Các 'cá mập ngoại' đang đầu tư những gì ở Việt Nam?

Công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ ở Việt Nam là những mảng đầu tư đang có sức thu hút nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của cục Đầu tư nước ngoài (bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Sản xuất các linh kiện điện tử tại công ty TNHH San Koh Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản), khu công nghiệp Bờ Trái Sông Đà (Ảnh: Danh Lam – TTXVN)

Sản xuất các linh kiện điện tử tại công ty TNHH San Koh Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản), khu công nghiệp Bờ Trái Sông Đà (Ảnh: Danh Lam – TTXVN)

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Một số dự án “đình đám” ở Việt Nam có sự tham gia của các nhà ĐTNN có thể kể đến như sự đầu tư của tập đoàn Samsung Hàn Quốc vào Samsung Việt Nam ở Bắc Ninh hay một số nhà máy chế tạo linh kiện điện tử của Nhật Bản, Hàn Quốc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (lĩnh vực chế tạo, chế biến); dự án tòa nhà Ciputra, Keangnam ở Hà Nội, Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM (lĩnh vực bất động sản); các tập đoàn bán lẻ Lotte, Aeon Mall (lĩnh vực bán lẻ)…

Theo đối tác đầu tư, có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,06 tỷ USD, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,39 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 55 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký 5,87 tỷ USD, chiếm 28,9% tổng vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 1,93 tỷ USD chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2018 sau đây:

Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội…

Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, cấp phép ngày 30/5/2018 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 07/3/2007 do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.

Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm TTTM, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày.

Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng (Hàn Quốc), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 01/9/2016 với mục tiêu sản xuất mô đun camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào ngày 23/02/2018.

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/cac-ca-map-ngoai-dang-dau-tu-nhung-gi-o-viet-nam--a375628.html