Cá voi xanh phun nước làm chao đảo chiếc drone tò mò

Khi chiếc drone đang tiếp cận con cá voi xanh gần nhất có thể, nó đã nhận lại 'đòn phòng thủ'.

Một đoạn clip dài hơn 1 phút đang được lan truyền chóng mặt cho thấy khoảnh khắc bất ngờ khi một chiếc drone đang tiếp cận gần con cá voi xanh đúng vào thời điểm nó phun nước để thở.

Con cá voi xanh phun nước để thở trong lúc nó đang bị chiếc drone theo dõi. Ảnh: Daily Mail

Con cá voi xanh phun nước để thở trong lúc nó đang bị chiếc drone theo dõi. Ảnh: Daily Mail

Chiếc drone đang trong quá trình tiếp cận đến gần một con cá voi xanh tại vùng biển thuộc bang Baja California của Mexico ngày 25/3. Nó đã nhận được một "cú phòng thủ" từ con cá voi xanh khiến nó chao đảo, rung lắc.

Drone này mang tên “SnotBot” của Christian Miller - nhà quay phim của tổ chức bảo tồn Ocean Alliance. Nó đang thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu phun ra từ mũi của cá voi xanh và đã lường trước được cú phun nước.

"Món quà" từ con cá voi xanh.

SnotBot được nạp các đĩa Petri cho phép nó thu thập mọi thứ phun ra từ cá voi xanh, gồm hỗn hợp không khí nóng và vi khuẩn. Khi phun nước, cá voi xanh phun hơi thở có lẫn hơi nước từ phổi ra.

Drone SnotBot với các đĩa Petri sẵn sàng "săn mồi". Ảnh: Daily Mail

Lỗ mũi của cá voi xanh ở trên đỉnh đầu, tự động khép lại khi lặn xuống nước. Cứ khoảng 5-10 phút, chúng lại phải nổi lên mặt nước để thở.

Dẫu đã phòng bị nhưng chiếc drone vẫn phải chao đảo khi đón nhận cú phun nước mạnh mẽ của loại vật lớn nhất hành tinh này.

Chiếc drone đang từ từ tiếp cận lỗ thở của cá voi xanh.

SnotBot giúp các nhà khoa học thu thập được những thông tin quan trọng về loài cá voi xanh, bao gồm: các mẫu DNA, hormone và mocrobiome (hệ vi sinh), cung cấp các manh mối về sinh thái và môi trường sống của cá voi xanh mà không cần bất kỳ thủ tục “xâm lấn” nào.

Việc phân tích các chất từ cú phun nước của cá voi xanh có thể cung cấp cho các chuyên gia manh mối về sinh thái và môi trường sống của loài cá voi xanh quý hiếm, ví như DNA, mẫu hormone gây căng thẳng, hormone thai kỳ, microbiome và các chỉ số sinh học khác.

“Từ những gì tôi nghe được thì có vẻ như cá voi xanh truyền cảm hứng cho con người và hy vọng đem lại nhiều tình cảm và sự tôn trọng hơn với các đại dương... Không phải ai cũng may mắn như tôi là có được đặc quyền gần gũi với các động vật hoang dã ở những địa điểm lạ kỳ nhất thế giới” - nhà khoa học Miller chia sẻ.

“Một phần công việc của tôi là đưa đại dương xích lại gần hơn với con người và kích hoạt một số thay đổi nhằm giảm thiểu tác động của chúng ta” - ông Miller nói.

Một cú phun nước của cá voi xanh có thể cao tới 9-12 mét.

Hiện nay cá voi và cá heo chịu nhiều mối đe dọa hơn bao giờ hết, các mối đe dọa đó ngày càng gia tăng và đa dạng hơn khiến nhiều cá thể cá trong tình trạng nguy hiểm.

Để bảo vệ loài vật này, con người cần sử dụng những giải pháp sáng tạo, không xâm lấn nhưng cho phép thu thập dữ liệu tốt hơn với chi phí phải chăng. Qua đó hiểu rõ hơn những mối đe dọa ảnh hưởng tới cá voi xanh như thế nào.

Ocean Alliance cho rằng, dùng drone là phù hợp nhất trong tình hình này.

Clip cá voi xanh phun nước, drone theo dõi chao đảo:

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/the-gioi-dong-vat/ca-voi-xanh-phun-nuoc-lam-chao-dao-chiec-drone-to-mo-3399308/