Các bậc đế vương xưa 'thao túng' Tết Dương lịch thế nào?

Diện mạo của ngày Tết Dương lịch ngày nay mang đậm dấu ấn của các vị vua chúa nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử thế giới. Họ chính là những người tạo nên ngày đầu tiên của năm mới cho nhân loại.

Hoàng đế Julius Ceasar khai sinh ra ngày Năm mới

Lần đầu tiên, ngày 1/1 được công nhận rộng rãi là ngày Năm mới vào năm 46 trước Công nguyên, sau khi hoàng đế Julius Caesar tuyên bố áp dụng hệ thống lịch mới. Trước đó, ngày đầu tiên của năm mới luôn là ngày 1/3.

 Người La Mã cổ đại đón năm mới trong không khí tươi vui. Ảnh minh họa.

Người La Mã cổ đại đón năm mới trong không khí tươi vui. Ảnh minh họa.

Hệ thống lịch mới của Julius Caesar được gọi là lịch Julius. Nó được lựa chọn sau khi có sự tư vấn của nhà thiên văn người Alexandria là Sosigenes và đã được thiết kế để gần đúng với năm chí tuyến, đã được biết ít nhất là từ thời của nhà thiên văn Hipparchus.

Một năm của lịch Julius có 365 ngày, được chia thành 12 tháng, và ngày nhuận được thêm vào tháng Hai sau mỗi 4 năm. Tuy vậy, một năm của lịch Julius có sự chênh lệch khoảng 11 phút với một vòng quay của Trái đất quanh mặt trời. Điều đó làm cho bộ lịch này “thừa” ra một ngày sau 134 năm.

Các nhà thiên văn học La Mã đã nhận ra sự sai lệch này, nhưng vẫn “bỏ qua” vì cho rằng nó là quá ít đế có thể bận tâm.

Giáo Hoàng Gregory XIII thống nhất “quy chuẩn” về ngày đón năm mới

Sau khi đế chế La Mã sụp đổ, người dân châu Âu thời Trung Cổ vẫn tiếp tục đón năm mới theo lịch của Julius Caesar. Tuy nhiên, sự sai sót về năm nhuận đã tích lũy theo thời gian và gây ra nhiều phiền toái.

Giáo Hoàng Gregory XIII.

Để loại trừ sự thiếu chính xác về toán học, vào năm 1582, Giáo Hoàng Gregory XIII thay thế lịch Julius bằng bộ lịch mới mang tên mình: lịch Gregory. Bộ lịch này được áp dụng cho đến bây giờ và trở thành quy chuẩn cho toàn thế giới

Lịch Gregory chia thành một năm thành 12 tháng với 365 ngày, cứ 4 năm thì thêm một ngày vào cuối tháng 2 tạo thành năm nhuận.

Giáo Hoàng Gregory XIII thống nhất “quy chuẩn” về ngày đón năm mới.

Vì những lý do khác nhau, phải mất một thời gian rất dài lịch Gregory mới được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Nước Anh và thuộc địa Hoa Kỳ đến năm 1752 mới theo lịch mới, với sự chênh lệch lên đến 11 ngày giữa hai bộ lịch. Vì điều này mà George Washington sinh ngày 11/2/1731, nhưng người Mỹ vẫn quen ăn mừng sinh nhật của ông vào ngày 22/ 2. Nga chỉ theo lịch Gregory sau năm 1917, do đó Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra vào tháng 11 Dương lịch.

Thậm chí, sự sai lệch này còn tác động trực tiếp đến thói quen đón năm mới của người Nga hiện tại, sẽ được đề cập dưới đây.

Nga Hoàng Pie Đệ Nhất đảo lộn thói quen đón năm mới của Nga

Người Nga cổ có phong tục đón năm mới vào một ngày hội mùa Xuân, theo lịch hiện nay là khoảng ngày 22/3. Do thời tiết tháng ba vẫn còn giá lạnh, để việc tổ chức các lễ thuận tiện hơn, đến giữa thế kỉ 14 người Nga chuyển lễ Năm mới sang ngày 1/9.

Truyền thống đó đã chấm dứt vào năm 1699, khi Nga Hoàng Pie Đệ Nhất đưa ra sắc lệnh mới, quy định các ngày lễ năm mới diễn ra từ 1-7/1 theo lịch Julius của châu Âu.

Nga Hoàng Pie Đệ Nhất đảo lộn thói quen đón năm mới của Nga.

Không những quy định mốc thời gian mới, sắc lệnh của Nga Hoàng còn thay đổi hoàn toàn lề thói đón năm mới của người Nga. Theo đó, trong những ngày lễ năm mới các thần dân cần phải vui chơi, nhưng không được thái quá hoặc say rượu, đánh nhau.

Các nhà dân phải trang hoàng bằng những cành lá thông xanh cho đến tận ngày 7/1. Ngoài đường phố tổ chức các hoạt động trượt băng và vui chơi, phong tục dựng cây thông năm mới và nghi thức bắn đại bác và pháo hoa trên quảng trường Đỏ cũng được tiến hành.

Cũng như nhiều cải cách của Pie Đại đế, sắc lệnh về năm mới của ông bị các tầng lớp lạc hậu trong xã hội Nga, đặc biệt là giới tăng lữ phản đối mạnh mẽ. Nhưng tất cả đã phải khuất phục trước các biện pháp trừng phạt mạnh tay của chính quyền.

Sau Cách mạng Tháng Mười 1917, nước Nga chuyển sang sử dụng hệ lịch Gregory. Đây là lý do khiến người Nga ngày nay đón năm mới đến… 2 lần một năm. Lần đầu vào ngày 1/1 theo đúng chuẩn thế giới, lần hai là ngày 13/1 theo cách tính của lịch cũ.

Minh Trị Thiên Hoàng chuộng lịch Dương, từ bỏ lịch Âm

Trước thời Minh Trị, năm mới của Nhật Bản dựa theo lịch Âm, giống như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, vào năm 1873, Nhật hoàng Minh Trị đã thông qua Dương lịch và ngày đầu tiên của tháng một Dương lịch chính thức trở thành ngày đầu năm mới.

Dù theo lịch phương Tây nhưng lễ đón năm mới của Nhật Bản vẫn đậm nét truyền thống của xứ sở hoa anh đào. Người Nhật gọi ngày lễ này là “Oshogatsu”, được coi là sự kiện để đón chào vị thần Toshigamisam.

Phong tục đón năm mới ở Nhật Bản.

Đêm ngày 31/12 là thời gian để gia đình sum họp, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Vào đúng 0h đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ bằng âm thanh của Phật pháp. Trong tiếng chuông ngân vang, mọi người chúc mừng năm mới và quây quần bên nhau cùng thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống.

Cũng giống nhiều nước ở châu Á, người Nhật thường đi lễ chùa cầu may mắn, tốt lành ngày đầu năm mới. Trẻ em cũng sẽ được nhận tiền mừng tuổi trong dịp này.

Tại quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, nơi có một nền văn hóa riêng biệt, năm mới vẫn được đón chào theo Âm lịch.

Hoàng Phương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cac-bac-de-vuong-xua-thao-tung-tet-duong-lich-the-nao-1165130.html