lưu cầu huyết lệ tân thư (琉球血淚新書)-Sách mới viết bằng máu và nước mắt từ xứ Lưu Cầu - của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Tác giả nói rõ: "thảm trạng thành tan, nước mất, những nỗi nhơ nhuốc đổi chúa làm tôi"; "dân trí phải gấp gáp mở mang, dân khí phải gấp bồi dưỡng để làm nền tảng cho việc cứu quốc"; "hy vọng những nhà dương đạo, những bậc hào kiệt làm nên sự nghiệp bất hủ, lưu truyền sử sách."(6)

Khác với phong cách ngông nghênh, cười cợt sâu cay của Tú Xương, khác với lối thơ phóng túng, tài tử của Tản Đà là những người cùng thời, Á Nam Trần Tuấn Khải dường như cố ý chầm chậm, chậm chắc ngỏ lời tâm tình với dân chúng lao động bình dị nơi thôn dã, mà thẳm sâu tư tưởng triết lý giáo dục tinh thần yêu nước thương dân.

Tú Xương mất năm 1907 thì 7 năm sau Á Nam Trần Tuấn Khải mới xuất hiện trên văn đàn và nổi tiếng ngay bởi bài hát xẩm Tiễn chân anh khóa xuống tầu. Hơn Trần Tuấn Khải 5 tuổi, nhà thơ Tản Đà cũng có cha đẻ là cử nhân, làm quan án sát tỉnh Ninh Bình, nhưng mồ côi cha từ năm lên 3 tuổi, một năm sau mẹ bỏ đi, ông được người anh ruột cùng cha khác mẹ là Nguyễn Tái Tích nuôi dưỡng ở thành Nam Định. Số phận đưa đẩy, đến năm 1917 Tản Đà 27 tuổi mới có bài đăng trong mục Một lối văn Nôm trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Khi viết lời Tựa Giấc mộng con năm 1916, Tản Đà giãi bày suy nghĩ về thời thế: “Mộng con mình đã tỉnh cho nên biết là mộng; mộng nhớn mình chưa tỉnh cho nên chưa biết là mộng. Cũng là mộng cả, mà người đời có chép sử, chép truyện, chép ký, chép hành trạng, thời mình cũng nên chép. Nay đã tỉnh cái mộng con thời chép lấy còn cái mộng nhớn đợi lúc tỉnh rồi sẽ hay.”(9)Như vậy cách phản ánh hiện thực đời sống xã hội của ba tác giả đều thể hiện quan niệm sáng tác và nhất là cách sử dụng hình thức sáng tạo nghệ thuật khác nhau.

Tựu trung, Á Nam Trần Tuấn Khải đã tiếp nhận từ nguồn nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc nhiều hơn cả. Ngay sau Tiễn chân anh khóa xuống tầu, năm 1917 bám sát chủ đề người nghệ sĩ đân gian, nhà thơ mượn lời người “chinh phụ” viết bài thơ Bác xẩm làm ca từ cho điệu hát xẩm, hát nói để nhẹ nhàng nhắc nhở trách nhiệm gánh vác nặng nề trong sự nghiệp của người cầm bút:

Trên thì đời… Trên thì đời…

Con mắt thông minh anh trót kém ở trên đời;

Anh toan, anh tính, anh ngồi mà anh lo.

Anh đã toan cắt tóc đi chùa,

Ăn chay niệm Phật mà tu cho rồi!

Anh cũng toan cúp tóc đi bồi,

Ra luồn vào cúi để cho người nó thương yêu !

Anh cũng toan, cất gánh đi chèo

Đeo râu, bôi nhọ mà theo đám hề

Nghĩ trăm khoanh thôi chẳng có ra gì

Mà nay toan mai tính làm chi cho nhọc mình.(10)

Nhưng đấy chỉ là bức tranh viễn tưởng trước nhân tình thế thái, trước hoàn cảnh cụ thể của người khuyết tật, buộc phải ôm đàn nhị làm nghề hát rong. Thẳm sâu trong tâm trí tác giả; thông qua việc mô phỏng suy nghĩ một người nghệ sĩ dân gian chẳng may không có đôi mắt sáng vẫn được bộc lộ:

Nước sông sâu, đá núi chưa mòn

Còn giời, còn đất, cũng vẫn còn chúng anh đây.

Mượn vai người vợ nhớ chồng để thể hiện mối tình son sắt của người cầm bút mềm mại uyển chuyển và nhiều khi đơn độc vẫn gắn câu thơ với điệu hát xẩm:

Tính đốt tay quá nửa xuân rồi

Đầu xanh mấy nỗi pha mùi tóc sương

Kiếp hồng nhan nghĩ đến mà thương

Tài tình chi lắm để mang nợ đời,

Trông non sông mà thẹn với giời,

Khi vui em gượng, khi cười em cười suông.

Ruột con tằm trăm mối tơ vương

Bên giời góc bể biết gửi can trường vào đâu!

(Khách bình khang)

Năm 1915, Á Nam Trần Tuấn Khải viết bài Mừng anh Khóa có lời mở : “Bài này nối vần với bài Tiễn chân anh khóa xuống tầu in trong quyển Duyên nợ phù sinh thứ nhất.” Toàn văn như sau:

Anh Khóa ơi! Lúc đêm khuya em ngồi tựa chốn buồng điều,
Một mình em mở quyển Kim Vân Kiều em đọc em ngâm.
Đọc đến câu "Đã nguyền đôi chữ đồng tâm",
Giật mình tưởng khách xa xăm em lại sầu!
Anh Khóa ơi! Kể từ khi em tiễn chân anh ra đến bến tầu;
Lời phân ly em chửa cạn mà con tầu nó đã quay đi.
Một mình em vơ vẩn bước ra về,
Với trông mây nước trăm bề em những ngổn ngang !
Anh Khóa ơi! Ở trên đời chi hiếm kẻ giầu sang,
Sao anh không luồn cúi để khuênh khoang cho nó qua đời?
Can chi mà nay ngược lại mai xuôi?
Để buồng không em than thở mà bên trời anh cũng lênh đênh !
Anh Khóa ơi! Cái kiếp nam nhi anh gánh vác đã đành,
Như em là phận gái dễ xuân xanh được mấy mươi lần?
Mới ngày nào đào hạnh vẫn cười xuân,
Mà quyên kêu ve gọi lần lần cảnh đã sang đông.
Anh Khóa ơi! Bấy lâu nay xa cách vân mòng,
Bên đường em trông ngóng, bến sông em đợi chờ;
Đường vắng tanh, sông nước chảy lờ đờ,
Một thương hai nhớ biết bao giờ cho lại gặp nhau?
Anh Khóa ơi! Trời cao cao, nước biển sâu sâu,
Hỏi rằng trời biển thấu nỗi nhau chăng là?
Một mình em thu xếp cửa nhà,
Dạy con em thay bố, nuôi mẹ già em lại thay con.
Anh Khóa ơi! Tính đốt tay đã một năm tròn,
Ăn sương nuốt gió kể cũng hao mòn cái kiếp con ve.
Nghĩ nguồn cơn khuya sớm đi về,
Một thân em vò võ biết hề than thở cùng ai?
Anh Khóa ơi! Cuộc phân ly con tạo khéo trêu ngươi,
Non cao biển rộng, nợ đời em trả biết bao xong?
Nhớ đến câu "xuất giá theo chồng"
Dẫu trăm cay ngàn đắng cũng dốc một lòng với gánh giang san.
Anh Khóa ơi! Kiếp tài tình đã trót đa mang,
Năm chìm bảy nổi xin anh chàng cũng chớ ăn năn.
Nữa một mai thiên địa xoay vần,
Nụ xanh hoa thắm, gặp ngày xuân ta lại tươi cười.
Anh Khóa ơi! Đường bắc nam bao xiết nỗi ai hoài,
Gạt sầu pha lệ, viết mấy lời tỏ dạ nhớ mong.
Nước non xa muôn dặm vẫy vùng,
Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai.
Này hỡi anh Khóa ơi!

1915

Vẫn canh cánh một niềm chung thủy với tình yêu đất nước, đau đáu nghĩ suy về nỗi nước mất, nhà tan; người tri thức dân tộc Á Nam Trần Tuấn Khải xuất thân từ nông dân – nông nghiệp – nông thôn, đã muốn “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” ngay từ những năm đầu thế kỷ XX. Nỗi u uất hờn tủi của ông cũng chưa bật lên lời kêu gọi bùng nổ đấu tranh chống phá cường quyền áp bức, chống chính phủ bù nhìn nhà Nguyễn vì cảnh đêm trường nô lệ. Người dân lao động thất học, bị quan lại bóc lột tàn tệ đúng như những nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu:

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.(11)

Á Nam Trần Tuấn Khải tìm ra một cách ví von, cũng giống như phận gái “xuất giá theo chồng." Có được sứ mệnh là người viết văn, làm báo, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải vẫn trước sau như một: Anh Khóa ơi! Kiếp tài tình đã trót đa mang / Năm chìm bảy nổi xin anh chàng cũng chớ ăn năn. Nữa một mai thiên địa xoay vần / Nụ xanh hoa thắm, gặp ngày xuân ta lại tươi cười… Đướng bắc nam bao xiết nỗi ai hoài / Gạt sầu pha lệ, viết mấy lời tỏ dạ nhớ mong. Nước non xa muôn dặm vẫy vùng / Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai. Dẫu trăm cay ngàn đắng cũng dốc một lòng với gánh giang san. Với bài viết thứ hai về anh Khóa tiếp nối mạch nguồn cảm xúc Á Nam Trần Tuấn Khải xác định rõ hơn, chín chắn hơn.

Quyển Duyên nợ phù sinh thứ nhất có bài Tiễn chân anh khóa, đến quyển thứ hai lại có bài Mong anh khóa, tới nay chưa thấy anh khóa về. Vậy có bức thư gửi cho anh khóa."Ý thức : “Ngọn gió năm châu dào dạt sóng duy tân/ Tình nhà, nỗi nước, chiếc thân anh lo nghĩ đủ trăm chiều. Kìa con đường văn minh ai chẳng rập rìu / Riêng anh đây lên giốc xuống đèo thui thủi với gánh giang san,”thường trực láy đi láy lại trong tâm tư Á Nam Trần Tuấn Khải. Năm 1922, bài Gửi thư cho anh Khóa được in trong Bút quan hoài quyển thứ nhất:

Anh Khóa ơi! Cái cuộc phân ly thắm thoắt đã mấy năm rồi;
Em mong, em nhớ, em ngồi, em nghĩ lại thương anh,
Trông bốn phương non nước những mông mênh.
Trời Âu, bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao?
Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng bậc anh hào,
Ngang trời dọc đất dễ anh nào đã có chịu thua ai?
Chỉ tiếc thay cho anh sinh chẳng gặp thời,
Để tang bồng gánh nặng, anh phải ngậm ngùi mà bước chân ra.
Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng một kiếp tài hoa,
Bước đời xô đẩy anh phải xông pha với bước phong trần.
Ngọn gió năm châu dào dạt sóng duy tân,
Tình nhà, nỗi nước, chiếc thân anh lo nghĩ đủ trăm chiều.
Anh Khóa ơi! Kìa con đường văn minh ai chẳng rập rìu,
Riêng anh đây lên giốc xuống đèo thui thủi với gánh giang san.
Nào những khi: xa trông cơn mây kéo, lúc ngồi tựa bóng trăng tàn,
Biết cùng ai bày giãi tâm can cho khách giang hồ?
Anh Khóa ơi! Trông non sông em lại chán cơ đồ,
Bắc nam anh xuôi ngược, biết bao giờ thỏa chí bồng tang?
Cái cõi phù sinh khen con Tạo khéo đưa dường,
Má hồng, mặt trắng, cũng một kiếp đoạn trường ai dễ khác ai?
Anh Khóa ơi! Ngẫm ngàn xưa hào kiệt với anh tài:
Bể dâu chìm nổi, cái bước trên đời ai khỏi gian nan?
Anh nghĩ làm sao cho danh nghĩa được vẹn toàn?
Để treo gương hào hiệp với giang san sau này.
Anh Khóa ơi! Nhờ luồng điện trên không em gửi bức tờ mây,
Chân trời, mặt biển, cái lá thư này mong đến tay anh,
Chốn buông riêng đây em tưởng nhớ xiết bao tình,
Khi vui em muốn khóc, buồn tênh em lại cười!
Anh Khóa ơi! Em cảm thương anh, em lại giận cho trời;
Bức tranh vân cẩu cái tấn trò đời bày xóa như không.
Anh thà như ai câm điếc đã xong,
Chỉ bưng tai nhắm mắt mà ôm lấy miếng đỉnh chung nó cũng qua đời!
Anh Khóa ơi! Thôi, kể bao nhiêu lại càng động mối quan hoài,
Gan vàng dạ sắt nguyện có đất trời xoi xét cho nhau.
Em chỉ nhờ ai xoay lại quả địa cầu,
Cho duyên em gặp gỡ, cho non nước khỏi u sầu với lúc mưa râm.
Anh Khóa ơi! Ở trên đời này được mấy bạn tri âm,
Trời cao bể rộng, cắt mối đồng tâm xin anh chớ hững hờ.
Còn non sông, em đây còn quyết chí đợi chờ,
Tầu bay, tầu lặn, đến bấy giờ ta sẽ gặp nhau...

Từ năm 1922 trở đi, khi đã trở thành một cây bút già dặn, Á Nam Trần Tuấn Khải thường xuyên có thơ văn đăng báo và nhiều nhà in đón đợi.Tiểu thuyết Hồn hoa, Gương bể dâu in năm 1925. Những tập thơ văn, kịch: Ngụ ngôn thi tập, Bài hát nhà quê, Hồn tự lập, Chơi xuân, Gương đời xuất bản năm 1932. Vì bộc lộ rõ ràng tư tưởng yêu nước trong tác phẩm văn chương, Á Nam Trần Tuấn Khải và một giám đốc nhà xuất bản đã từng bị thực dân Pháp giam giữ “cải tạo”trong Hỏa Lò Hà Nội.

Lẽ ra, việc nghiên cứu và xác định vị trí tác gia Á Nam Trần Tuấn Khải phải được tiến hành ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì những sáng tác thơ ca của ông đã nổi tiếng khá sớm trong văn học Việt Nam hiện đại. Trước năm 1975, việc nghiên cứu, đánh giá thơ văn Trần Tuấn Khải dường như im ắng, có thể do ý tứ thức tế nhị, kín đáo khi một nhà thơ yêu nước đang phải chấp nhận cuộc mưu sinh trong hoàn cảnh sống dưới chế độ Mỹ - Ngụy ở miền Nam, khi đất nước tạm thời bị chia làm hai miền khác biệt; mà ông là người miền Bắc.

Từ điển văn học ghi nhận: “ Thơ ca là phần chính trong sự nghiệp sáng tác của Trần Tuấn Khải. Thơ Trần Tuấn Khải thường nói nhiều đến tình cha con, vợ chồng, tình làng nghĩa nước, nghĩa đồng chủng, đồng bào, lòng thủy chung, nhân ái... đó là nếp sống, là đạo đức truyền thống của dân tộc. Điều quan trọng là qua những tình cảm đạo đức ấy, ông muốn thể hiện một tâm sự rộng lớn hơn. Đó là tâm sự yêu nước.’(12)

Phải nói thêm, thơ Á NamTrần Tuấn Khải đã vận dụng sáng tạo đến cao độ các thể lục bát, lục bát biến thể, Đường luật và ca trù, hát nói; đúc rút thành tựu rực rỡ hàng ngàn năm tu từ tiếng Việt; khiến cho tác giả, tác phẩm của ông sớm in đậm trong trí tuệ dân gian Việt Nam. Khi sống trong vòng kiểm tỏa của giai cấp thống trị thực dân phong kiến thuộc địa, thì ông tìm mọi lợi thế truyền dẫn tư tưởng yêu nước thương dân; khi tạm sống dưới chế độ đế quốc Ngụy quyền thì ông ẩn mình với nhiều bút danh, dịch các tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại để góp phần mở mang dân trí. Đó cũng là nguyên cớ khẳng định vị trí xứng đáng nhà thơ yêu nước Việt Nam thế kỷ XX.

----------------------

(1) Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb. Văn học, H, 1984

(2, 3) Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với... Ngèi xanh xuất bản, Sài Gòn, 1966.

(4, 5) Trần Thị Hoàng Khương, Thi văn tuyển Trần gia và Á Nam, Nxb. Văn học, H, 1999

(6, 7) Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb. Văn học, H, 1984

(8) Phan Bội Châu toàn tập, Nxb Lao động, H, 2000

(9) Tản Đà toàn tập, Nxb. Văn học, H, 2002

(10) Tất cả những đoạn và bài thơ trích dẫn không ghi xuất xứ, đều lấy từ Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Sđd.

(11) Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, Nxb. Văn học, H, 1997

(12) Từ điển văn học, Nxb. Thế giới, H, 2004

Trương Sĩ Hùng - Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ca-tu-hat-xam-voi-tho-yeu-nuoc-cua-a-nam-tran-thuan-khai-63084