Các ca dương tính sau 14 ngày cách ly cho thấy khả năng virus có thay đổi…

Mới đây, Việt Nam ghi nhận đã xuất hiện biến chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ. Đồng thời, xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 sau 14 ngày cách ly. Phóng viên báo Sức khỏe& Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Vũ Mai Phương- Trưởng khoa Virus,Viện Vệ sinh dịch tễ TW về nghiên cứu liên quan tới chủng virus biến thể này.

TS. Hoàng Vũ Mai Phương nhận định, nhiều biến thể của virus lưu hành cùng lúc gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch

TS. Hoàng Vũ Mai Phương nhận định, nhiều biến thể của virus lưu hành cùng lúc gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch

PV: Kết quả giải trình tự gen của Viện Vệ sinh dịch tễ TW trên các ca dương tính với SARS-COV-2 mới đây cho thấy ở Việt Nam đã xuất hiện chủng virus biến thể Ấn Độ. Chủng virus này có gì khác so với các chủng phát hiện ở Việt Nam trước đó, và có lưu ý gì đặc biệt về chủng virus biến thể này?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 biến chủng SARS-CoV-2 từ SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán đang lưu hành tại Việt Nam. Biến chủng có nguồn gốc Châu Âu được xác định từ tháng 7 năm 2020. Tháng 1 năm 2021, Việt Nam ghi nhận biến chủng B.1.351 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng B.1.1.7 xuất hiện lần đầu tại Anh là căn nguyên của hai ổ dịch COVID-19 cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh đã được xác định vào tháng 2/2021. Ngày 5/5/2021, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố kết quả giải trình tự gen của một số mẫu trong các ổ dịch cộng đồng tại Vĩnh Phúc và Hà Nam. Trong đó, 3 mẫu từ Vĩnh Phúc thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ; các mẫu từ Hà Nam thuộc chủng B.1.1.7.

Biến thể B.1.617.2 lần đầu được xác định tại Ấn Độ vào tháng 12/2020, sau đó 20 quốc gia đã thông báo sự có mặt của biến thể này. Các nhà khoa học đã xác định được 3 đột biến L452R, E484Q, P618R trên protein gai của biến thể B.1.617 (biến chủng B1.617.2 tại Việt Nam mang 2/3 đột biến quan trọng: L452R, P618R) làm tăng khả năng bám gắn của virus vào tế bào đích, có thể dẫn đến việc gia tăng khả năng lây nhiễm, cũng như làm tăng khả năng trốn tránh miễn dịch của virus.

Trong thời gian gần đây, xuất hiện các trường hợp dương tính sau khi hết thời gian 14 ngày cách ly cho thấy khả năng virus có những thay đổi trong quá trình gây bệnh. Việc cùng lúc nhiều biến thể của virus lưu hành thực sự là một trở ngại cho công tác phòng chống dịch, bởi chúng ta phải đối phó với những đặc tính khác nhau của mỗi biến thể. Hi vọng cùng với sự phối hợp của người dân và chính phủ, ngành Y tế có thể kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tới.

PV: Có cảm nhận rằng, chủng virus Ấn Độ độc lực thấp hơn nhưng lây lan nhanh hơn, TS có ý kiến như thế nào về cảm nhận này? Vì sao số ca mắc COVID -19 cũng như số ca tử vong ở Ấn Độ lại gia tăng nhanh chóng như vậy?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Hiện tại các nhà khoa học chưa thấy bằng chứng cụ thể về độc lực của biến chủng này cao hơn các biến chủng khác. Việc số ca tử vong tại Ấn Độ tăng nhanh, ngoài yếu tố virus còn ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, các bệnh viện quá tải, tình trạng của bệnh nhân có bệnh nền hay không …v.v. Cũng cần có những nghiên cứu sâu hơn để biết mức độ tác động của mỗi yếu tố nói trên lên tình trạng gia tăng ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ.

PV: Vaccin COVID-19 do Việt Nam sản xuất đang trong quá trình thử nghiệm, khả năng đáp ứng ngăn ngừa được các chủng virus biến đổi gần đây như thế nào, thưa TS?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Virus biến đổi nhanh, liên tục tạo ra các biến thể mới là thách thức với các nhà khoa học. Vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất hiện đang trong quá trình thử nghiệm, vaccine Nano CoVax sau khi kết thúc giai đoạn 1 thử nghiệm, kết quả cho thấy đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (B.1.1.7). Hiện tại các nhà khoa học vẫn tiếp tục thực hiện các quá trình thử nghiệm để có thể tìm ra kết quả trong thời gian sớm nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về những thông tin hữu ích trên!

Lê Minh Thúy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-ca-duong-tinh-sau-14-ngay-cach-ly-cho-thay-kha-nang-virus-co-thay-doi--n191664.html