Các Ban QLDA giao thông đua tiến độ giải ngân

Để giải ngân, các Ban QLDA giao thông đang tăng tốc cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác thi công, lũy tiến sản lượng.

Chạy đua bám sát kế hoạch

Bước sang tháng 5/2023, Ban QLDA Mỹ Thuận đón những tín hiệu tích cực khi kết quả giải ngân vượt lên dẫn đầu trong các chủ đầu tư/Ban QLDA thuộc Bộ GTVT.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, năm 2023, đơn vị được giao kế hoạch vốn và phân khai là 10.587 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các dự án: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gần 7.200 tỷ đồng), cầu Rạch Miễu (1.450 tỷ đồng), đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (670 tỷ đồng)…

Việc thi công các dự án đang được Bộ GTVT, các Ban QLDA chỉ đạo nhà thầu duy trì “3 ca, 4 kíp” để đáp ứng khối lượng giải ngân đăng ký (Trong ảnh: Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh minh họa: Tạ Hải

Lũy kế giải ngân đến hết ngày 16/5 của Ban là hơn 4.400 tỷ đồng, đạt hơn 41% kế hoạch được giao. Dự kiến đến tháng 5/2023, khối lượng giải ngân của đơn vị là hơn 4.560 tỷ đồng, đạt hơn 43%, đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Thi, trong các công trình Ban làm chủ đầu tư, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau có khối lượng giải ngân khá tốt do đơn vị đã chủ động phối hợp địa phương triển khai thủ tục đền bù giải ngân chi phí GPMB bên cạnh công tác tạm ứng hợp đồng.

Trong đó, đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt giá trị giải ngân hơn 1.600 tỷ đồng, đạt hơn 37%; đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt giá trị hơn 1.352 tỷ đồng, đạt hơn 48% so với kế hoạch năm.

Thông tin thêm, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo kế hoạch, mỗi tháng dự án Cần Thơ - Hậu Giang giải ngân trung bình khoảng 233 tỷ đồng, thực tế giải ngân hiện tại trung bình hơn 330 tỷ đồng/tháng.

Được giao kế hoạch vốn gần 9.200 tỷ đồng trong năm 2023, Ban QLDA Thăng Long cũng có kết quả giải ngân tương đối tốt.

Theo ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long), năm 2023, số vốn được giao của Ban tập trung chủ yếu vào 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam: Mai Sơn - QL45 (gần 2.200 tỷ đồng), cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (gần 1.900 tỷ đồng), Bãi Vọt - Hàm Nghi (gần 2.000 tỷ đồng), Hàm Nghi - Vũng Áng (hơn 2.400 tỷ đồng).

Tính đến ngày 20/5/2023, khối lượng giải ngân đạt hơn 2.600 tỷ đồng, đạt khoảng 29%, cơ bản đáp ứng kế hoạch vốn được giao.

Trong đó, Phan Thiết - Dầu Giây là dự án có tiến độ giải ngân tốt nhất với gần 1.000 tỷ đồng đã giải ngân được tính đến hiện tại, đạt gần 53% kế hoạch.

Phụ trách giải ngân số vốn gấp 1,7 lần so với năm 2022 (hơn 12.500 tỷ đồng), Ban QLDA 7 cũng đang nỗ lực chỉ đạo các nhà thầu tăng tốc loạt dự án để bám sát kế hoạch đăng ký với Bộ GTVT.

Đại diện Ban QLDA 7 cho hay, theo đăng ký, đến hết tháng 4/2023, khối lượng giải ngân của Ban đạt 3.997 tỷ đồng (đạt 31,8%).

Tính đến ngày 17/5, khối lượng giải ngân của Ban đạt 3.441tỷ đồng, đạt hơn 80% so với đăng kế hoạch đăng ký đến hết tháng 4 và hơn 27% so với kế hoạch vốn giao của năm 2023.

Tranh thủ tích lũy sản lượng

Kết quả giải ngân tương đối tốt, song, thực tế, quá trình thi công tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau vẫn gặp không ít trở ngại trong công tác GPMB.

Theo ông Lê Đức Tuân, sau gần nửa năm kể từ ngày khởi công, tính đến trung tuần tháng 5/2023, dự án Cần Thơ - Hậu Giang được địa phương bàn giao hơn 36km trên tổng chiều dài gần 38km và gần 2,9km trên tổng chiều dài hơn 9km tuyến nối.

Dự án Hậu Giang - Cà Mau được bàn giao được hơn 67km trên chiều dài tuyến cao tốc hơn 73km và 6,5/16,6km tuyến nối.

Thực tế triển khai, dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang mới thi công được trên gần 35km tuyến cao tốc, 2,84km tuyến nối.

Dự án Hậu Giang - Cà Mau thi công được trên diện tích mặt bằng hơn 61km cao tốc và 6,5km tuyến nối. Mặt bằng bàn giao chưa tổ chức được thi công ảnh hưởng lớn đến sản lượng xây lắp của dự án.

Trong đó, sản lượng dự án thi công dự án Cần Thơ - Hậu Giang đến giữa tháng 5 mới đạt hơn 170 tỷ đồng (đạt 2,25% giá trị hợp đồng) so với kế hoạch là hơn 404 tỷ đồng. Dự án Hậu Giang - Cà Mau đạt 131 tỷ (đạt hơn 1% so với giá trị hợp đồng), chậm so với kế hoạch là 351 tỷ đồng.

Tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư, giá trị xây lắp thực hiện cũng chưa đúng kỳ vọng bởi khó khăn về mặt bằng.

Đối với dự án đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, đến ngày 11/4/2023, 5 địa phương đã bàn giao gần 43/48,05km, đạt gần 89% nhưng các nhà thầu mới tiếp cận để thi công được gần 27km. Tổng giá trị thực hiện mới đạt gần 93/7.544 tỷ đồng (1,23% giá trị hợp đồng).

Dự án Vân Phong - Nha Trang đã bàn giao mặt bằng gần 58/83,35km, đạt 69%. Tuy nhiên, một số vị trí đã bàn giao mặt bằng song không liên tục, nhiều đoạn không có đường tiếp cận… các vị trí có thể tiếp cận để thi công chỉ được hơn 43km.

Tổng giá trị thực hiện hai gói thầu xây lắp tới nay đạt 109/7.138 tỷ đồng, mới đạt 1,54% giá trị hợp đồng.

Cần phải nói thêm, trong tổng kế hoạch vốn Bộ GTVT được giao năm 2023, khối lượng vốn phân bổ cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 lên đến gần 45.500 tỷ đồng (chiếm hơn 47% tổng kế hoạch vốn).

Nếu nút thắt mặt bằng không được quan tâm tháo gỡ, tạo điều kiện cho nhà thầu tăng mũi thi công, tiến độ giải ngân của dự án sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Giải quyết dứt điểm vướng mắc

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 4/2023, trong 12 dự án giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu, nhóm các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 có 5 dự án chủ yếu do công tác GPMB chậm.

Cụ thể là các đoạn: Bùng - Vạn Ninh (Ban QLDA 6); Vân Phong - Nha Trang (Ban QLDA 7); Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Ban QLDA 85); Hàm Nghi - Vũng Áng (Ban QLDA 85) và Vạn Ninh - Cam Lộ (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh).

Trong lúc điều kiện mặt bằng thi công chưa đạt 100%, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đang tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư/Ban QLDA đôn đốc nhà thầu tập trung vào các hạng mục công trình không bị ảnh hưởng bởi điều kiện mặt bằng, vật liệu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, “cùng với sự rốt ráo của lãnh đạo Bộ GTVT, các chủ đầu tư/Ban QLDA cũng cần khẩn khương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB, đề nghị các địa phương ưu tiên GPMB trước những vị trí thi công các công trình có giá trị lớn như: Cầu, hầm, đoạn tuyến có khối lượng đào đắp lớn để nhà thầu dồn lực triển khai, lũy tiến sản lượng giải ngân”.

Giải ngân vốn giao thông đạt hơn 28.000 tỷ đồng

Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn gần 95.200 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/5, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT đạt hơn 28.000 tỷ đồng, đạt 29,5%.

Trong đó, nhóm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân hơn 4.882/hơn 17.157 tỷ đồng (đạt 28,5%); nhóm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đạt hơn 14.330/gần 45.500 tỷ đồng (đạt 31,5%); nhóm các dự án trọng điểm, cấp bách đạt gần 230/hơn 18.855 tỷ đồng (đạt 12,4%); nhóm các dự án ODA đạt gần 3.800/gần 7.800 tỷ đồng (đạt 48,3%); nhóm các dự án trong nước khác giải ngân hơn 4.800/gần 23.000 tỷ đồng (đạt 21%).

Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số Ban QLDA có tỷ lệ giải ngân tương đối tốt gồm: Ban QLDA Thăng Long (đạt gần 36% kế hoạch năm), Ban QLDA Mỹ Thuận (đạt gần 40%), Ban QLDA 7 (đạt hơn 31%), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đạt hơn 28%).

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cac-ban-qlda-giao-thong-dua-tien-do-giai-ngan-d591753.html