Cả vùng rạng danh nhờ hai 'cụ tổ'

Một trên 130 tuổi, một gần 60 tuổi nhưng hai 'cụ' nhãn cổ thụ đến vụ không mấy khi lỡ hẹn quả và còn gây giống ra thành một vùng lên tới hơn 650ha.

 Mẹ anh Thành đang tỉa cho chùm nhãn tổ vừa hái xuống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mẹ anh Thành đang tỉa cho chùm nhãn tổ vừa hái xuống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi gốc nhãn ngang giá mỗi con bò, con bê

Khi những chùm nhãn có mẫu mã đặc biệt với dáng quả méo, nước da vàng vừa được ròng từ trên ngọn cây nhãn tổ to như cây đa xuống đã được mọi người tranh nhau đặt mua cho bằng hết.

Chủ nhân của cây nhãn quý, anh Nguyễn Văn Thành ở xã Đại Thành (Quốc Oai, TP Hà Nội) kể với chúng tôi rằng khoảng 60 năm trước khi mẹ mình về làm dâu ở trong nhà đã thấy cái cây lớn như thế này rồi, cho nên tuổi đời ước phải trên 130 năm.

Nhỏ tuổi hơn chút nữa trong vườn có 6 cây nhãn con chừng 50-60 năm còn lại chừng 180 cây nhãn cháu, nhãn chắt trung bình từ 10-20 năm trở lên. Tất cả đều đang cho thu hoạch với sản lượng chừng 15-25 tấn mỗi vụ. Cây to cho 5-6 tạ quả, bán tương đương với một con bò, còn cây bé cho 1-2 tạ bán tương đương với một con bê.

Thợ đang thu hoạch trên cây nhãn tổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ vườn nhà anh Thành, mấy chục năm nay bà con đã lấy giống nhãn quý này nhân ra khắp cả vùng. Năm 2011 nó đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức với cái tên nhãn muộn HTM 1 mà dân gian hay gọi là nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn quả méo hoặc nhãn muộn siêu ngọt.

Trong khi nhãn ở nhiều địa phương năm nay ế ê hề vì được mùa, vì dính dịch Covid 19 nên tiêu thụ chậm, giá cả rẻ mạt thì nhãn méo vườn nhà anh giá bán xô tại vườn là 20.000đ/kg còn quả của những cây cổ vẫn được trả 25.000-30.000đ/kg mà không đủ để bán.

“Được mùa chung toàn quốc nhưng nhãn muộn Đại Thành nhờ nước ăn và hương vị đặc biệt hơn nên vẫn tiêu thụ tốt. Ước tính vụ này tôi thu cũng cỡ 250 triệu, so với mọi năm có sụt giảm nhưng không đến nỗi quá nhiều trong khi chi phí chỉ là công chăm sóc cùng một ít phân bón NPK Lâm Thao”. Anh Thành chia sẻ.

Thùng quả nhãn tổ vừa được tời xuống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lý Đình Quang-Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho hay, hiện nay ở địa phương đang có 115 ha nhãn muộn, mỗi vụ cho sản lượng 2.500 tấn, doanh thu trên 50 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, nhờ Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp hướng dẫn các kỹ thuật mới cho bà con như VietGAP, hỗ trợ vật tư để thâm canh nên chất lượng quả được nâng lên, mã sáng và đẹp.

Nếu như trước đây, bà con thấy năm nào sai hoa, đậu quả nhiều thì vẫn để nguyên khiến vụ sau cây kiệt sức, mất mùa thì nay đã biết tỉa hoa, tỉa quả để đảm bảo độ đồng đều. Nếu như trước đây bà con thường phó mặc cây nhãn cho ông trời không chăm bón hoặc có cũng chỉ ít phân đơn nên cây xơ xác, quả ít, cuống cứng, chùm không rủ, ít nước, ăn nhạt nhất thì nay đã biết bón phân làm hai đợt vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 và tháng 4 bằng NPK Lâm Thao.

Với năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg trừ chi phí, mỗi ha nhà vườn ở đây cũng lãi 200-300 triệu đồng.

Năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, năm 2018 đã xuất khẩu được 17,5 tấn sang thị trường khó tính bậc nhất toàn cầu là Mỹ.

Cũng tại hội trường Ủy ban ngày hôm đó, chúng tôi chứng kiến lễ ký kết giữa các doanh nghiệp gồm Công ty AMeii Việt Nam; Công ty CP Quốc tế BamBoo; Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath và HTX Nông nghiệp Đại Thành để đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng cũng như tìm đường xuất khẩu.

Lễ ký kết bao tiêu sản phẩm nhãn Đại Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chút băn khoăn giữa dịch Covid-19

"Cụ tổ" thứ hai có tuổi đời gần 60 năm mang tên nhãn chín muộn HTM2 gốc ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống chính thức năm 2016.

Trước đó, hội đồng bình tuyển đã thực hiện hai đợt chấm sơ khảo, từ 60 cây được chọn lọc trong sản xuất đại trà qua hai lần rà soát, thẩm tra mới ra được các cây đầu dòng. Trong 19 cây ấy có cây của ông Trần Văn Bảy người đang sở hữu khu vườn rộng 1 ha ngay ở quê hương của giống đặc sản này.

Đặc điểm khác biệt nhất của HTM2 là quả to và hình dạng tròn. Chăm sóc nó khó hơn hẳn so với giống HTM1 vì đòi hỏi “ăn” ngon hơn.

Hai năm gần đây, quả nhãn chín muộn của gia đình ông Bảy đã được các doanh nghiệp lựa chọn để thu mua xuất khẩu. Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều rào cản nên sản lượng xuất khẩu vẫn nhỏ, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa vẫn là chính.

“Thực tế cung đã đủ cầu đâu vì sản lượng nhãn muộn của Hà Nội vẫn nhỏ so với nhu cầu nhưng do năm nay được mùa, thu dồn nhau lại đang có dịch Covid nên giá bán rẻ, tại vườn chỉ còn 20.000đ/kg. Với sản lượng vài chục tấn dự tính tôi sẽ thu được 600-700 triệu đồng”. Ông Bảy bày tỏ.

Ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương bên giống đặc sản quê mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức được thành lập từ cuối năm 2011 với hơn 60 hội viên đã trở thành tác nhân kết nối cho những hộ gia đình như ông từ làm ăn cá thể thành một khối chung về kỹ thuật, chất lượng đầu ra.

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả thì phân tích với tôi về mặt khoa học, quả nhãn chín muộn của Hà Nội là sự kết hợp hài hòa của hàm lượng đường và hàm lượng axit tạo nên vị ngon, cộng với hương thơm rất đặc trưng nữa.

Tuy nhiên nhược điểm là vỏ quả cứng nên mới chỉ xử lý bảo quản bằng phương pháp khô là xông chứ không dùng được phương pháp nhúng, thời gian bảo quản chỉ được cỡ 22 ngày so với 30 ngày của nhãn miền Nam. Nếu tiêu thụ ngay ở thị trường nội đô thì đó không phải là vấn đề nhưng đem đi xa hoặc xuất khẩu sẽ khá khó khăn nhất là khi gặp điều kiện thời tiết mưa nhiều như năm nay dễ bị nứt, hỏng.

Đóng thùng xốp chuẩn bị cho xuất bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn ông Nguyễn Xuân Đại-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội thì cho biết, 60-70% nhãn chín muộn Hà Nội tiêu thụ qua kênh tư thương nên giá cả còn bấp bênh, chưa tương xứng với chất lượng. Cắt giảm các khâu trung gian, kết nối doanh nghiệp mua trực tiếp của nhà vườn sẽ đem lại lợi ích cho cả hai và hiện số này chiếm khoảng 30-40% sản lượng.

Để thúc đẩy, Sở đang hỗ trợ việc bảo quản, quảng bá, xúc tiến thương mại sao cho người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế biết đến nhiều hơn loại đặc sản này.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, hiện tổng diện tích nhãn trên địa bàn khoảng 1.980 ha gồm nhiều giống khác nhau với sản lượng ước đạt trên 21.600 tấn. Riêng về nhãn chín muộn (HTM1, HTM2) có diện tích hơn 650 ha với sản lượng ước đạt 9.000-10.000 tấn.

Do có thời gian thu hoạch lệch hẳn với vụ nhãn chính của miền Bắc, từ 20/8-20/9 nên nhãn muộn Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao đạt 570-600 triệu/ha trong đó lãi trung bình 360-380 triệu/ha.

Gần đây nhãn muộn được quy hoạch trồng tập trung tại ba vùng gồm hai huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác ở một số huyện khác, được lựa chọn là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô.

Từ năm 2016, Trung tâm Kiểm dịch Thực vật I đã cấp 2 mã vùng trồng nhãn chín muộn cho 2 xã Song Phương, An Thượng của huyện Hoài Đức và năm 2019 cấp bổ sung mã vùng trồng cho xã Đại Thành của huyện Quốc Oai. Ở đó, tuyệt đối không được dùng thuốc trừ cỏ cũng như các hoạt chất độc hại khác nên kết quả phân tích dư lượng đều 100% đạt chuẩn.

Dương Đình Tường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ca-vung-rang-danh-nho-hai-cu-to-d271732.html