Ca tử vong ở Tây Ban Nha vượt 1.000, gần 3.000 ca nhiễm mới ở Đức

Thống đốc thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 20/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong hai tuần tới tại thành phố, trung tâm dịch virus corona của Indonesia.

Thống đốc Anies Baswedan nói trong cuộc họp báo rằng giải trí công cộng sẽ bị dừng từ ngày 23/3 và giao thông công cộng bị hạn chế. Ông kêu gọi các công ty để nhân viên làm việc tại nhà.

Số ca tử vong trên thế giới vì virus corona ngày 20/3 đã vượt mốc 10.000, trong đó Trung Quốc và Italy chiếm 2/3. Trong khi đó, hơn 240 ca nhiễm được xác nhận trên toàn cầu.

235 ca tử vong trong một ngày ở Tây Ban Nha

Số ca tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 1.002 trường hợp, tăng 235 ca so với một ngày trước đó. Nước này đã phát hiện gần 20.000 ca nhiễm, trong đó chỉ mới có 1.588 bệnh nhân hồi phục.

Trước đó một ngày, số ca tử vong và số ca nhiễm tại quốc gia trên bán đảo Iberia lần lượt là 833 và 18.077 trường hợp.

Phần lớn bệnh nhân tử vong được ghi nhận ở thủ đô Madrid. Chính phủ Tây Ban Nha đã sử dụng quyền lực khẩn cấp để đóng cửa toàn bộ khách sạn và nơi tiếp nhận khách du lịch trên cả nước. Biên giới đóng cửa và không nhận nhập cảnh cho đến khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

 Binh sĩ được triển khai ở Madrid giữa lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ được triển khai ở Madrid giữa lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Ca tử vong cao nhất trong một ngày tại Bỉ

Bỉ cũng ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất trong một ngày kể từ khi bắt đầu tiến hành các ca xét nghiệm virus corona, người phát ngôn của Bộ Y tế Bỉ cho biết hôm 20/3.

Giới chức trách cho biết 16 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 19/3 vì virus corona, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên tới 37.

Các biện pháp phong tỏa bắt đầu được áp đặt tại Bỉ từ hôm 18/3 nhằm khống chế sự lây lan của virus.

Hong Kong chứng kiến ngày có số ca nhiễm tăng cao nhất

Theo South China Morning Post, Hong Kong ghi nhận 48 ca nhiễm mới hôm 20/3, mức cao nhất kể từ khi xét nghiệm virus được thực hiện.

Sự gia tăng đột biến tại Hong Kong diễn ra giữa lúc giới chức y tế cảnh báo thành phố đang có nguy cơ hứng chịu đợt bùng phát mới kéo dài do người trở về từ bên ngoài.

Giáo sư Gabriel Leung, trưởng khoa y Đại học Hong Kong, thành viên nhóm chuyên gia cố vấn chống dịch Covid-19 của chính quyền, nói rằng người Hong Kong đã mất cảnh giác một cách sai lầm.

Giáo sư Gabriel Leung của Đại học Hong Kong Ảnh: SCMP.

"Đây là thời điểm tệ nhất để buông lỏng vì chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lớn nhất từ khi dịch bệnh bắt đầu", ông nói với South China Morning Post.

"Đây là thời điểm vô cùng trọng yếu, đặc biệt khi chúng ta đón làn sóng người Hong Kong trở về từ vài ngày trước và sẽ tiếp diễn trong vài ngày tới. Đây là nguy cơ lớn nhất và chúng ta phải đặc biệt cảnh giác".

Lời cảnh báo được vị giáo sư đưa ra sau khi nhà vi trùng học hàng đầu Ho Pak Leung, cũng làm việc tại Đại học Hong Kong, nói thành phố nên sẵn sàng ứng phó trước 200 ca Covid-19 trong những người từ nước ngoài về trong 2 đến 3 tuần tới, ví von đây là "cuộc chiến".

Hành khách đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ tại sân bay Hong Kong hôm 17/3. Ảnh: Getty.

Hong Kong đã ghi nhận 208 ca nhiễm tính đến hết ngày 19/3. 92% trong 99 ca nhiễm trong 2 tuần qua liên quan đến việc đi lại ở nước ngoài.

Trong khi đó, Đài Loan cũng tăng 27 ca nhiễm, nâng tổng số ca tại hòn đảo lên tới 135. Đồng thời, ca tử vong thứ hai vừa được xác nhận tại đây, là một bệnh nhân ở độ tuổi 80 với các bệnh lý nền, gồm tiểu đường, và các vấn đề về thận.

2.958 ca nhiễm mới ở Đức trong một ngày

Số ca nhiễm virus corona tại Đức được Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của chính phủ nước này, công bố ngày 20/3 đã lên đến 13.957, tăng 2.958 ca so với một ngày trước đó. Có 31 trường hợp tử vong vì nhiễm virus corona đã được ghi nhận trên cả nước, theo Sky News.

Chủ tịch Viện Robert Koch, ông Lothar Wieler kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc để khống chế dịch bệnh. Dù vậy, ông cho biết việc thiết lập lệnh giới nghiêm là quyền hạn của từng địa phương.

Trung Quốc không có ca nhiễm mới trong nước ngày thứ 2 liên tiếp

Tại Trung Quốc đại lục, ngoài các trường hợp nhập cảnh, không có thêm bất cứ ca nhiễm virus corona chủng mới trong nước được ghi nhận trong ngày thứ 2 liên tiếp.

Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận chỉ 3 ca tử vong trong ngày 19/3, mức thấp nhất theo ngày trong hai tháng qua tính từ ngày 21/1, hai ngày trước khi Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh.

Theo số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 20/3, Trung Quốc đại lục (không tính Hong Kong, Macao và Đài Loan) ghi nhận 39 ca nhiễm mới trong ngày 19/3, toàn bộ đều là người vừa nhập cảnh Trung Quốc. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc không có ca nhiễm mới phát sinh trong nước.

Tổng cộng, Trung Quốc đã ghi nhận 80.976 ca nhiễm và 3.248 ca tử vong tại đại lục. Đến nay, 6.559 người đang được điều trị, với 2.136 ca bệnh nặng.

Số người thuộc diện nghi ngờ được thống kê trong ngày 19/3 là 31, nhưng không có ai tại Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là tỉnh lỵ.

Tượng Chúa Cứu thế thắp sáng quốc kỳ các nước cùng đẩy lùi Covid-19 Ngày 18/3, Tượng Chúa Cứu thế ở Brazil thắp sáng hình ảnh quốc kỳ của các nước, với hy vọng các quốc gia chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Đông Phong - Thanh Danh - Tuyết Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ca-tu-vong-o-tay-ban-nha-vuot-1000-gan-3000-ca-nhiem-moi-o-duc-post1060882.html