Các bệnh viện nâng mức cảnh giác dịch lên mức cao nhất

Bệnh viện là thành trì cuối cùng trong hệ thống phòng tuyến chống dịch Covid-19. Do vậy, khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 dù là cán bộ y tế hay người bệnh, người nhà, các bệnh viện đều phải khẩn trương thực hiện phong tỏa, cách ly y tế để triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và ngăn chặn sự lây lan.

Lực lượng chức năng phong tỏa tạm thời Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) để kiểm soát dịch Covid-19.

Lực lượng chức năng phong tỏa tạm thời Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) để kiểm soát dịch Covid-19.

Bệnh viện là thành trì cuối cùng trong hệ thống phòng tuyến chống dịch Covid-19. Do vậy, khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 dù là cán bộ y tế hay người bệnh, người nhà, các bệnh viện đều phải khẩn trương thực hiện phong tỏa, cách ly y tế để triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và ngăn chặn sự lây lan.

Phong tỏa, cách ly y tế chín bệnh viện

Tính đến chiều 7-5, đã có chín bệnh viện thực hiện phong tỏa tạm thời, cách ly y tế hoặc tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Ða khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Ðông Anh (Hà Nội), Phong da liễu T.Ư Quỳnh Lập (Nghệ An), Phổi Lạng Sơn, Ða khoa tỉnh Thái Bình, Hoàn Mỹ Ðà Nẵng, Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội ) và K (cả ba cơ sở), Ða khoa Medlatec (cơ sở 42 - 44 Nghĩa Dũng, Ba Ðình, Hà Nội). Các bệnh viện sẽ tập trung khử khuẩn, vệ sinh môi trường và khoanh vùng, chống lây chéo bệnh viện. Trong các bệnh viện nêu trên, đáng quan ngại nhất là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, đến nay đã có 69 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 42 trường hợp dương tính tại bệnh viện (ba nhân viên y tế, 39 người bệnh và người nhà người bệnh) và 27 trường hợp tại: Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh; Hà Nội; Lạng Sơn và Nghệ An (những trường hợp này là người nhà đến chăm sóc người bệnh tại bệnh viện trong khoảng thời gian từ ngày 20-4 đến 5-5 và đã trở về địa phương).

Ngay sau khi ghi nhận 11 ca mắc Covid-19, trong sáng sớm 7-5, Bệnh viện K đã chỉ đạo phong tỏa tạm thời tất cả các khoa, phòng; cách ly từng khoa, từng tầng và không tiếp nhận người bệnh mới cũng như người bệnh ngoại trú, trừ trường hợp cấp cứu đặc biệt. Thông tin của Bệnh viện K cho biết, toàn bộ 11 người dương tính với SARS-CoV-2 thì có bảy mẫu của người bệnh và bốn mẫu của người nhà người bệnh tại Khoa Ngoại gan mật tụy. Qua điều tra thông tin dịch tễ ban đầu được biết, người bệnh B.T. H, 63 tuổi, trú tại tổ dân phố Tây kênh, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh có nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Ðông Anh từ ngày 31-3-2021 và điều trị viêm gan tại đây trong một tháng. Từ ngày 27-4, người bệnh H chuyển sang nhập Bệnh viện K khám và điều trị. Từ khi nhập viện, người bệnh chỉ ở trong phòng điều trị; từ thời điểm nhập Bệnh viện K điều trị chỉ có ông Lương Ðức C. chăm sóc cho người bệnh H.

Ngay khi ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19, Bệnh viện K đã báo cáo nhanh đến Bộ Y tế, Sở Y tế, CDC Hà Nội, lãnh đạo huyện Thanh Trì để xin ý kiến chỉ đạo. Cùng với quyết định phong tỏa tạm thời, Bệnh viện K đã lên những phương án để bảo đảm về thuốc điều trị, nhu cầu thiết yếu của tất cả người bệnh và cán bộ y tế, người lao động ở lại ba cơ sở của bệnh viện trong thời gian này. Ðồng thời phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục mở rộng xét nghiệm toàn bộ cán bộ, công nhân viên, các người bệnh và người nhà người bệnh.

Những việc cần làm ngay

Qua kết quả điều tra, truy vết, phần lớn các ca bệnh mới phát hiện đều liên quan đến các ổ dịch, trong đó nhiều ca liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Qua sự việc cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Ðông Anh đã bước đầu phải rút kinh nghiệm về môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly. Bộ Y tế luôn xác định bệnh viện sẽ là nơi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm, nguy cơ rất cao, cho nên thường xuyên thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp. PGS, TS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo: Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hãy nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Các bệnh viện phải có các thông báo từ cổng bệnh viện, tổ chức cách ly, phân luồng người bệnh và coi tất cả người bệnh đến đều là F0 để có các biện pháp phòng tránh phù hợp. Tất cả người bệnh đến đều được sàng lọc và khai báo y tế; tổ chức sàng lọc, xét nghiệm cho tất cả các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh ở các khu vực có dịch trong cộng đồng... Tất cả các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế về việc thực hiện giãn cách trong bệnh viện, thực hiện khuyến cáo 5K, hạn chế người nhà tới thăm người bệnh, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, kê giường bệnh giãn cách 2 m.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình dịch bệnh. Thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn trong phòng, chống Covid-19, kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động những cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định. Tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng, cửa tiếp đón của cơ sở khám, chữa bệnh; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám, chữa bệnh. Hạn chế thấp nhất người nhà, người thân đến cơ sở khám, chữa bệnh; hạn chế nhập viện nội trú khi không thật sự cần thiết; triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh.

Các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Ðịnh kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly; cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm Covid-19… Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ một đến ba tháng, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.

Các cơ sở khám, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển người bệnh tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến. Các cơ sở điều trị người bệnh Covid-19 khi cho người bệnh xuất viện phải thông báo cho sở y tế các tỉnh, thành phố nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.

Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19: thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc búp-phê, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, ka-ra-ô-kê...

Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ. Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bệnh viện không chỉ đối phó với dịch Covid-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như: cúm, sởi, ho gà, bạch hầu… Chính vì vậy, việc ưu tiên đối phó với dịch Covid-19 trong giai đoạn trước mắt và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác về lâu dài, góp phần giúp bệnh viện bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê

Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

Trung Hiếu

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/y-te/cac-benh-vien-nang-muc-canh-giac-dich-len-muc-cao-nhat-645121/