Các bài thuốc trị bệnh ôn dịch

Khi gặp khí hậu không đúng mùa: mùa xuân lại giá rét; mùa hạ lại mát mẻ; mùa thu lại nóng bức, mùa đông lại ấm áp...; con người dễ cảm nhiễm mà sinh bệnh, gọi là bệnh ôn dịch.

Bệnh truyền qua mũi, miệng. Người mắc chứng này, phần nhiều do chính khí bị khuy tổn, hoặc làm lụng vất vả quá độ, hoặc ăn uống lúc đói quá, lúc no quá,... nên tà khí nhiễm vào.

Triệu chứng

Khi mới phát bệnh, cảm giác người gai lạnh, sau phát sốt, nhiệt nhiều rét ít, dần dần chỉ sốt nóng mà không lạnh, nhức đầu, đau mình, mạch sác. Nếu để lâu không chữa, độc tà truyền vào tâm bào, khiến trong tâm nóng nảy và bức bách, tinh thần mê man. Cũng có khi tà nhiệt hãm ở hạ tiêu, khí đạo không thông hành được, làm cho tiểu tiện bị bít tắc; bụng dưới trướng đầy, đêm sốt nhiều. Người bị bệnh ôn dịch thường rêu lưỡi trắng rộp như bông, dần chuyển sắc vàng, hung cách đầy và đau, khát, phiền táo, là độc tà đã truyền vào tới vị. Nhiệt tà hun đúc ở bên trong, không bài tiết đi được; huyết bị nhiệt hun, lưu ở kinh lạc, hóa thành huyết tím, tràn sang trường, vị, lại biến thành sắc đen, lúc đó thì đại tiện dễ mà phân đen, bệnh nhân lại sinh chứng hay quên. Có khi nhiệt đi xuống khí phận ở hạ tiêu, thành chứng tiểu tiện không lợi. Có khi do tiểu tiện không lợi, tà khí bị uất tắc, kinh khí ngừng trệ mà biến thành chứng hoàng đản; nếu tà khí lưu ở huyết phận, sẽ phát ban.

Kim ngân hoa là vị thuốc trong bài “Ngân kiều tán” trị bệnh ôn dịch khi mới phát.

Kim ngân hoa là vị thuốc trong bài “Ngân kiều tán” trị bệnh ôn dịch khi mới phát.

Phép trị theo Đông y

Bệnh ôn dịch khi mới phát, trước tiên người gai lạnh, sau chỉ sốt mà không gai lạnh; đầu nhức, mình đau, mạch sác... Dùng bài Ngân kiều tán: liên kiều 30g, cát cánh 18g, trúc diệp 12g, kinh giới 12g, ngưu bàng 18g, kim ngân hoa 30g, bạc hà 18g, cam thảo 15g, đậu sị 15g. Các vị thuốc tán bột, mỗi lần dùng 20g, lấy lô căn làm thang, đun thấy mùi thơm bốc lên thì uống. Bệnh nặng cách 2 tiếng uống 1 lần, ngày 3 lần, đêm 1 lần. Bệnh nhẹ cách 3 tiếng uống 1 lần, ngày 2 lần, đêm 1 lần. Nếu chưa khỏi, đun thêm một liều nữa để uống.

Nếu nhiệt tà truyền vào tâm bào, trong lòng nóng nảy và bức bách, dùng bài An cung ngưu hoàng hoàn hoặc Tử tuyết đan hay Chí bảo đơn.

Nếu nhiệt tà hãm ở hạ tiêu khiến khí đạo không hành, tiểu tiện bị bít tắc, về đêm sốt nhiều..., dùng bài Ngân kiều đạo xích tán: ngân hoa 12g, liên kiều 12g, mộc thông 6g, tiên trúc diệp 12g, sinh địa 12g, cam thảo 4g. Các vị đun với 3 bát nước, cạn còn 1 bát, bỏ bã, uống một lần.

Nếu sốt đã tới 2, 3 ngày, rêu lưỡi trắng như bông, dùng bài Đạt nguyên ẩm: hoàng cầm 6g, bạch thược 4g, thảo quả 4g, binh lang 8g, sinh khương 7 lát, cam thảo 4g, hậu phác 4g, tri mẫu 8g, đại táo 1 quả. Các vị đun với 2 bát nước, cạn còn 2/3, bỏ bã, uống một lần vào khoảng 13-14 giờ.

Khi rêu lưỡi chuyển màu vàng, hung cách đầy đau, khát nhiều, phiền táo... là độc tà truyền vào vị, dùng bài Đạt nguyên ẩm, gia đại hoàng 8g. Sắc uống.

Bệnh mới phát mà rêu lưỡi trắng là tà còn ở mạc nguyên, sau đó rêu lưỡi vàng dần tới giữa lưỡi, dùng bài Đạt nguyên ẩm, gia khương hoạt 4g, sài hồ 4g, cát căn 6g, đại hoàng 8g. Sắc uống.

Nếu về chiều có sốt, phiền táo, rêu lưỡi chuyển màu đen hoặc nổi lên như gai mít, đó là nhiệt tà quá nặng, Vị dịch sắp khô kiệt, dùng ngay phép hạ, cho uống Đại thừa khí thang: đại hoàng 12g, hậu phác 15g, chỉ thực 12g, mang tiêu 12g. Sắc uống.

Tới thời kỳ biến thành hoàng đản, dùng bài Nhân trần cao thang: nhân trần cao 18g, chi tử 9g, đại hoàng 6g. Sắc uống.

Nhiệt tà còn lưu lại ở huyết phận gây phát ban, dùng bài Hóa ban thang: thạch cao 30g, cam thảo 10g, thủy ngưu giác 8g, tri mẫu 12g, huyền sâm 10g, ngạnh mễ 10g. Sắc uống.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-bai-thuoc-tri-benh-on-dich-n174339.html