Các bộ, ngành Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chậm và còn mang tính đối phó

Trong buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ vào sáng 12.7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chỉ riêng trong tuần này, Thủ tướng tiếp tục 2 lần nhắc nhở Tổ công tác phải đôn đốc các bộ sớm trình phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.

Bộ phận một cửa của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Ảnh: Hải Nguyễn

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng giao về cải cách các hoạt động trên chuyển biến rất chậm, ngoại trừ Bộ Công Thương đã cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh vào đầu năm nay, còn rất nhiều bộ thực chất chưa làm.

Còn mang tính đối phó

Theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành liên quan đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% ĐKKD hiện có. Nhưng cho đến tháng 6.2018, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, mới chỉ có nghị định về cắt giảm các ĐKKD thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương là đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD của các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng. Thông tin VCCI có được là hiện nay các Bộ: NNPTNT, Xây dựng, Tài chính, Y tế, TNMT, GDĐT, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng các nghị định về ĐKKD.

Chủ tịch VCCI nhìn nhận, một số bộ có phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD thông qua Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng là: Bộ LĐTBXH; Bộ Tư pháp. Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không có thông tin. Như vậy, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số ĐKKD trước mốc 31.10.2018 là một thách thức rất lớn. Chưa kể quá trình soạn thảo nghị định, chờ thủ tục thông qua rất mất thời gian.

Đáng chú ý, theo VCCI thì chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD thì chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, một số điều kiện được đơn giản hóa trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD được tính là cắt, giảm đơn giản hóa nhưng thực chất các đề xuất cắt giảm này không có nhiều ý nghĩa, ĐKKD của doanh nghiệp cũng không đơn giản hơn là mấy.

Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Ảnh: T.L

Các bộ nói gì?

Về cắt giảm ĐKKD tại Bộ Xây dựng, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng vụ Pháp chế - cho biết, Bộ Xây dựng đã tổng hợp để đưa vào Nghị định về sửa đổi bổ sung đơn giản hóa ĐKKD về quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Trong Nghị định mới này, Bộ Xây dưng đã đề xuất cắt giảm 49/90 thủ tục, đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính; đề xuất bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ 41,3% và đơn giản hóa 47,3%, chỉ còn giữ nguyên 15% các ĐKKD.

Bà Hạnh cho biết, từ năm 2017, Bộ Xây dựng đã gửi dự thảo về nghị định mới xin ý kiến các bộ ngành, địa phương. Tới tháng 1.2018, Bộ Xây dựng chính thức trình dự thảo nghị định xin Thủ tướng phê duyệt. Cũng theo thông tin từ bà Hạnh, nghị định mới về sửa đổi bổ sung đơn giản hóa ĐKKD về quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng sẽ được Thủ tướng ký phê duyệt chỉ trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm các ĐKKD, Bộ TNMT đã triển khai rà soát và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ từ năm 2017.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TNMT- cho biết, bộ đã kiến nghị Chính phủ và tổ chức xây dựng nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của các nghị định liên quan đến ĐKKD thuộc lĩnh vực TNMT. Nghị định mới này sẽ sửa đổi, bổ sung 11 nghị định có liên quan.

Theo đó, Bộ TNMT sẽ bãi bỏ 103/167 ĐKKD, chiếm 62,3% thuộc 6 lĩnh vực gồm đất đai, môi trường, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, tài nguyên nước. Ngoài ra, nghị định mới cũng đơn giản hóa 25 ĐKKD, bãi bỏ 9 thủ tục hành chính.

Ông Hùng cho biết, từ tháng 5, Bộ TNMT đã gửi dự thảo xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tới tháng 6 gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp. Và cuối tháng 6 đã trình Thủ tướng để phê duyệt. “Dự kiến nhanh nhất đầu tháng 8 thì nghị định mới sẽ được Thủ tướng phê duyệt” - ông Hùng nói

Còn Bộ NNPTNT, theo Báo cáo số 70/BC-TCTTTg ngày 1.3.2018 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải KTCN; cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm hàng hóa theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1.1.2018 của Chính phủ. Bộ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 39/63 thủ tục hành chính, đạt 61,9%.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP - nhấn mạnh, trong 2 năm gần đây, vấn đề cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Việt Nam đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và quyết liệt kiểm tra sát sao nên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. So với các nước trong khu vực, vấn đề CCTTHC của nước ta đã đạt mức Asian 5.

“Điều đáng ghi nhận trong CCTTHC, đơn giản các TTHC là chúng ta đã mạnh dạn giao trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ cho DN. Theo đó những mặt hàng thông thường thì DN được quyền công bố chất lượng và chịu trách nhiệm về công bố đó, đồng nghĩa với chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, có những vấn đề còn vướng nhiều thủ tục hiện nay là các thủ tục trong lĩnh vực TNMT; kinh doanh, các mặt hàng XNK đặc biệt. Trong các lĩnh vực đặc biệt này thì hầu như nước nào cũng vậy, không hề dễ dàng” - TS Nguyễn Liên Phương cho biết.

Theo TS Nguyễn Liên Phương, để đạt mức Asian 4 thì chúng ta cần nỗ lực hơn nữa. Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa để các bộ, ban, ngành mạnh dạn “cởi trói” cho DN. Trong đó, các DN cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

“CCTTHC chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu DN phát huy hết vai trò chủ động, năng động và sáng tạo. Nhà nước đã tạo chính sách thể chế, nhưng hiện nay DN chưa nỗ lực tương xứng với mọi điều kiện mà Chính phủ đã tạo cho. Tại sao cùng một môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cùng chăn nuôi gà, tôm, lợn nhưng các DN Thái Lan thành công còn DN Việt lại ỳ ạch!? Là bởi năng lực quản trị của chúng ta chưa tốt. Vậy nên, cùng với CCTTHC mạnh mẽ của Nhà nước, thì các DN cũng cần phải cải cách lại tư duy và cách quản lý” - TS Nguyễn Liên Phương nêu ý kiến.

thông chí - khánh vũ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/cac-bo-nganh-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-cham-va-con-mang-tinh-doi-pho-618511.ldo