Cả xã rước báu vật về nhà cố đạo chủ mới

Báu vật gồm 2 con voi bằng vàng, 1 con voi đồng, 1 con nghê đồng, 1 cặp kiếm thép chuôi, vỏ bằng gỗ chạm rồng phượng được dân làng làm lễ bàn giao cho cố đạo chủ mới (người cất giữ).

XEM CLIP:

Sáng mùng 7 Tết, người dân xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tổ chức lễ rước báu vật của vua Hàm Nghi ban sang nhà tân cố đạo chủ.

Vợ chồng cụ Trần Văn Nhung (90 tuổi, trú thôn Hòa Nhượng) sẽ là người canh giữ báu vật của vua trong suốt nhiệm kỳ 2018-2020.

Trong số báu vật vua Hàm Nghi ban tặng có 2 con voi bằng vàng thật

Báu vật gồm 40 đạo sắc phong của các triều vua từ Minh Mạng đến Khải Định phong cho các vị thần được thờ ở đền Trầm Lâm và đến Công Đồng; màn gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng dùng cho vua, áo mũ triều thần 8 bộ, cờ lộng, tàn quạt 20 chiếc, 1 con nghê đồng; 3 con voi (2 con bằng vàng 2,7 lượng và 1,7 lượng, 1 con bằng đồng, 2 kiếm thép chuôi, vỏ bằng gỗ chạm rồng phượng.

Báu vật được rước về nhà cố đạo chủ mới sẽ được cất vào két sắt chống trộm.

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Gia Trần Văn Nhân, người được chọn canh giữ báu vật của vua phải là người hiểu biết về Nho giáo, tâm linh, sống đạo đức và được người dân yêu mến, đồng thời phải có sự hài hòa âm dương, nghĩa là 2 vợ chồng đều còn sống.

“Người được chọn làm cố đạo chủ hàng tháng có nhiệm vụ thắp hương cầu cúng cho mùa màng bội thu, dân làng bình yên”, ông Nhân nói.

Hàng trăm người dân làng Phú Gia tham gia lễ rước

Kiệu rước chân dung vua Hàm Nghi

Các vị cao niên làm lễ tại đền Trần Lâm trước khi trao báu vật. Người đội khăn đóng màu tím là tân cố đạo chủ Trần Văn Nhung, người ngoài cùng bìa phải là cố đạo chủ tiền nhiệm Lưu Văn Chân

Tấu sớ trong lễ đều bằng chữ Hán

Cố đạo chủ Lưu Văn Chân trong bàn giao báu vật

Vợ cố đạo chủ tiền nhiệm giữ chặt những hộp đựng báu vật trước khi bàn giao

Báu vật bằng vàng được lưu giữ trong hộp kim loại hơn 100 năm nay

Vợ chồng cố đạo chủ Lưu Văn Chân ký bàn giao báu vật cho tân cố đạo chủ Trần Văn Nhung

Tân cố đạo chủ (ngồi) mang theo đạo sắc của vua ban, các hiện vật được một người khác mang theo để rước về nhà

Báu vật được cất đặt trong két sắt chống trộm

Tương truyền, ngày 4/7/1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết tập hợp binh sĩ, phò vua Hàm Nghi chạy ra thành Tân Sở, tỉnh Quảng Trị, thảo hịch Cần Vương lần thứ nhất.

Sau đó, do thành Tân Sở ở vị trí không thuận tiện cho việc phòng thủ nên vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng vượt đèo Quy Hợp về thành Sơn Phòng, miếu Trầm Lâm (nay thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê).

Tại đây, vua đã viết chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân đánh giặc Pháp. Thời gian này, vua bị quân Pháp vây bắt nhiều lần nhưng không thành. Buổi tối ngủ tại miếu Trầm Lâm, vua được thần linh báo mộng cách tránh nạn giặc Pháp.

Tỉnh dậy, vua Hàm Nghi truyền thiết triều, giao cho Tôn Thất Thuyết và các triều thần đến lễ tạ ở miếu Trầm Lâm và sắc phong cho các vị thần thờ ở đây kèm theo báu vật để đáp lại công phò vua, giúp nước của nhân dân địa phương.

Thiện Lương

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-anh/ca-xa-ruoc-bau-vat-ve-nha-co-dao-chu-moi-o-ha-tinh-431118.html